Do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, mối quan hệ lợi ích giữa cơ quan quản lý với người dân đang chạy vòng quanh.

Thời gian qua xuất hiện hàng loạt các cao ốc thi nhau mọc trên đất di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp như tòa nhà 8B Lê trực, ty CP Dệt Mùa Đông ở 47 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - Cty CP Dệt Mùa Đông tiền thân là Cty dệt len Mùa Đông (thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội; dự án Công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án của Cty CP May Thăng Long (số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); dự án Cty CP dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn, quận Đống Đa); dự án nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy)…

TS. Trần Tú Cường - Trưởng Ban quản lý Đất đai và Bất động sản - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhận định, việc cổ phần hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng nếu thực hiện không minh bạch không những khiến thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn làm mất mát tài sản rất lớn của các cổ đông.

"Vì các cổ đông góp tiền cho chủ đầu tư đi kinh doanh mà không được chia lợi tức, không được hỏi ý kiến. Đó là tình trạng rất phổ biến hiện nay. Trong khi đó, cơ quan nhà nước là cơ quan có quyền lực, nhưng lại dễ bị nhóm lợi ích thao túng, mặc cả, chia sẻ lợi ích", ông Cường nói.

Tòa nhà 8B Lê Trực

Về quyền sở hữu đất và quyền lợi của người mua nhà tại các khu đất, TS Trần Tú Cường cho biết, vấn đề sở hữu đất và sở hữu tài sản trên đất vẫn chưa được quy định thống nhất.

Tại Điều 126, 147 Luật Đất đai 2013 quy định về thời hạn sử dụng đất, theo đó, đất giao cho cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ có thời hạn từ 50-70 năm. Hết thời hạn, nếu không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi lại thửa đất này. Điều này cũng có nghĩa quyền lợi của công dân đang sở hữu đất cũng như sở hữu nhà tại các khu đất này đều có nguy cơ bị xâm phạm.

"Sử dụng đất là một tài sản nhưng là một tài sản chưa được đặc hóa ở Việt Nam, trong khi đó, quyền tài sản là quyền bất khả xâm phạm của công dân.

Do hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa đồng bộ, chính vì thế, nhà là tài sản bất khả xâm phạm của người dân nhưng lại được xây dựng trên đất chưa được đặc hóa. Tức là ở đây chưa có chế tài quy định cụ thể về vấn đề này.

Do đó, mối quan hệ lợi ích giữa cơ quan quản lý với người dân đang sử dụng căn hộ đó, cụ thể là sở hữu tài sản trên diện tích đất đó đang chạy vòng quanh. Khi xảy ra tranh chấp thì quyền lợi của người dân luôn có khả năng bị xâm phạm, phải chịu thiệt thòi", vị chuyên gia cho biết.

Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, các cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu xây dựng quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi của người đang thuê hoặc đã sở hữu nhà tại khu đất đó.

"Tức là, họ phải thuộc nhóm đối tượng được tiếp tục gia hạn và được sử dụng nhà vĩnh viễn tại các khu đất đó", ông Cường nói rõ.

TS Trần Tú Cường cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn phải lường trước những vấn đề này. Tuy nhiên, nếu làm sẽ động chạm tới quyền lợi, lợi ích của rất nhiều doanh nghiệp bao gồm từ DNNN, doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân... Câu hỏi đặt ra là ai làm?. Và làm sẽ thế nào?

Theo ông Cường, để đảm bảo được lợi ích cho người dân, cần đảm bảo mấy yếu tố sau:

Thứ nhất, kiểm tra, đánh giá toàn diện thực trạng đang diễn ra thế nào?

Thứ hai, những điểm bất cập, chưa đồng bộ trong các quy định tại Luật đất đai, Luật nhà ở phải xử lý thế nào?. Vì đất là tài sản sở hữu có thời hạn, trong khi nhà ở lại là tài sản của công dân được nhà nước bảo hộ tuyệt đối, bất khả xâm phạm.

Vậy, trong trường hợp, doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà ở sẽ phải xử lý thế nào để bảo vệ quyền lợi tài sản cho người dân? Vị chuyên gia tự đặt câu hỏi và tự trả lời: "Ở đây cần phải hiểu rằng, cổ phần hóa là cổ phần hóa đất chứ không phải cổ phần hóa nhà. Luật phải có chế tài phù hợp. Rắc rối này, các cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm".

Vì thế, vị chuyên gia nhấn mạnh, dù là doanh nghiệp cổ phần hóa hay doanh nghiệp nhà nước, quyền tài sản của công dân vẫn phải được bảo đảm tuyệt đối. Để giải quyết tồn tại trên, ông Cường cho rằng cần sớm ban hành chính sách để thể chế hóa các vấn đề trên.

"Đây là kẽ hở pháp luật sớm muộn cũng phải giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Quyền lợi của người dân đã bị lãng quên do chính kẽ hở của pháp luật, kẽ hở trên khiến không ít người dân phải chịu thiệt thòi.

Do đó, Bộ TNMT, Bộ Xây dựng, Tổng LĐLĐVN, kể cả Bộ LĐ-TB-XH đều phải đứng ra yêu cầu làm việc này", vị chuyên gia cho biết..

Lam Lam (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.