Theo dự kiến, trong vài tháng nữa, việc thi công giai đoạn 1 chợ Đầm (TP Nha Trang, Khánh Hòa) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Song, bà con tiểu thương ở đây đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc đầu tư xây dựng chợ, huy động vốn, sắp xếp chỗ buôn bán...
Mặt trước chợ Đầm Nha Trang (TP Nha Trang, Khánh Hòa).
Mặt trước chợ Đầm Nha Trang (TP Nha Trang, Khánh Hòa).

Được đưa vào sử dụng từ năm 1974, chợ Đầm hiện là trung tâm thương mại lớn nhất TP Nha Trang (Khánh Hòa); là điểm đến thân quen không chỉ của người dân địa phương mà cả du khách trong nước và quốc tế; đồng thời cũng là một trong những điểm nhấn về kiến trúc ở Nha Trang. Hiện nay, chợ Đầm có khoảng 1.430 hộ kinh doanh.

Qua hơn 40 năm sử dụng, đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy chợ đã xuống cấp, quy mô không đáp ứng được quy hoạch chung của thành phố du lịch nên tổ chức quy hoạch, xây dựng lại chợ Đầm. Theo quy hoạch, khu chợ Đầm mới được xây dựng quy mô ba tầng, tổng diện tích hơn 21 nghìn m 2 . Mục tiêu dự án này nhằm xây dựng chợ Đầm thành chợ đầu mối có đầy đủ cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu kinh doanh; tạo thêm dáng nét đô thị hiện đại cho TP Nha Trang.

Việc xây dựng lại chợ Đầm được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn một tiến hành từ tháng 1-2014 đến hết 12-2015, giai đoạn hai bắt đầu từ năm 2016 và kết thúc vào 2020. Tuy nhiên, hiện nhiều tiểu thương đang có ý kiến chung quanh việc xây dựng lại chợ Đầm. Bà con tiểu thương kiến nghị giữ nguyên chợ Đầm tròn và mô hình kinh doanh chợ truyền thống; cho rằng không nên phá dỡ khu nhà tròn ở khu vực trung tâm chợ (hay còn gọi là nhà tròn) của chợ để xây đài phun nước, bởi như vậy rất lãng phí và đề nghị làm rõ tại sao chợ mới đã tiến hành xây dựng gần cả năm, các cấp chính quyền, ngành chức năng mới tổ chức họp các tiểu thương để thông báo chủ trương xây dựng chợ?

Chủ đầu tư cần xem lại việc di dời tất cả các hộ buôn bán sang chợ mới, vì không cẩn thận lại rơi vào tình cảnh ế ẩm như một số trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Công trình chưa xây dựng xong, tại sao chủ đầu tư đã tổ chức huy động vốn của bà con tiểu thương? Làm như vậy, những người có nhiều tiền sẽ vào thuê hết những vị trí đẹp ở khu vực chợ mới. Thậm chí đây cũng là cơ hội cho những người không kinh doanh ở chợ nhảy vào đầu cơ lô sạp để sang nhượng kiếm lời.

Về việc giữ lại chợ Đầm tròn, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Chợ Đầm cũ không bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ; việc bố trí các quầy sạp không khoa học; công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường gặp nhiều khó khăn... không đáp ứng được yêu cầu là trung tâm thương mại lớn nhất TP Nha Trang. Do vậy, thực hiện dự án chợ Đầm (Nha Trang) là yêu cầu cấp thiết. Chủ trương này được UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu từ năm 2010, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thông qua từ năm 2011.

Song, trong quá trình thực hiện, các bên liên quan đã không kịp thời công khai, minh bạch chủ trương thực hiện dự án khiến người dân thắc mắc, thậm chí có cả những ý kiến trái chiều và tổ chức bãi thị, kiến nghị đông người. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND thành phố Nha Trang, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Đà-Nha Trang, Ban Quản lý chợ Đầm nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc công khai, minh bạch những nội dung liên quan đến quá trình triển khai dự án; phương án sắp xếp, bố trí quầy, sạp, giá cả kinh doanh mới... để các hộ kinh doanh nắm bắt, thực hiện.

Vấn đề tiểu thương lo ngại kinh doanh không hiệu quả, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang Lê Tất Dũng khẳng định, mô hình chợ Đầm mới tuy hiện đại, nhưng vẫn là chợ truyền thống, không xây dựng theo mô hình trung tâm thương mại, cho nên người dân không phải quá lo lắng. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Nha Trang, Công ty cổ phần Sông Đà-Nha Trang, Ban Quản lý chợ Đầm rà soát, lập phương án sắp xếp, bố trí, hỗ trợ di dời và giá cả cho thuê... bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các hộ kinh doanh tại chợ Đầm tròn cũ.

Về vấn đề huy động vốn, ông Lê Tất Dũng cho biết, vừa rồi công ty có huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, nhưng thông tin chưa được công bố rộng rãi, nên có thể đã gây ra hiểu lầm. Hiện công ty đã dừng việc huy động vốn để hoàn tất một số thủ tục, sau đó, công bố rộng rãi và tiếp tục huy động vốn. Tất cả những người góp vốn phải là tiểu thương ở chợ Đầm và có giấy phép kinh doanh, nên sẽ không có chuyện đầu cơ. Công ty cổ phần Sông Đà-Nha Trang sẽ bảo đảm quyền lợi cho các tiểu thương kinh doanh ở chợ.

Những ai không có điều kiện mua hoặc thuê lâu dài, thì chủ đầu tư sẽ tạo điều kiện cho các hộ thuê theo tháng hoặc theo ngày. Chợ mới có khoảng 1.500 lô trong khi đó số hộ đang kinh doanh chỉ hơn 1.400 hộ, do đó bảo đảm 100% số tiểu thương sẽ được bố trí các lô, sạp khi chợ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ở đây, một lần nữa, vấn đề công khai, minh bạch trong thực hiện các dự án lớn, được nhiều người quan tâm lại được đặt ra. Người dân, nhất là những người đang trực tiếp buôn bán tại chợ Đầm phải được cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ về nội dung và tiến trình thực hiện dự án. Thông tin tốt, người dân nắm được, hiểu được sự cần thiết phải thực hiện dự án; thiết kế của công trình chợ; phương án sắp xếp kinh doanh mới... sẽ tạo được sự đồng thuận cao, tránh nảy sinh những vấn đề phức tạp trong quá trình thực hiện dự án. Và, sẽ tốt hơn nếu quy hoạch sớm được công khai, người dân được góp ý một số nội dung dự án.

"Từ lâu, chợ Đầm (Nha Trang) đã là một trong những biểu tượng, là địa chỉ du lịch nổi tiếng của TP Nha Trang. Ở đây, bà con đang buôn bán bình thường, phá bỏ khu chợ Đầm tròn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mấy trăm hộ gia đình.

Chủ đầu tư chưa công khai thông tin về dự án xây dựng chợ Đầm mới mà đã thông báo đăng ký góp vốn mua địa điểm kinh doanh trong khi công trình chưa xây dựng xong".

NGÔ THỊ BÌNH Đại diện các hộ kinh doanh tại chợ Đầm

"Chủ đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý chợ Đầm trong sắp xếp ngành hàng khi vào chợ mới, phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên. Công ty sẽ công khai niêm yết quy hoạch, vị trí ngành hàng, giá các điểm kinh doanh theo mọi hình thức đã được phê duyệt và thông báo tới tất cả các hộ tiểu thương để tìm hiểu, lựa chọn. Xây dựng một số chính sách ưu đãi áp dụng cho các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ".

NGUYỄN CHÍ UY Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà-Nha Trang

"UBND tỉnh cam kết kiểm tra, giám sát Công ty cổ phần Sông Đà - Nha Trang thực hiện việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và bố trí các điểm kinh doanh thuộc dự án chợ Đầm theo đúng đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (điều chỉnh) đã được phê duyệt. UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Nha Trang, Công ty cổ phần Sông Đà-Nha Trang, Ban Quản lý chợ Đầm rà soát từng trường hợp cụ thể đang kinh doanh tại chợ Đầm tròn để lập phương án sắp xếp, bố trí, hỗ trợ di dời và giá cho thuê mặt bằng kinh doanh mới tại khu chợ đang được xây dựng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hộ kinh doanh tại chợ Đầm tròn cũ".

NGUYỄN CHIẾN THẮNG Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Phong Nguyên (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.