Sáng 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Cuối buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 13, sau khi thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện thu, chi tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà (được chia từ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí theo Tờ trình số 340/TTr-CP của Chính phủ ngày 21-11-2012).

Duy trì chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã giải trình về ý kiến đề nghị bổ sung hình thức sở hữu tư nhân đối với một số loại đất (như đất ở) và đề nghị dùng khái niệm sở hữu nhà nước thay cho sở hữu toàn dân. Ông Giàu cho biết: “Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được thực hiện ổn định từ năm 1980 đến nay phù hợp với chế độ xã hội ở nước ta; cần được duy trì nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội. Hơn nữa, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với Hiến pháp hiện hành và đường lối của Đảng về đất đai”.

Về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế đã chỉnh lý quy định về thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn theo hướng thống nhất giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chỉnh lý quy định tại khoản 3 Điều 131 để bảo đảm việc thu hồi phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng và vùng phụ cận phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nói thêm: “Về các ý kiến liên quan đến việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư; nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất…, dự thảo Luật đã có quy định Nhà nước thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch thì cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.

Chỉ hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo trình UBTVQH lần này được chỉnh lý theo hướng người bị thu hồi đất thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất thì được bồi thường bằng tiền, bảo đảm đủ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tương đương với giá trị quyền sử dụng đất của đất bị thu hồi. Dự thảo Luật cũng quy định: chỉ hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp vì đây là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ việc thu hồi đất do hết đất sản xuất. Còn các chủ thể khác như cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, người nghỉ hưu đã có nghề, thu nhập ổn định thì không đặt ra vấn đề hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Vẫn theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, về ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đất đối với từng loại đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế thấy rằng để định giá đất phải áp dụng nhiều phương pháp khác nhau tùy theo loại đất, thông tin về giá đất thị trường, thu nhập từ việc sử dụng đất. Vì vậy, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể.

Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Tham dự phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng góp ý: “Bộ Tư pháp cho rằng những tranh chấp đất đai dân sự thì Tòa án phải có quyền phán quyết cao nhất, để đảm bảo tính khách quan. Bên cạnh đó, việc đấu giá quyền sử dụng đất nên giao cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện. Cả nước hiện nay đã có hàng trăm tổ chức hành nghề đấu giá với khoảng 1.000 đấu giá viên, không cần thiết phải lập tổ chức đấu giá đất riêng biệt. Một điều đáng lưu ý nữa là vẫn nên giữ lại yêu cầu công chứng, chứng thực bắt buộc đối với một số loại hợp đồng giao dịch về đất đai để đảm bảo tính chặt chẽ, quyền lợi hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch, ổn định xã hội”.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn trước hàng loạt vấn đề chưa được làm rõ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu: “Vấn đề hiện đang tắc vẫn là phân định rõ thực chất quyền sở hữu và quyền sử dụng. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì việc định giá phải đặc biệt, không như những tài sản khác và chủ thể quyết định giá phải là nhà nước. Giao cho tư nhân định giá là không hợp lý”.

Ông Ksor Phước cho rằng, nội dung về giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số được chỉnh lý đã khá rõ và hợp lý, nhưng trên thực tế vẫn có trường hợp do nghèo khó, người dân tuy không còn đất ở, đất sản xuất nào khác vẫn cứ sang nhượng rồi di canh di cư tự do. “Phải có quy định rõ hơn trong Luật về việc này, hoặc giao Chính phủ quy định”, ông nói. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình: “Với tư cách là một người dân tộc, tôi cũng cho rằng quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm. Cũng không thể chấp nhận tình trạng được giao đất rồi lại sang nhượng, lại xin đất mới”...

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu thêm những vấn đề khác cần làm rõ như việc thực hiện các quyền về đất, quy hoạch sử dụng các loại đất; cấp các loại giấy chứng nhận về đất; căn cứ phân loại đất; giải pháp đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, đặc biệt là giữ đất trồng lúa.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta quyết tâm làm nhanh, nhưng không vội.

Công tác tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội liệu đã chắt lọc được hết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân chưa? Luật thể hiện có phần còn đơn giản, trong khi đó còn cơ man nhiều việc. Xưa nay Luật Đất đai vẫn là nhiều hướng dẫn nhất, lần này làm sao để hạn chế tối đa những nội dung để Chính phủ hướng dẫn… Tôi cảm nhận qua thảo luận ở Quốc hội thì dự thảo chưa đạt yêu cầu, mà tiếp thu như thế này thì không có chỉnh sửa gì lớn so với bản dự thảo đã trình Quốc hội. Cho nên có ý kiến cho là nếu thông qua Luật này ngay kỳ họp tới cũng còn là hơi vội. Tôi cho rằng luật này nên thể hiện đầy đủ như Bộ Luật Lao động để sau này thực hiện. Nếu thấy chưa đủ kỹ, chưa đủ sâu thì phải lấy ý kiến nhân dân, chưa vội ban hành.

Đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, sau khi Chính phủ cho ý kiến thì trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận tại phiên họp sau (dự kiến vào trung tuần tháng 1-2013); lúc đó mới “chốt” lại dự thảo và công bố xin ý kiến nhân dân. Nếu đến tháng 5 tới mà thấy chưa vẫn yên tâm thì trình với Quốc hội để tháng 10 mới thông qua. Chúng ta quyết tâm làm nhanh, nhưng không vội.

* Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang: Sẽ trình kèm 5 nghị định hướng dẫn

Nhiều vấn đề cụ thể mà Chủ tịch Quốc hội và thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu sẽ được quy định tại 5 nghị định mà chúng tôi đang xây dựng, hoàn thiện. Đó là các nghị định về hướng dẫn thi hành luật; xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai; bồi thường hỗ trợ tái định cư; tiền sử dụng đất và giá đất. Khi trình dự án luật để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới, chúng tôi sẽ trình kèm 5 dự thảo nghị định này.

Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề lấy ý kiến về dự thảo Luật, ngày 27-12 tổ chức tại TPHCM, sau đó sẽ tiếp tục tại Hà Nội, Đà Nẵng… Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện, nhưng đòi hỏi đột phá mà không thay đổi chủ sở hữu thì không dễ.

Theo Anh Thư (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.