Thuế và lãi suất, cộng với những khó khăn chung của nền kinh tế đang khiến cộng đồng DN nhỏ và vừa kiệt sức. Đáng lo ngại là, sau một thời gian gia tăng khá mạnh về số lượng, nhưng đến nay, không những bị "đào thải” dần khỏi thương trường vì phá sản, các DN nhỏ và vừa còn thu hẹp quy mô. Số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tính đến đầu năm 2013, chỉ còn 312.600 doanh nghiệp đang hoạt động và 2/3 trong số đó xu hướng nhỏ đi về quy mô.
Dù được "cấp cứu” 30.000 tỉ đồng, nhưng thị trường bất động sản vẫn "ốm”. Ảnh Hoàng Long
Doanh nghiệp đang đi giật lùi
Được kỳ vọng là xương sống của nền kinh tế khi chiếm đến 97% trong tổng số các DN đăng ký hoạt động theo Luật DN, song cho đến thời điểm này, con số vừa được VCCI công bố lại cho thấy, khu vực được coi là rất quan trọng này đang ngày càng yếu đi, quy mô ngày càng thu hẹp, thậm chí phá sản lên đến hàng chục ngàn do thiếu vốn, tồn kho cao. Theo VCCI, trong 10 năm (từ 2002 đến 2012), Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của khu vực DN vừa và nhỏ, từ số lượng 63.000 DN (năm 2002) đến 2012, con số này lên tới 700.000 DN đăng ký kinh doanh. Thực tế, hiện tại số DN còn trụ lại được tính đến đầu năm 2013 chỉ còn chưa được 50%.
Đáng quan ngại là, không những suy giảm về số lượng, các DN nhỏ và vừa đang ngày càng thu hẹp về quy mô sản xuất. Đáng lẽ, theo thời gian, hoạt động của DN cần phải "phình to” ra thì ngược lại, các DN nhỏ và vừa lại teo tóp dần dẫn đến thực trạng Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt DN cỡ trung bình, chứ đừng nói đến DN lớn.
Cụ thể, thống kê của VCCI cho thấy, xét theo tiêu chí lao động, số lao động bình quân trong mỗi DN đã giảm từ 74 lao động năm 2002 xuống còn 34 lao động vào năm 2011, tương ứng với quy mô DN nhỏ. Điều tra 4.600 DN có quy mô siêu nhỏ hoạt động từ 2002 đến 2011, VCCI kết luận, 2/3 trong số đó vẫn chưa hề thay đổi quy mô sản xuất,1/3 DN còn lại thì chỉ có trên 30% phát triển được lên quy mô nhỏ, còn đa số thu hẹp quy mô lao động và trở thành DN siêu nhỏ vào năm 2011. Số DN quy mô phình ra một chút, lên được mức DN vừa và lớn hầu như không đáng kể khi chỉ đạt mức trên 2%. Trong khi đó, có tới 34% doanh nghiệp có quy mô lớn năm 2002 đã bị giảm quy mô.
Những con số nói trên cho thấy, thực trạng hoạt động của các DN khu vực nhỏ và vừa đang ở ngưỡng đáng báo động. Vậy nhưng, nhìn những động thái mà các cấp quản lý đang tìm cách vực khu vực DN này lên, hầu như chưa thấy những tác động mang tính hiệu quả cao.
Chữa nhầm "vết thương”
Con số DN phá sản, ngừng hoạt động trong năm 2012 đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhiều biện pháp đã được các nhà quản lý đưa ra với hy vọng sẽ cứu được DN qua thời điểm khó khăn hiện nay, giải quyết hàng tồn kho, hồi phục sản xuất. Đơn cử như việc hạ lãi suất cho vay, giảm thuế thu nhập DN đã được các nhà quản lý bàn đến. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh lãi suất huy động xuống 7,5%, từ đó lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng thương mại hạ xuống mức 13%. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, giải pháp này chỉ có tác dụng đối với những DN mới chỉ ở tình trạng sức khỏe suy yếu. Còn đối với các DN đã "ngã ngựa” hẳn, thì những nỗ lực, cố gắng nói trên của Chính phủ hầu như không có tác dụng gì. Lý do đơn giản là bởi, khi đã ở mức ngừng hoạt động, phá sản thì DN còn tài sản đâu mà thế chấp để đi vay, và có giảm thuế thì cũng không còn gì để đóng thuế…
Chính bởi lý do này, mà nhiều DN đang lấy làm bồn chồn khi Chính phủ bỏ ra 30.000 tỷ đồng để cứu ngành bất động sản nhưng không có bất cứ một gói hỗ trợ nào để cứu các DN ở các lĩnh vực kinh tế khác như sản xuất, chế tạo, xuất khẩu… Trong khi, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh khoảng 0,1% trong giai đoạn 2008 – 2012, thì Chính phủ lại ra sức cứu thị trường này với gói hỗ trợ lên tới 30.000 tỷ đồng. 30.000 tỷ đồng, đối với thị trường bất động sản chẳng thấm vào đâu nhưng đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa, đó là một chiếc "phao cứu sinh” lớn để dìu họ qua cơn hoạn nạn hiện nay. Chỉ cần Nhà nước hỗ trợ bằng cách cung cấp những nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp, có thể giúp DN trụ được sẽ là liều thuốc tốt cứu DN lúc này, vậy nhưng, thay vì "để mắt” đến các DN vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực sản xuất, nhà quản lý lại đang "thấu hiểu” hơn tiếng kêu của DN thuộc ngành bất động sản.
Nói như ông Bùi Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây là cách làm ngược, bởi hàng loạt DN sản xuất đang rất cần nguồn vốn để hồi phục sản xuất thì hầu như không được nhà quản lý đề cập đến. Ông Tuấn bày tỏ quan ngại: Nếu khu vực DN này vẫn tiếp tục phải chờ sự cân nhắc hỗ trợ từ phía nhà nước thêm một thời gian nữa… thì e rằng, sẽ không còn có cơ hội tồn tại. Và như vậy, nền kinh tế cũng khó có thể hồi phục khi mà khu vực DN này không còn sức tồn tại.

Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế, những chính sách đưa ra chưa thực sự tạo động lực để DN phát triển. Nhiều DN dù muốn mở rộng kinh doanh nhưng họ e ngại sự rườm rà của thủ tục hành chính cũng như những "khoảng tối” về cái gọi là "chi phí bôi trơn” trong môi trường kinh doanh. Bởi vậy, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến khu vực DN này hơn bằng cách tạo ra những cơ chế chính sách, định chế tại chính hợp lý để tạo động lực cho DN vừa và nhỏ phát triển.

Minh Phương (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.