Trên địa bàn TPHCM có 570 lô chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 67 lô chung cư hư hỏng nặng cần phải tháo dỡ để đầu tư xây dựng mới. Hiện có nhiều chung cư cũ được cơ quan chức năng đánh giá trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, TP cũng đã có quyết định di dời ngay nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân vì gặp nhiều vướng mắc trong chính sách đền bù giải tỏa.


Một góc chung cư Cô Giang quận 1. Ảnh: Huy Anh

Bất cập giá đền bù

Một trong những chung cư cũ có nguy cơ sập bất cứ lúc nào là chung cư Cô Giang quận 1. Chung cư này được xây dựng từ năm 1964, gồm 4 lô 5 tầng và 2 dãy nhà phố nằm tiếp giáp đường Cô Bắc, Cô Giang với hơn 5.000 người đang sinh sống. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân đang cư ngụ tại chung cư Cô Giang, tháng 10-2011, UBND TP đã chỉ đạo UBND quận 1 thực hiện di dời khẩn cấp các hộ dân tại khu vực này.

Mặc dù đã có quyết định di dời nhưng hiện còn rất nhiều người dân tại đây vẫn chưa thực hiện vì họ cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng. Bà Trịnh Thị Kiều Loan (ngụ tại 432 lô A chung cư Cô Giang) cho biết, mặc dù giá mới được UBND quận 1 điều chỉnh từ 12,2 - 32,4 triệu đồng/m2 (áp giá năm 2008) lên 17,4 - 38 triệu đồng/m² (giá mới năm 2011) nhưng vẫn chưa tạo được sự đồng thuận của người dân tại đây. “Chúng tôi đề nghị được tiếp xúc với chủ đầu tư nhưng không được đáp ứng. Hơn nữa, mặc dù chưa ra quyết định cưỡng chế nhưng UBND quận 1 cũng đã có văn bản yêu cầu trong 90 ngày người dân tại đây phải giao mặt bằng để đến nơi tạm cư. Chúng tôi chưa đồng ý giá đền bù, hơn nữa chúng tôi đang sống tại quận 1 nhưng lại cho tạm cư tận huyện Bình Chánh làm xáo trộn cuộc sống của gia đình nên tôi chưa đồng ý di dời”- bà Loan cho biết.

Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1, các hộ dân tại đây được áp giá 25 triệu đồng/m² và diện tích căn hộ tối thiểu để tính hỗ trợ là 30m², tức hộ dân có diện tích nhà ở bị giải tỏa nhỏ hơn 30m² nếu nhận tiền tự lo nơi ở mới vẫn được đền bù với diện tích bằng 30m², khoảng 750 triệu đồng (chung cư Cô Giang có 3 loại căn hộ: 12m², 24m² và 36m² - PV). Tuy nhiên, người dân tại đây cho rằng phương án này chỉ có lợi cho các căn hộ diện tích nhỏ còn thiệt cho các hộ có diện tích lớn hơn.

Ông Đặng Ngọc Anh (418 lô C chung cư Cô Giang) cho rằng căn hộ 23m² của ông cũng chỉ được đền bù bằng với căn 12m², tức cũng chỉ nhận được 750 triệu đồng. “Với số tiền đền bù như vậy làm sao chúng tôi có thể mua căn hộ mới gần nơi ở cũ để tiện việc đi lại cho con cái trừ khi ra các quận vùng ven để mua”- ông Ngọc Anh nói. Ngoài ra, người dân còn phản ánh, từ năm 2010 UBND quận 1 không thực hiện bán nhà theo NĐ 61/CP cho người dân nên một số hộ dân chưa có giấy chủ quyền chỉ được đền bù 19-24 triệu đồng. Với số tiền này họ không thể tạo lập nơi ở mới.

Đề xuất chọn nhà đầu tư mới

Việc vướng mắc trong khâu đền bù không chỉ ở chung cư Cô Giang mà ở rất nhiều chung cư cũ. Theo một vị lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện chính sách về bồi thường, tái định cư đối với chung cư cũ xuống cấp của trung ương và TP còn nhiều bất cập, đặc biệt là đơn giá bồi thường, hỗ trợ và cách thức tính diện tích để bồi thường, hỗ trợ khiến công tác vận động người dân gặp nhiều khó khăn. “Để có quỹ nhà đảm bảo cho việc tạm cư, tái định cư cho các hộ dân di dời khỏi chung cư cũ đã khó, giải quyết công ăn việc làm, ổn định kinh tế cho hàng chục ngàn hộ dân tái định cư lại càng khó hơn. Đa phần người dân sống trong những khu chung cư cũ đều là lao động nghèo, kiếm sống hàng ngày trong TP nhưng việc chuyển ra những khu chung cư tái định cư ở những khu vực xa, hay thậm chí là tạm cư vài năm đi nữa họ cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn”- vị lãnh đạo này tâm tư.

Theo mục tiêu đặt ra trong kế hoạch cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2012-2015, TP phải hoàn thành việc di dời các hộ dân, tháo dỡ 30 chung cư cũ với quy mô 5.407 căn hộ để đầu tư xây mới các chung cư với quy mô 10.876 căn hộ. Trong 30 chung cư cũ này, có nhiều chung cư đã xuống cấp nhiều năm và đã hết niên hạn sử dụng tập trung chủ yếu ở quận 1, 3, 5, 10 và Bình Thạnh.

Sở Xây dựng cho biết, sắp tới sở sẽ đề xuất đối với chung cư cũ hư hỏng cấp độ D (buộc phá dỡ theo Luật Nhà ở năm 2007), UBND quận, huyện được xem xét, chỉ định nhà đầu tư xây dựng mới. Trường hợp không huy động được các thành phần kinh tế, UBND quận, huyện lập kế hoạch cụ thể, khẩn trương di dời, bố trí tạm cư cho các hộ dân và tháo dỡ công trình bằng nguồn vốn ngân sách. Sau đó thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất rồi lựa chọn chủ đầu tư theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu. Đối với chung cư cũ chưa hết niên hạn sử dụng hoặc chưa nguy hiểm ở cấp độ D, quá trình lựa chọn chủ đầu tư phải có sự tham gia của đại diện các chủ sở hữu căn hộ.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP đề xuất Chính phủ sớm nghiên cứu, điều chỉnh Nghị quyết 34 của Chính phủ về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, hư hỏng.
Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.