Sau nhiều lần đổi đơn vị nhà thầu, vài lần thay đổi vì thiết kế có yêu cầu lấp rạch, người dân sống trong đợi chờ một dự án dân sinh. Nay thì sau hơn 12 năm, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm mới bắt đầu vào giai đoạn chờ… triển khai.

Công ty Quản lý đường sông dọn rác, vớt lục bình tại đoạn rạch Cầu Sơn. Ảnh: Quang Huy

Ì ạch một dự án dân sinh

Theo kết quả điều tra khảo sát có từ tháng 6.2010 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trên toàn bộ tuyến rạch Xuyên Tâm thuộc địa bàn quận Bình Thạnh chỉ có vài cửa cống ngăn gom rác mang tính tạm bợ, nhưng hiện tại đã cũ và xuống cấp. Người dân sống dọc hai bên bờ rạch Xuyên Tâm và các hộ dân sống gần khu vực đều xả thẳng nước - rác thải của sinh hoạt ra rạch gây nên hiện tượng tắc nghẽn ở nhiều vị trí cũng như trên bề mặt rạch đầy ắp rác thải và lục bình. Dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy gây nên hiện tượng ngập mỗi khi có triều cường hay mưa lớn, lang ra trên diện rộng tại nhiều khu vực tại quận Bình Thạnh.

Công ty Quản lý đường sông (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) hiện đang phải thu gom rác thải, thu dọn lục bình trôi dạt khắp rạch với mục đích thông thoáng dòng chảy cũng như việc xử lý lục bình trôi dạt len lỏi vào các kênh rạch khu vực này.

Một kế hoạch chỉnh trang đô thị và phát triển nhà ở của quận Bình Thạnh có từ năm 2011, theo đó quận sẽ giải tỏa hơn 10.000 căn nhà tại 13 khu vực để xây dựng mới, chỉnh trang đô thị và nạo vét kênh rạch. Trong đó hơn 90% số nhà sẽ bị giải tỏa trắng và phải bố trí tái định cư tại 13 dự án chung cư trên địa bàn quận. Đối với việc cải tạo rạch Xuyên Tâm theo dự kiến sẽ bị giải tỏa để xây dựng hành lang bảo vệ rạch mỗi bên 10 mét và tất cả kinh phí đền bù là từ vốn ngân sách. Kế hoạch từ thời điểm đó cho biết như vậy.
Rất nhiều người dân mong muốn dự án sớm triển khai, riêng việc đền bù thì cần hợp lý đối với các trường hợp nhà bị giải tỏa trắng. Ảnh: Quang Huy

Trao đổi với các hộ dân bị ảnh hưởng do việc di dời giải tỏa để xây dựng rạch Xuyên Tâm, khu vực Cầu Mới - rạch Long Vân thuộc phường 24, quận Bình Thạnh, các hộ dân tại đây cho biết từ năm 2009 đã có thông tin về việc này, nhưng đến giờ vẫn chưa nghe ngóng gì về thông báo di dời cũng như mức giá đền bù tái bố trí nơi ăn chốn ở mới với các trường hợp bị giải tỏa trắng.

Về những thông tin trên, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó chủ tịch UBND phường 24 trả lời thẳng thắn với PV Báo điện tử Một Thế Giới: đoạn rạch cần cải tạo đi qua địa bàn phường từ Cầu Mới đến rạch Cầu Sơn dài gần 1km, có gần 300 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 95% nhà nằm trong hành lang xây dựng phải giải tỏa trắng. “Hầu hết người dân sống dọc hai bên tuyến rạch đều đã biết và rất ủng hộ việc cải tạo xây dựng rạch Xuyên Tâm vì dự án này đã có chủ trương từ năm 2009”- ông Minh cho biết như vậy.

Ông Trần Văn Chín, một người dân sống gần cầu Long Vân Tự có nhà dọc rạch Long Vân nói: “Gia đình tôi biết việc xây dựng cải tạo rạch Xuyên Tâm này vào khoảng năm 2000, trước mặt nhà tôi vì gần chợ nên nhiều người tiện tay ném thẳng rác xuống rạch. Việc ngập úng, ô nhiễm tại đây đã kéo dài quá lâu, nên cải tạo rạch này là cần thiết, nhưng cần phải tính chuyện đền bù và tái định cư cho dân một cách hợp lý”.

Lâu nay nước thải, rác từ rạch Xuyên Tâm nối với dòng sông đen Vàm Thuật đổ thẳng ra sông Sài Gòn. Ảnh: Quang Huy

12 năm trông chờ

Người dân quận Bình Thạnh ven hai bờ rạch thuộc dự án xây dựng cải tạo rạch Xuyên Tâm đã gần 12 năm chờ đợi dự án từ khi UBND TP.HCM quyết định đầu tư công trình thoát nước và cải thiện ô nhiễm môi trường rạch Xuyên Tâm vào năm 2002. Cũng tại thời điểm đó, nếu rạch Xuyên Tâm được phép thông qua thì dự án sẽ thi công với ba nhánh chính gồm: nhánh ao thối từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chạy dọc theo đường Bùi Hữu Nghĩa lên tới đường Bạch Đằng, dài khoảng 2.100m; nhánh Rạch Lăng từ đường Bạch Đằng tới các đường Bùi Đình Túy, Chu Văn An rồi tới cầu Đỏ, cầu Băng Ky, dài khoảng 2.900m; nhánh cầu Bình Triệu từ cầu Đỏ tới sông Sài Gòn theo hướng cầu Bình Triệu, chiều dài khoảng 1.080m.

Rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét với chiều dài 6.100m và khoảng 252.000m3 bùn đất (số liệu năm 2002) trên toàn tuyến, thông thoáng dòng chảy, cải thiện năng lực thoát nước cho khu vực 2 quận Bình Thạnh, Gò Vấp và tiến hành chỉnh trang hai bên bờ rạch. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm, với nhiều lần thay đổi nhà thầu, rạch Xuyên Tâm vẫn là dự án “dân sinh chậm triển khai” cho đến thời điểm này.
Rạch Long Vân nhiều đoạn bị lấn chiếm bít cả lối thoát nước. Ảnh: Quang Huy

Một con số điều tra để tiến hành các bước cần phải xây dựng chỉ ra rằng các con đường tại quận Bình Thạnh và ven hai bờ rạch Xuyên Tâm không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, dẫn tới tình trạng kẹt xe liên tục. Tỷ lệ đất giao thông ở đây chỉ chiếm khoảng 8%, trong khi đó, theo tiêu chuẩn thì đất dành cho giao thông phải đạt khoảng 20% mới đáp ứng được nhu cầu về đi lại. Người dân sinh sống cạnh con rạch nơi nước đọng ao tù, các căn nhà như khu nhà ổ chuột, nhà tạm bợ hai bên bờ rạch cũng cần được quy hoạch lại để tái bố trí định cư ổn định. Mặc dù, đây là việc làm không hề dễ dàng, một đáp số khó với nhà quy hoạch.

Trở lại chuyện cũ, vào năm 2002 Sở Giao thông vận tải có trình dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm nhưng đã bị hủy vì bất đồng giá đền bù giải tỏa. Năm 2009, UBND TP.HCM đã chính thức quyết định ngưng thực hiện dự án này để giao cho Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhad (Malaysia) nghiên cứu tiền khả thi trên cơ sở kết hợp với dự án nạo vét rạch cầu Sơn - Cầu Bông. Năm 2010, nhà thầu Malaysia đã được thay thế bằng một công ty cổ phần ở Hà Nội.

Tái khởi động cải tạo rạch Xuyên Tâm

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố xem xét, phê duyệt đề xuất dự án nạo vét, cải tạo môi trường, phát triển hạ tầng vận tải và phát triển đô thị thông minh tại khu vực rạch Xuyên Tâm theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BT).

Theo đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã có thư gửi UBND TP.HCM đề nghị được tham gia vào dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm bằng cách cung cấp đến 70% trong tổng mức đầu tư dự kiến là 5.106 tỉ đồng của dự án với thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2015 đến năm 2022.

Sau khi nghiên cứu và kiểm tra sơ bộ, JICA cho rằng mục đích của dự án là cải thiện môi trường, ngăn thủy triều, phát triển hạ tầng vận tải và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân vùng ven rạch Xuyên Tâm theo hình thức hợp đồng BT có mục tiêu phù hợp và nhất quán với khái niệm của JICA về đầu tư dự án PPP (cải tạo môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng…).
Một đoạn rạch Xuyên Tâm nhìn từ trên cao. (Ảnh: Google Earth)

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có báo cáo thẩm định đề xuất dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm trình lên UBND thành phố. Theo đó, nội dung chủ yếu của dự án do một Công ty cổ phần ở Hà Nội đề xuất với phương án rạch Xuyên Tâm sẽ được thay thế bằng đường mới xây dựng trên hệ thống cống hộp, một số đoạn sử dụng hệ thống cống hộp kết hợp với rạch mở được sử dụng như hệ thống thoát nước cho khu vực.

Nước thải sẽ được thu gom kết nối với hệ thống cống bao Nhiêu Lộc - Thị Nghè để đưa về nhà máy xử lý nước thải. Các khu nhà ven kênh sẽ được đầu tư xây dựng thành khu đô thị thông minh với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, sử dụng điện, nước và nước thải một cách hiệu quả, tiết kiệm. Các dịch vụ xã hội, hệ thống camera, tất cả được điều hành bằng một trung tâm công nghệ thông tin.

Dự án bao gồm toàn bộ rạch Xuyên Tâm với tuyến chính dài 6,21km (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và 3 tuyến nhánh dài 1,94km (gồm nhánh cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi) với 1.620 hộ dân bị ảnh hưởng.

Quang Huy (Một Thế Giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.