Tại hội thảo chuyên đề về quản lý chung cư do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa tổ chức tại TP.HCM, các chuyên gia đều có chung ý kiến cho rằng, trong khi chưa có một đạo luật riêng cho việc quản lý chung cư, thì trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sắp tới, cần dành hẳn riêng một chương nhằm giải quyết một cách cơ bản những vướng mắc liên quan đến loại hình nhà ở này.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua, hầu hết các chung cư tại TP.HCM đều xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, hướng giải quyết các tranh chấp mới chỉ mang tính tạm thời, tình thế. Lúc đầu, các tranh chấp chủ yếu phát sinh ở phần sở hữu diện tích chung - riêng tại các chung cư. Về sau, tranh chấp càng diễn biến phức tạp, đa dạng, từ việc không thống nhất các khoản chi phí, nơi để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, bầu ban quản trị đến tranh chấp liên quan đến các dịch vụ cung cấp độc quyền, như gas, điện, nước, Internet…

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, thời gian qua, một trong số những tranh chấp phổ biến tại nhiều chung cư xuất phát từ sự chênh lệch lớn giữa nhà mẫu và nhà chính thức. Do vậy, theo bà Loan, việc đầu tiên, cần có quy định rõ về việc công bố nhà mẫu khi bán căn hộ chung cư, vì mọi yếu tố dẫn đến giao dịch mua bán đều bắt đầu từ việc xem nhà mẫu. “Theo đó, căn hộ mẫu phải đúng với bản chất của nhà thật là sản phẩm thô, không cần thêm các vật trang trí khác, vì những thứ này không có trong hợp đồng mua bán. Những đồ nội thất như tủ, bàn, ghế... tuy đẹp, nhưng sẽ khiến khách hàng hoa mắt, không thẩm tra được món hàng có đúng với thỏa thuận ban đầu hay không, dễ dẫn đến khiếu kiện sau này”, bà Loan nhận xét.

Để giải quyết tranh chấp tại các chung cư, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra các quy định, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một hành lang pháp lý cơ bản nào nhằm giải quyết rốt ráo các tranh chấp trên.

Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật này đã ra đời từ năm 2006, song đến tháng 5/2008, Bộ Xây dựng mới ban hành Quyết định 08/2008/QĐ-BXD về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Tiếp đến, Nghị định 71/2010/NĐ-CP (thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP) được đánh giá là đã quy định rõ hơn các vấn đề về quản lý chung cư, song vẫn chưa đủ, chưa bao quát hết.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nhận xét, cho dù quy định đã có, nhưng việc áp dụng trên thực tế vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Do đó, cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, theo Quyết định 08/2008/QĐ-BXD, hội nghị nhà chung cư chỉ được tiến hành khi có trên 50% tổng số chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư tham dự. Vì thế, nhiều chung cư không thể tiến hành được hội nghị để bầu ban quản trị, chỉ vì không có đủ số lượng trên. Ngoài ra, chưa có các quy định rõ ràng về thành phần ban quản trị, nguyên tắc hoạt động của ban quản trị, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, quản lý nguồn kinh phí bảo trì, quyền sở hữu chung, riêng…

Theo đại diện Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sắp tới, cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng các quy định để trình cấp có thẩm quyền thông qua nhằm xử lý triệt để các vấn đề tranh chấp liên quan đến quản lý, vận hành chung cư.

“Hiện đã có nhiều quy định liên quan đến quản lý chung cư, nhưng vẫn còn bất cập, cần sửa đổi. Trong khi đó, lại chưa có một đạo luật riêng về quản lý nhà chung cư. Cụ thể, trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua năm 2014, Bộ Xây dựng đang kiến nghị dành hẳn một chương để tạo hành lang pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp tại chung cư”, đại diện Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường bất động sản cho biết.

Theo Tăng Triển (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.