Trước thực trạng việc điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư đang bị lợi dụng dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí, ĐB Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn vấn đề này.
Ngày 24/5, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nghe Báo cáo giải trình và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).

Đề cập đến dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, dự án luật cần có thêm một quy định về điều kiện, năng lực của chủ đầu tư. Bởi theo ông Diệu, một trong những nguyên nhân cơ bản gây thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ chính là do năng lực chủ đầu tư.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do những nguyên nhân khách quan là khó tránh khỏi, nhưng cũng dễ bị lợi dụng (Ảnh Minh họa)

Đề cập đến thực trạng việc điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư đang đang bị lợi dụng để điều chỉnh, đội giá một cách tràn lan, dẫn đến đầu tư dàn trải, lãng phí, ĐB tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc này rất cần thiết, nhất là đối với các trường hợp do thay đổi chỉ số giá xây dựng, các trường hợp đặc biệt bất khả kháng do thiên tại, do thay đổi quy hoạch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư với những lý do không cấp thiết như “xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn…” được quy định tại mục b khoản 1 Điều 61 là thiếu chặt chẽ, không rõ ràng và đang bị lợi dụng.

“Thực tế cho thấy, đây là vấn đề nhạy cảm, đang được diễn ra một cách khá phổ biến, khó kiểm soát và là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, kéo dài tiến độ thi công, dễ dẫn đến tiêu cực, gây thất thoát lãng phí. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để bỏ hoặc quy định lại một cách hạn chế, nghiêm ngặt hơn đối với trường hợp điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư quy đinh tại mục b, khoản 1, Điều 61 của dự thảo”, ĐB tỉnh Quảng Bình đề nghị.

Trong khi đó, theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), không thể chỉ coi hoạt động xây dựng như một hoạt động chuyên môn kỹ thuật thông thường vì đây là việc quản lý sử dụng đồng vốn nhà nước, và nếu không quy định chặt chẽ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn lực nhà nước. “Cần quy định trách nhiệm cán bộ cơ quan nhà nước đối với việc tiền kiểm; Bổ sung quy định quản lý đất đai khi triển khai quy hoạch. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn phải quản lý và chịu trách nhiệm về trình độ, năng lực pháp lý của tư vấn; Bổ sung trách nhiệm chủ tịch trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối với quy hoạch liên vùng…”, ĐB Hùng đưa ra một số đề xuất.

Còn ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) lại quan tâm đến quy định đối với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng và cho rằng thực tế thời gian qua, một số công trình xây dựng chưa có những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng bảo đảm thuận lợi an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc. Trên cơ sở này, ĐB đề nghị khoản 3 Điều 4 dự thảo luật được viết lại như sau: 'Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng, các quy định của pháp luật về sử dụng vật liêu xây dựng, bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em ở các công trình công cộng và nhà ở chung cư; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động đầu tư xây dựng".

Minh Tiến (Báo GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.