Căn hộ nhỏ, giá “mềm” và lãi suất ngân hàng giảm được xem như hai “đòn” mạnh có thể giúp làm ấm lại thị trường bất động sản vốn đang đóng băng, đặc biệt ở phân khúc nhà giá cao và căn hộ lớn.

Nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (tạm gọi là “bìa đỏ”) cho riêng các chủ hộ này vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Thị trường trong một tháng qua đã ghi nhận dấu hiệu tích cực từ cả hai thành phố lớn: Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, với căn hộ nhỏ, giá thấp, diễn biến vẫn không mấy sáng sủa ở cả 2 thành phố. Sau một thời gian tranh luận về vấn đề “chia nhỏ” căn hộ và sau khi Bộ Xây dựng đã cho phép thực hiện, lượng căn hộ được chia nhỏ chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Vấn đề pháp lý của căn hộ khiến khách hàng e dè không dám chung tên, chủ dự án khi xin cắt nhỏ căn hộ phải làm lại nhiều thủ tục như: phê duyệt lại quy hoạch, thiết kế. Chưa kể đến việc một số dự án phải bố trí lại hệ thống điện, nước… Đó là những “phiền toái” mới liên quan đến căn hộ chia nhỏ, dẫn đến việc số căn hộ chia nhỏ xuất hiện mới rất ít.

Tại Hà Nội, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn vị nào xin chia nhỏ căn hộ để bán. Ở một số dự án, đã có khách hàng đơn lẻ thoả thuận với chủ đầu tư thực hiện theo hướng này, nhưng chưa nhiều. Việc chia nhỏ penhouse của Chung cư CT5 - Xa La - Hà Đông là một ví dụ, khi giao dịch căn hộ kiểu này, cả chủ đầu tư và khách hàng đều chấp nhận “đánh bạc” với… cơ chế đồng sở hữu.

Còn tại TP. HCM, số lượng căn hộ đã và đang hoàn thiện được chia nhỏ không nhiều, chủ yếu dựa trên tính toán nhu cầu thực tế của khách hàng, chứ ít có chủ đầu tư dám “đi trước đón đầu”.

Đơn cử, tại Chung cư Thái An (CTCP Đất Lành làm chủ đầu tư), mỗi căn hộ 40 m2 có giá khoảng 560 - 600 triệu đồng, nếu chia căn hộ làm đôi, mỗi căn sẽ chỉ có giá khoảng 300 triệu đồng. “Nhưng số căn hộ chia nhỏ bán được rất chậm, chỉ bằng 30% số căn hộ thông thường”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc CTCP Đất Lành chia sẻ.

Tâm lý của khách hàng khi sở hữu căn hộ là chỉ muốn một mình đứng tên, chứ không muốn chung danh trên một “tờ bìa đỏ”. “Đại đa số bộ phận khách hàng chỉ muốn: đã là nhà mình mua thì phải đứng tên mình chứ không chung chạ”, chị Phạm Quỳnh Anh, một khách hàng chia sẻ, cho dù nhu cầu về một chốn an cư lúc nào cũng “sôi sùng sục” trong chị.

“Khi nhu cầu về nhà diện tích nhỏ, giá thấp là có thực mà thanh khoản của phân khúc này vẫn èo ọt như vậy thì vấn đề mấu chốt chỉ nằm ở “tấm bìa đỏ” mà thôi. Chỉ khi vấn đề này được giải quyết, mới có “cửa” cho căn hộ chia nhỏ. Vả lại, không phải căn hộ nào muốn chia nhỏ cũng được. Những căn hộ mới xây xong phần móng hoặc đang lập dự án thì điều chỉnh còn dễ, còn với những căn đang xây hay đang hoàn thiện thì không đơn giản. Chia nhỏ căn hộ không chỉ đơn giản là ngăn đôi căn hộ mà kéo theo hàng loạt vấn đề như điện nước, xin cấp phép lại…”, ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TECCO khẳng định.

Trên thực tế, một lượng lớn người phải đi thuê nhà ở có thể nhìn thấy ở bất cứ quận nào trên cả 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM. Và những người này đang phải chịu giá thuê khá đắt. Đơn cử, một căn hộ chung cư ở các quận nội thành Hà Nội như Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa, Giảng Võ có giá thuê từ 4 - 7 triệu đồng/tháng tùy diện tích. Với những căn có diện tích “tối thiểu” như từ 12 - 20 m2, giá thuê cũng từ 600.000 đồng - 1,2 triệu đồng/tháng. Còn ở TP. HCM giá thuê còn cao hơn, tương ứng là từ 6 - 10 triệu/tháng với căn hộ thông thường và từ 800.000 đồng - 1,5 triệu đồng/tháng với căn hộ siêu nhỏ.

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số người thuê nhà ở 2 thành phố, nhưng con số này ngày một tăng, tỷ lệ thuận với lượng người nhập cư. Để những người này được sở hữu căn hộ nhỏ và vừa túi tiền với quyền sở hữu đầy đủ, độc lập - một nhu cầu chính đáng, cần những căn hộ không chỉ được chia nhỏ trên thực địa mà còn phải được chia nhỏ trên giấy tờ - giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.