Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, Hà Nội đã chọn dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) làm khâu đột phá. Chỉ trong ba năm, thành phố đã thực hiện xong trên tổng diện tích hơn 76.550ha, vượt kế hoạch đề ra. Sau dồn đổi, đồng ruộng đã được quy hoạch lại, đi kèm với giao thông, thủy lợi hoàn chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất.
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân sau DĐĐT trên địa bàn thành phố quá chậm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con nông dân ở hầu hết các huyện, thị xã. Báo Hànộimới đã vào cuộc tìm hiểu sự việc này.
Tiến độ "rùa"
Ngay khi triển khai DĐĐT, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 16 quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016. Chính sách quy định rõ: "Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện". Có cơ chế chính sách rõ ràng nhưng suốt 4 năm qua, việc cấp sổ đỏ sau DĐĐT đến nay vẫn hết sức ỳ trệ, giậm chân tại chỗ.
Có sổ đỏ sau dồn điền, đổi thửa, nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa với hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bá Hoạt
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 thành phố, đến nay mới có 3 huyện cấp lại sổ đỏ cho 162.393 hộ dân, gồm: Ứng Hòa (106.274 hộ); Đan Phượng (42.025 hộ) và Quốc Oai (14.094 hộ). Đây là 3 huyện làm điểm theo dự án Vlap "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam". 15 huyện, thị xã còn lại của thành phố vẫn chưa có kết quả. Cụ thể, huyện Sóc Sơn đã thực hiện DĐĐT được hơn 10.000ha nhưng đến nay vẫn chưa cấp sổ đỏ cho hộ dân nào. Theo tính toán, để cấp, đổi lại sổ đỏ phải tiến hành đo đạc, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính của từng xã, thị trấn. Việc này cần rất nhiều kinh phí, địa phương không kham nổi nên phải chờ dự án của Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT).
Trưởng phòng TNMT huyện Mỹ Đức Trần Văn Thể cho biết: Huyện cơ bản chưa làm được gì vì không có kinh phí. Thành phố chưa bố trí kinh phí kịp thời nên các địa phương không triển khai được. Cụ thể, năm 2012 huyện đã lập dự toán kinh phí cấp sổ đỏ sau DĐĐT trên địa bàn khoảng 23 tỷ đồng. Ngay sau khi hoàn thành DĐĐT, huyện đã thuê công ty tư vấn đo đạc nhưng đến cuối năm 2015, thành phố mới cấp được 6 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị đo đạc, kê khai tiếp đến làm các trình tự cụ thể để đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ.
Nông dân gặp khó
Trong khi các cơ quan chức năng đang "đổ lỗi" cho nhau thì việc chậm trễ trong cấp sổ đỏ đã gây ra không ít khó khăn cho người dân. Tìm hiểu tại cơ sở cho thấy, do không có sổ đỏ, người dân chưa yên tâm phát triển sản xuất, không có cơ sở để thế chấp vay vốn ngân hàng, đặc biệt là với các trang trại - nơi luôn cần nguồn tiền đầu tư rất lớn cho sản xuất.
Còn nhớ vào giữa năm 2014, khi làm việc cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sơn (Trưởng thôn Cẩm Hà xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn) khá bức xúc trước việc địa phương hoàn thành DĐĐT đã lâu nhưng chậm cấp sổ đỏ khiến ông và nhiều gia đình khác muốn lập đề án chuyển đổi đất lúa sang các mô hình mới không thực hiện được. Gặp lại ông sau gần hai năm, những bức xúc vẫn còn nguyên.
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Nghi cho hay: Xã có hơn 500ha đất sản xuất. Sau DĐĐT, rất nhiều hộ có nhu cầu tích tụ ruộng đất, xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, chưa có sổ đỏ nên các ngành chức năng thiếu cơ sở để phê duyệt. Trong khi đó, việc quản lý đất nông nghiệp của chính quyền cơ sở cũng không thuận lợi nếu không muốn nói là rất khó khăn. "Đặt giả thiết nếu bà con có tranh chấp về ruộng đất, phải mang sổ đỏ ra để phân xử thì xã cũng chịu" - ông Nghi cho biết.
Tương tự, theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng, những năm qua, huyện đã tập trung ưu tiên số một cho công tác DĐĐT và diện tích đã thực hiện dồn đổi, giao ruộng cho người dân là 10.394ha. Sau DĐĐT đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được 1.294ha. Toàn huyện đã xây dựng được 425 trang trại, doanh thu mỗi trang trại đạt từ 600 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm và trên 600 gia trại cho thu nhập cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Hiện nay, rất nhiều hộ thiếu vốn phát triển sản xuất nhưng lại khó khăn khi vay vốn ngân hàng.
"Các chủ trang trại rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, thủ tục vay vốn quá phức tạp. Khi làm việc với các ngân hàng để vay vốn, đơn vị nào cũng đòi hỏi phải có sổ đỏ để thế chấp chứ không chấp nhận tài sản thế chấp là công trình trong khu chuyển đổi" - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng kiến nghị.
Trưởng phòng TNMT huyện Ứng Hòa Trần Quang Ngạn: Ứng Hòa là một trong 3 huyện làm điểm cấp sổ đỏ theo dự án Vlap. Toàn huyện đã cấp được hơn 165 nghìn sổ đỏ đất ở và đất nông nghiệp, chiếm 74,6%. Nhờ đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, công tác quản lý nhà nước về đất đai của các địa phương rất thuận lợi. Bà con nông dân cũng phấn khởi vì có thể giao dịch với ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất thuận tiện. Nhiều hộ đã cho tặng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhau để tạo thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn hiệu quả cao. Hiện số hộ chưa cấp được sổ đỏ chủ yếu do các nguyên nhân bất khả kháng như: Đất cấp trái thẩm quyền, còn xảy ra tranh chấp đất đai và một số hộ đi làm ăn xa chưa về địa phương để kê khai.
Nhóm Phóng viên NN-NT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.