Sự lo lắng, thận trọng, nôn nóng, a dua... luôn là những yếu tố tâm lý đáng lo ngại trong kinh doanh. Hai chữ “tâm lý” ấy đã dần lan tỏa ra toàn thị trường, len lỏi vào giới đầu tư và dường như luôn “ngự trị” trong tâm trí của dân chứng khoán và nhà đất; thậm chí là cả những người tiêu dùng bình thường, chỉ tham gia vào thị trường vì nhu cầu thực.

Chính sự lo sợ sẽ “mất phần” đã khiến cho thị trường nhà đất đội giá ngất ngưởng ở mức trên 2.000 USD/m2 cho căn hộ cao cấp hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Không ít chủ đầu tư đã “bắt mạch” được trạng thái tâm lý này để tung các sản phẩm có mác cao cấp, với mức giá so le với nhu cầu thực của thị trường.

Sự “ảo tưởng” về thông điệp “giá bất động sản tại TP.HCM có thể nằm cùng bảng với Hồng Kông, Bangkok, Tokyo” đã kéo theo tâm lý đám đông “mua một sẽ lời... gấp đôi”, do những dự đoán về sự khan hiếm nguồn cung. Thời đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cứ ra rả điệp khúc “tỷ đô”, còn “triệu đô” là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Rồi thì bong bóng nhà đất đã xịt, trong khi nhà đầu tư nước ngoài cũng đang mắc hội chứng tâm lý dò xét, chờ đợi. Họ hầu như không phát triển thêm các dự án mới trong suốt năm 2011; trong khi, ở những lĩnh vực khác, nhà đầu tư chờ đợi giá nhà đất sẽ tiếp tục giảm.

Chính điều này đã khiến thị trường cao ốc văn phòng lao đao từ giữa năm 2008 đến nay. Giá thuê văn phòng hạng A thời điểm trước khủng hoảng kinh tế ở vào khoảng trên 60 USD/m2 nhưng sau đó, áp lực tỷ lệ lấp đầy và nguồn cung thừa đã tác động đến giá và các điều khoản thuê.

Theo khảo sát của Cushman & Wakefield Việt Nam, trong quý II/2012, giá thuê văn phòng hạng A nhìn chung ở mức 48,95 USD/m2, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý I và giảm 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2011. Nhiều khách hàng đã đợi đến thời điểm này để di chuyển văn phòng làm việc, nhằm tìm kiếm một mức giá hợp lý hơn, điển hình như trường hợp KDDI, nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông lớn nhất châu Á vừa chuyển từ cao ốc Empire Tower đến Maritime Bank Tower.

Tuy nhiên, hội chứng “tâm lý mắc phải” lại bùng phát mạnh mẽ ở thị trường căn hộ. Nhiều doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phải “kêu trời” vì đã làm đủ mọi cách nhưng thị trường vẫn “ngủ đông”. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã giảm giá bán xuống dưới 12 triệu đồng/m2, thấp hơn cả giá thành để tính tiền sử dụng đất; hơn nữa, lãi suất cũng đã giảm hơn trước nhưng có lẽ đến lúc này cả Acsimet cũng chào thua.

Tình cảnh hiện nay khiến liên tưởng đến vẻ “nguội lạnh” của thị trường bất động sản năm 2003 (khi Luật Đất đai chính thức có hiệu lực). Thời điểm đó, dù đã không ít ý kiến cho rằng Nhà nước phải có giải pháp để vực dậy thị trường, nhưng ngược lại, không cần ai cứu, thị trường đã tự đứng dậy vào năm 2006, do dòng tiền từ chứng khoán chuyển sang.

Tuy nhiên, ở trường hợp lần này, mọi thứ không chỉ phụ thuộc vào dòng tiền mà còn là vấn đề niềm tin của 3 bên: chủ đầu tư, ngân hàng và người mua. Đôi khi, chính chủ đầu tư đang làm khó mình bằng những phát ngôn đại loại như giá căn hộ sẽ còn giảm, trong khi, với nhà băng, giữa tuyên bố về lãi suất cho vay và thực tế lại không khớp.

Theo DNSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.