Các chủ dự án bất động sản (BĐS) đang mạnh dạn tung ra những căn hộ chung cư có thời hạn sử dụng 50 năm cho khách hàng. Tuy nhiên nhiều ý kiến khách hàng cho rằng, họ khá ngần ngại về tính pháp lý của dự án "giới hạn” thời gian ở.
Người mua nhà băn khoăn về tính pháp lý khi sở hữu chung cư có thời hạn
Ảnh: Lê Minh
Tại đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy – Hà Nội), giá căn hộ chung cư cao cấp loại ở vĩnh viễn là 33 triệu đồng/m2, nhưng cũng là căn hộ này, khi thời hạn sở hữu 50 năm thì giá bán chỉ còn là 30 triệu đồng/m2. Rõ ràng đang có sự chênh lệch về giá của hai loại hình chung cư giới hạn thời gian ở, không giới hạn thời gian ở này.
Hiện nay hàng loạt dự án có chủ đầu tư là người nước ngoài như Pacific Place, Ciputra… đều có hình thức sở hữu giới hạn thời gian ở. Theo đó, thời hạn sở hữu nhà của người mua tùy thuộc vào thời gian Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất.
Mới đây, dự án Lê Thành Twin-Towers vừa đưa ra 2 lựa chọn cho khách hàng khi có nhu cầu. Với loại căn hộ cho thuê 15 năm với giá trọn gói 240 triệu đồng và loại căn hộ cho thuê 49 năm với giá 350 triệu đồng. Tức là các chủ dự án sử dụng hình thức "bán bia kèm lạc”, nghĩa là thay vì cho khách hàng sở hữu vĩnh viễn căn hộ, Lê Thành Twin – Tower giới hạn thời gian sở hữu.
Hiện một số DN trên địa bàn quận Tân Bình, Gò Vấp (TP. HCM) cho biết đã triển khai và chuyển một số dự án sang để bán với thời hạn sở hữu khoảng 50 năm với giá chỉ bằng nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với giá thị trường trong cùng khu vực. Trong khi đó tại bản sửa đổi lần 4 Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng cũng đưa ra ý tưởng sở hữu chung cư có thời hạn 70 năm. Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, hiện nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng thời hạn sở hữu chung cư từ 50 - 70 năm, chứ ít có nước nào có hình thức sở hữu chung cư vĩnh viễn. Thời gian này cũng tương đương với tuổi thọ một đời người cũng như chất lượng của căn hộ chung cư.
Theo phân tích, điểm thuận lợi đầu tiên của việc bán nhà với thời hạn sở hữu nhất định sẽ đưa giá nhà chung cư giảm mạnh hơn. Tình trạng ôm nhà để đầu cơ cũng sẽ giảm bớt bởi sự mạo hiểm sẽ cao hơn khi để càng lâu, giá trị căn hộ càng giảm. Tiếp đó, làm phong phú hơn cơ cấu nguồn cung hàng hóa, khách hàng sẽ có thêm nhiều lựa chọn. Đặc biệt, trong suốt thời gian qua, mỗi lần tòa nhà chung cư cũ nào nằm trong diện phải cải tạo mới vốn gặp khó khăn do sự trì trệ, không nhất trí của người dân thì nay cũng được giải quyết nếu nhà chung cư giới hạn thời gian ở 50 năm.
Tuy nhiên, với tâm lý "an cư lạc nghiệp” thì việc sở hữu không thời hạn và việc sở hữu có thời hạn đối với một căn nhà là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Khi mua nhà sở hữu không thời hạn, người ta có thể để lại cho đời con cháu, và đây vốn là truyền thống của người Việt. Còn nếu mua có thời hạn, khi hết hạn mua là phải trả lại, dù luật qui định sẽ được bố trí tái định cư, nhưng 50 năm hay 70 năm sau, người dân vẫn lo ngại không biết chính sách về tái định cư thay đổi như thế nào, có bất lợi cho người mua hay không?
Chị Vũ Thu Hà (làm việc tại tòa nhà Grand Plaza), tiết kiệm tiền rồi thêm hỗ trợ từ gia đình muốn mua được 1 căn nhà cũng khó. Thế mà chỉ được ở 50 năm hay 70 năm thì tôi không mua. Sau này, đến lượt con cháu mình lại phải tiết kiệm như mình bây giờ thì không biết khi nào mới mua được nhà. Loại căn hộ được ở 50 năm, 70 năm chỉ dành cho những người thực sự giàu có.
Anh Trần Ngọc Lâm đang thuê nhà tại phố Hoàng Cầu cũng đồng tình quan điểm trên, dù trong hiện tại giá của căn hộ 50 năm có thể rẻ hơn nhưng đất đai là của để dành. "Tôi sẽ không mua căn hộ dạng này” .
Phần lớn người dân cho biết, họ khá ngần ngại về tính pháp lý của những trường hợp được bán với thời hạn 50 - 70 năm. Bên cạnh đó, tâm lý người dân Việt Nam hiện nay vẫn muốn sở hữu nhà riêng hơn là đi thuê nhà, trong khi đó, căn hộ 50 năm được nhiều người so sánh: "Không khác gì nhà thuê dài hạn”.
Hồ Hương (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.