Nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, trên thế giới đã có tiêu chuẩn về thiết kế tòa nhà chống lốc xoáy và Việt Nam nên đưa vào luật để tránh gây ra hiểm họa từ nhà cao tầng mỗi khi bão diễn ra.
Lốc xoáy mạnh xuất hiện trong cơn bão số 1 tại chân tòa cao ốc Keangnam (Hà Nội) ngày 28/7.
Nhà cao thường gió to
Không ít người đi đường bị gió thổi ngã cả người và xe khi đi qua cao ốc Keangnam (Phạm Hùng, Hà Nội) vào cơn bão sáng 28/7 vừa qua. Và cứ mỗi mùa mưa bão, người dân Thủ đô lại sợ hãi mỗi khi phải đi qua những toà nhà cao tầng như này.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đối với những công trình cao 50 tầng trở lên, khả năng chống gió của nó trở thành một trong những vấn đề nan giải chủ yếu trong quá trình thiết kế. Hiện, trên thế giới, khi thiết kế nhà cao tầng tại khu vực trống trải và gió lớn, người ta phải tính toán đến cả vấn đề này và đưa vào luật.
“Theo quy phạm về xây dựng thì đều có quy định phải tính toán sức chịu lực để chống lại sự phá hoại của dòng gió khí động học, gió xoáy hay gió càng lên cao càng mạnh. Việc tính toán đó phụ thuộc vào người thiết kế, có thể tốt hay không tốt. Có khi tính tốt nhưng khi thi công lại không đảm bảo chất lượng thì vẫn có thể bị hỏng…
Tuy nhiên, nếu muốn xác định chính xác ở một công trình cụ thể thì phải đến tận nơi khảo sát, kiểm tra thì mới có thể xác định được. Hiện luật của mình về xây cao ốc chống lốc xoáy chưa rõ ràng nên khi xảy ra hiểm họa gây nguy hiểm cho người đi đường không ai chịu trách nhiệm”, ông Liêm nói.
Còn GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cho rằng, trách nhiệm chính là người thiết kế và thi công, chứ không thể nào khuyến cáo người dân khi gió bão lại tránh nhà cao tầng được.
Nhiệm vụ của người thiết kế xây dựng là phải đảm bảo an toàn cho trường hợp gió xoáy, gió mạnh nhất ở khu vực đó. Tuy nhiên, riêng với những người muốn mua căn hộ ở các chung cư cao tầng, trước khi mua cũng cần xem xét thật kỹ công trình để hạn chế bớt những nguy cơ có thể xảy ra.
PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Chất lượng công trình Nhà nước (Bộ Xây dựng) cho biết, những quy định về tải trọng gió trong các tiêu chuẩn ở Việt Nam không “bao” được các tòa nhà cao tầng.
Trong tiêu chuẩn của nhiều nước châu Âu quy định những tòa nhà cao trên 200m hoặc có lõi cứng và gây hiệu ứng xoắn bắt buộc phải thí nghiệm trong ống thổi khí động. Ở Mỹ, các tài liệu cũng khuyến cáo về việc nên thí nghiệm trên mô hình trong ống thổi khí động trước khi thiết kế các tòa nhà có chiều cao trên 40 tầng.
“Việt Nam là một trong những nước có nhiều cơn bão lớn mỗi năm và luôn biến động trong khi các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng đang mọc lên rầm rộ ở TP HCM, Hà Nội... Bỏ qua những yêu cầu về chất lượng kết cấu bao che sẽ là những thiếu sót nghiêm trọng”, ông Chủng nói.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Giang (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho hay, khi thiết kế, xây dựng nhà cao tầng, các kỹ sư và kiến trúc sư đều quan tâm đến ảnh hưởng của gió tới công trình và các vùng lân cận. Tuy nhiên, hiện vấn đề gió xoáy xuất hiện tại các tòa nhà cao tầng chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều.
“Về tác dụng của gió giật, gió xoáy xuất hiện khi có sự hiện hữu công trình nhà cao tầng ít được nghiên cứu hơn vì đòi hỏi các thiết bị đo đạc hiện đại, phải làm thí nghiệm mô hình công trình thu nhỏ rất tốn kinh phí. Trong khi đó, khi có nhiều dãy nhà cao tầng gần nhau có thể xuất hiện những cơn gió xoáy bất lợi, gây nguy hiểm cho người dân”, ông Giang cho hay.
Ngọc Mai (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.