Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nếu có ý kiến về đổi tên thì không phải là việc của Bộ Xây dựng mà đó là việc của Bộ Văn hóa.

Sao lại cấm?

Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần thứ 4 vừa Bộ Xây dựng mới công bố để lấy ý kiến, tên dự án phải sử dụng tên tiếng Việt và không được viết tắt. Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải thực hiện đầy đủ các nội dung của dự án đã được phê duyệt, chỉ được thay đổi khi có phê duyệt của cơ quan thẩm quyền.

Vấn đề sử dụng tên nước ngoài đặt tên cho sản phẩm Việt là chuyện không mới trên thị trường Việt Nam. Trong lĩnh vực xây dựng, việc sử dụng tên, tiếng nước ngoài cho các dự án bất động sản đang được các chủ đầu tư áp dụng khá phổ biến. Có thể kể tên hàng loạt những “siêu dự án”, “đại dự án” trên thị trường hiện nay đều được gắn mác ngoại như dự án Splendora (tên tiếng Việt là Bắc An Khánh), dự án Usilk City, dự án Mandarin, The Manor, dự án Park City Hà Nội, Keangnam LandMark Tower…

Không ít “siêu dự án”, “đại dự án” đang được gắn mác ngoại

Theo một số chuyên gia, điều khoản này nhằm hạn chế tâm lý “sính ngoại” dùng tiếng nước ngoài đặt tên cho dự án nhà ở đang khá phổ biến ở nước ta, dễ gây nhầm lẫn cho người dân, lai căng văn hóa.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: “ Không phải họ chỉ đặt tên nước ngoài vào khu đó đâu từ khách sạn đến các cửa hàng cửa hiệu người ta cũng sử dụng tiếng nước ngoài. Như một cửa hàng phở cũng phải thêm mấy chữ tiếng anh vào như vậy là mang tính lố bịch phản ánh dân trí thấp.

Nhưng cái đó không phải là cấm. Tại sao lại cấm? Điều này phải phụ thuộc vào dân trí. Dần dần khi dân trí cao lên họ sẽ thay đổi”.

Bộ Xây dựng làm văn hóa?

Theo nhiều chủ đầu tư, việc đặt tên cho một dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong nhiều trường hợp, cổ đông lớn của chủ đầu tư là đối tác ngoại thì việc sử dụng tên nước ngoài cho dự án gần như là bắt buộc.

Cũng theo ý kiến chủ đầu tư thì việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để làm tên thương mại cho dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chủ đầu tư trong các hợp tác làm ăn.

Theo ông Liêm: “Vấn đề này không nên cấm mà nên là cuộc vận động nâng cao dân trí. Nếu có ý kiến về đổi tên thì không phải là việc của Bộ Xây dựng mà đó là việc của Bộ Văn hóa. Bộ Xây dựng đi làm thay việc của Bộ Văn hóa làm gì?”.

Thị trường BĐS thời gian qua, nhiều dự án hiện được tung ra thị trường với tên gọi mới và mức giá thấp hơn vài triệu đồng một m2 so với trước đây. Cùng với đó, làn sóng M&A đang diễn ra mạnh trên thị trường BĐS cũng ghi nhận nhiều tên dự án mới xuất hiện. Các đơn vị phân phối thừa nhận đây là một cách để tiếp cận lại khách hàng dễ hơn.

Theo nhận định của nhiều người làm trong ngành xây dựng, việc đặt tên cho dự án cũng không cần quá khắt khe và coi trọng. Vấn đề là dự án có giấy phép xây dựng, làm đúng quy định theo thiết kế, quy chuẩn đã đăng ký mới là điều cốt yếu.

Hồng Khanh (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.