Trao đổi về vấn đề bồi thường và tái định cư, đại biểu Quốc hội Y Khút Niê (Đăk Lăk) cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định Nhà nước phải có sự điều chỉnh kịp thời mức giá khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đền bù cho người dân, sao cho vừa phù hợp với cơ chế và sự phát triển của thị trường, vừa bảo đảm cho người dân có đủ khả năng, điều kiện sống tại nơi ở mới.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn đối với những người tái định cư. Nguồn: Internet

PV: Đại biểu đánh giá như thế nào về vấn đề bồi thường và tái định cư quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

Đại biểu Y Khút Niê: Trong quá trình thu hồi và bồi thường cho những người tái định cư, ở những thời điểm khác nhau và trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Luật Đất đai hiện hành quy định thu hồi và có bồi thường cho người sử dụng đất, nhưng trong quá trình thu hồi và bồi thường, có trường hợp Nhà nước giao cho các chủ doanh nghiệp, các dự án có công trình chủ động thu hồi và tiến hành bồi thường cho người dân.

Tuy đây là chính sách tích cực khi góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhưng bên cạnh đó cũng có mặt bất cập. Do mỗi doanh nghiệp, dự án triển khai thực hiện thu hồi đất và bồi thường cho người dân có cách làm khác nhau, đã dẫn đến sự không công bằng. Trong khi người được thu hồi về trước chấp hành tốt nhưng có thể bị thiệt thòi hơn so với người được thu hồi về sau, do các chủ doanh nghiệp khi muốn được việc đã đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của người có quyền sử dụng đất.

Do vậy, theo tôi cần quy định cụ thể là Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao “mặt bằng sạch” cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp sẽ triển khai thực hiện các dự án, không để tình trạng các doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhân dân như hiện nay. Tôi cho rằng đây sẽ là điểm mới và nếu thực hiện được chắc chắn sẽ tạo được sự bình đẳng, góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai như thời gian vừa qua.

Theo như Đại biểu nói thì Nhà nước cần thực hiện giải phóng mặt bằng, nhưng có một thực tế hiện nay là giá đất khi thu hồi rất thấp so với giá thị trường. Đại biểu nhìn nhận như thế nào về vấn đề này khi sửa đổi Luật Đất đai?

Hiện nay nước ta đang đi vào cơ chế thị trường. Mà như chúng ta biết, cơ chế thị trường sẽ vận động theo đúng nhu cầu thực tế. Do vậy, trong quá trình giải phóng, thu hồi đất, Nhà nước và các doanh nghiệp sẽ bồi thường cho người có quyền sử dụng đất đúng với thực trạng và giá thị trường tại vùng, miền cụ thể.

Còn bàn về vấn đề giá đất cao hay thấp, theo tôi mức đền bù do Nhà nước định giá đã không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của thị trường. Có thể lúc đưa ra quy định thì giá phù hợp, nhưng do khâu điều chỉnh chậm đã gây ra sự chênh lệch về giá, ví dụ như quy định ở tháng 1/2013 nhưng áp dụng cho đến tháng 6/2013 thì điều kiện đã có sự khác nhau, giá đã có sự thay đổi, có thể tăng hoặc giảm theo thị trường, do vậy mà ảnh hưởng không nhỏ đến người dân. Do vậy trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định Nhà nước phải có sự điều chỉnh kịp thời mức giá khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đền bù cho người dân, sao cho vừa phù hợp với cơ chế và sự phát triển của thị trường, vừa bảo đảm cho người dân có đủ khả năng, điều kiện sống tại nơi ở mới. Đây là phù hợp với yêu cầu thực tế.

Vậy, theo Đại biểu, có nên nhìn nhận chính sách đặc thù đối với giá đất trong điều kiện người dân gặp nhiều khó khăn khi đến khu tái định cư?

Thực ra, theo tôi, đối với người dân khi đã quen với một môi trường sống nhất định, dù cuộc sống ở đó thuận lợi hay khó khăn, nhưng khi chuyển qua một nơi ở mới, nơi tái định cư thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề, nhất là về điều kiện sản xuất, mua bán. Trước thực trạng này, theo tôi Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn đối với những người tái định cư, trong đó đặc biệt quan tâm tới môi trường sống như: trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng, đường sá, chợ... Còn ở các vùng sâu vùng xa, các vùng dự án mới cần hết sức quan tâm đến việc bảo đảm điều kiện sản xuất. Bởi có một thực tế hiện nay là ở đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi bị thu hồi đất, được bồi thường và chuyển về nơi ở mới dù được bố trí nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhưng lại không có đất để sản xuất, dẫn đến việc người dân không biết làm gì. Đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc mà theo tôi, trong Luật Đất đai sắp tới cần có quy định rõ.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này. Để đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, Đại biểu sẽ nêu những vấn đề gì?

Đó là vấn đề bảo đảm đất lâu dài cho sản xuất. Trong thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng tổ chức hình thành các quy định cụ thể nhằm bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, trong trong quá trình triển khai thực hiện Luật lại chưa có quy định cụ thể, dẫn đến gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.

Ngoài ra, một vấn đề mà tôi cũng quan tâm đó là sở hữu đất đai. Theo tôi, luật hiện nay vẫn chưa quy định rõ về quyền sở hữu đất đai. Luật Đất đai quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất vẫn còn nhiều vấn đề bất cập xảy ra, như Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, nhưng lúc thu hồi lại phải bồi thường cho người đang có quyền sử dụng hiện tại. Do vậy, theo tôi, trong dự thảo Luật cần thiết phải làm rõ quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai.

Xin cám ơn Đại biểu!

Hoa Lê (Đại biểu nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.