Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của công nhân trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) hiện nay. Tuy nhiên thực trạng công nhân KCN không có nhà ở ổn định đã và đang là vấn đề bức xúc của công nhân, DN và toàn xã hội.
Lễ động thổ một dự án xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ảnh: S.T.

Nơi thiếu

ThS. Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lí các KCN Bắc Ninh cho biết: Đến nay, tổng số lao động đang làm việc tại các KCN Bắc Ninh là trên 117.455 người, lao động ngoại tỉnh là 72.782 người (chiếm 61,97%) nên nhu cầu cần chỗ ở của lao động tại các KCN là rất lớn (khoảng trên 60.015 người). Thế nhưng các DN và chủ đầu tư hạ tầng KCN chỉ cung cấp được khoảng 11.515 chỗ ở cho người lao động (đạt 19,2%), số còn lại khoảng 48.500 lao động phải thuê, trọ tại các khu nhà do nhân dân xây dựng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 11 KCN nhưng chỉ có 1 KCN là Đại An có nhà ở cho công nhân dù KCN nào cũng có quy hoạch khu dân cư dịch vụ phục vụ KCN. Công nhân lao động trong các KCN chủ yếu thuê nhà trọ trong các khu dân cư cạnh các KCN và sống chung cùng gia đình.

Theo ông Mai Đức Chọn, Trưởng ban Quản lí các KCN Hải Dương, để tạo điều kiện cho các DN sử dụng nhiều lao động thường xuyên ổn định sản xuất, trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Hải Dương đã chấp thuận cho 2 DN lớn của Nhật Bản tự đầu tư xây dựng một số khu ký túc xá ngay cạnh nhà máy để tạo chỗ ở tạm thời cho công nhân lao động ngoại tỉnh. Bao gồm 1 khu ký túc xá của Công ty TNHH UNIDEN (KCN Tân Trường) và 4 khu ký túc xá của Công ty TNHH BROTHER (KCN Phúc Điền).

Nơi thừa

Việc thiếu nhà ở công nhân trong các KCN ở Bắc Ninh hay Hải Dương không phải là cá biệt, song trường hợp KCN vừa thiếu vừa “ế” như Vĩnh Phúc khá hy hữu. Ông Nguyễn Công Lộc, Trưởng ban Quản lí các KCN Vĩnh Phúc cho biết: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Vĩnh Phúc mới hoàn thành 2 khu nhà ở cho người lao động, một khu nhà ở của Công ty Honda Việt Nam tự xây dựng cho công nhân công ty thuê và một khu do DN đầu tư.

Đối với khu nhà ở công nhân của Công ty Honda Việt Nam, quy mô mỗi phòng trọ là 6 người, diện tích 36 m2, giá thuê từ 120.000-150.000 đồng/người/tháng, miễn phí điện, nước, kèm không gian sinh hoạt thể thao, giải trí chung nhưng hiện mới có 1.200 công nhân ở trên tổng số 1.800 đơn vị ở.

Còn khu nhà ở công nhân của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bảo Quân liền kề KCN Khai Quang đã hoàn thành 1 toà nhà, tạo ra 750 đơn vị ở. Mỗi phòng được phép ở từ 7-10 người, có diện tích từ 42-47 m2, tương đương 1,75-2,1 triệu đồng/phòng/tháng. Chi phí điện nước theo quy định của Chính phủ và của tỉnh. Tuy nhiên, sau 3 tháng công bố chủ đầu tư báo cáo không có công nhân vào thuê, mặc dù Ban Quản lí các KCN đã đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh, Công đoàn các KCN vào cuộc, thông báo, tuyên truyền cho người lao động biết.

“Phá rào” để có đất làm nhà ở cho công nhân

Trước mắt, để tạo điều kiện cho các dự án mới có đất sạch xây dựng nhà ở cho công nhân, đáp ứng kịp thời nhu cầu, tiến độ của nhà đầu tư, Ban Quản lí các KCN Bắc Ninh tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ cơ chế đặc thù, chuyển đổi mục đích sử dụng một số lô đất đã có quy hoạch nhưng chưa được sử dụng, có vị trí thuận lợi tiếp giáp với KCN, có khả năng đấu nối liên thông hạ tầng với KCN.

Như vậy, vừa nhanh chóng có đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án, vừa tránh lãng phí tài nguyên đất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất như: Dự án nhà ở công nhân Công ty Samsung, Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân KCN Quế Võ của Công ty cổ phần VS Industry Việt Nam và một số dự án khác. Với cách làm trên, các KCN Bắc Ninh sẽ đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho công nhân theo mục tiêu đề ra.

Đại diện Ban Quản lí các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phép sử dụng ngân sách địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng các khu nhà ở công nhân và ký túc xá, tạo quỹ nhà ở cho thuê liền kề các KCN với đầy đủ các thiết chế văn hóa và nhà trẻ, khu vui chơi thể thao cho người lao động; cho phép thiết kế phòng trọ với quy mô từ 3-5 người và bổ sung cơ cấu tổ chức của Ban Quản lí các KCN cấp tỉnh, cho phép thành lập đơn vị sự nghiệp để quản lí ký túc xá công nhân.

Theo ông Mai Đức Chọn, để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho công nhân hiện nay, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định về xây dựng và quản lí nhà ở cho công nhân KCN. Cần sửa đổi các quy định về đầu tư trong đó cần quy định thêm trách nhiệm xây dựng nhà ở cho công nhân còn là trách nhiệm của các DN và chủ đầu tư sử dụng lao động (đối với các dự án sử dụng nhiều lao động phải có cam kết của chủ đầu tư khi tiếp nhận dự án).

Lương Bằng (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.