Khi thị trường BĐS lên cơn sốt thì các sàn giao dịch mọc lên như nấm sau mưa, nhưng khi thị trường đóng băng, có đến 70 - 80% các sàn đóng cửa.

Các sàn còn đang tồn tại cũng phải tìm đủ mọi cách xoay sở để sống với mong mỏi thị trường sớm hồi sinh trở lại.

Trên địa bàn Hà Nội, có 3 loại hình đơn vị hoạt động dịch vụ giao dịch bất động sản (BĐS) chủ yếu. Thứ nhất là loại sàn giao dịch BĐS do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc chủ đầu tư các dự án lớn dựng lên, để thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là bán sản phẩm của đơn vị đó. Thứ hai là loại sàn giao dịch BĐS do các cá nhân hoặc nhóm những cá nhân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS lập ra để hoạt động. Loại hình thứ ba là những trung tâm giao dịch BĐS nhỏ lẻ do các nhà đầu tư có tiềm lực hoặc có nguồn hàng, hay những nhà môi giới “ăn theo” các dự án khi thị trường đang sốt lập ra để làm nơi giao dịch.

Khó khăn từ sàn có chỗ “dựa lưng”

Ở loại hình thứ nhất, các sàn này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu bán hàng hoặc hợp thức hóa việc bán hàng theo quy định của pháp luật (phải giao dịch qua sàn) của chủ đầu tư, việc mua bán các sản phẩm khác ngoài dự án chỉ diễn ra khi thị trường thuận lợi hoặc một vài cá nhân có những mối quan hệ riêng mượn danh nghĩa của sàn để mua bán. Lợi thế của các sàn giao dịch này là có sự đầu tư và hậu thuẫn của chủ đầu tư nên hoạt động thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều sàn cũng đã bị “khai tử”, chỉ có một phần rất nhỏ các chủ đầu tư vẫn quyết tâm duy trì hoạt động của các sàn giao dịch để đón đầu cơ hội khi thị trường khởi sắc trở lại. Điển hình của loại hình này, có thể kể đến như sàn của Vinaconex tại Trung Hòa - Nhân Chính, sàn của HUD tại Kim Mã, sàn của Hapulico tại Nguyễn Huy Tưởng, sàn của Dầu khí Đông Đô tại Mỹ Đình, sàn của Cienco 507 tại Trần Thái Tông…

… đến loại sàn “tự thân vận động”

Loại hình sàn giao dịch BĐS thứ hai hiện vẫn còn tồn tại và bán trụ lại thị trường tương đối nhiều. Đây là các sàn do những người làm môi giới và tư vấn chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm, thực sự yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề. Các sàn này thường tập hợp được một đội ngũ những nhà môi giới và tư vấn giỏi, vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, họ vẫn có thể tồn tại được bằng việc bán các sản phẩm BĐS thông qua các mối quen biết và uy tín sẵn có.

Để có thể duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn này, các sàn còn kết hợp nhiều loại hình hoạt động khác, như tại sàn Sohovietnam, ngoài việc môi giới mua bán các BĐS riêng lẻ, lãnh đạo đơn vị còn cho biết, đã triển khai dịch vụ tư vấn và môi giới mua bán, chuyển đổi hay góp vốn đầu tư các dự án với chủng loại rất đa dạng như dự án căn hộ, dự án khách sạn, dự án resot, dự án nhà xưởng công nghiệp…,

Lãnh đạo Sàn giao dịch bất động sản DTJ trên đường Hoàng Quốc Việt cũng cho biết, ngoài việc môi giới mua bán BĐS, Công ty còn “đi bằng hai chân” khi triển khai mảng đầu tư và phân phối, một lĩnh vực hoạt động truyền thống của đơn vị trước khi tham gia vào thị trường BĐS.

Đối với loại hình sàn giao dịch BĐS thứ ba, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là loại hình chịu nhiều thiệt hại nhất và cũng là các sàn bị đóng cửa nhiều nhất trong thời gian qua. Vào thời điểm cuối năm 2009, khi thị trường BĐS Hà Nội sôi động, nhiều người chỉ sau một thời gian ngắn đã kiếm được những khoản lãi khổng lồ hàng tỷ đồng. Với những khoản lãi đó, cộng với sự “hùn hạp” vốn liếng của nhiều người, họ đã mở ra hàng loại các trung tâm giao dịch BĐS dọc theo các trục đường lớn như Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Trung Hòa – Nhân Chính, hay gần sát những dự án “hot” như Vân Canh, Bắc 32, Kim Chung – Di Trạch, Nam An Khánh, Mỹ Đình…

Cho đến thời điểm này, khi thị trường BĐS Hà Nội rơi vào trầm lắng, nhiều nhà đầu tư đã “chết chìm” trong khối tài sản khổng lồ nhưng không bán được, khiến họ không thể duy trì hoạt động cho những trung tâm này và kết quả là nhiều trung tâm đã lặng lẽ đóng cửa. Với những trung tâm không có đầu tư mà trước đây chỉ “buôn nước bọt” thì nay thị trường èo uột, không có người mua kẻ bán khiến họ cũng không có đất sống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, loại hình sàn giao dịch này lại sẽ hồi sinh mạnh mẽ khi thị trường có tín hiệu phục hồi, bởi tính năng động và chớp thời cơ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Để tồn tại, nhiều sàn phải chuyển hướng kinh doanh

Ông Nguyễn Anh Đạt, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Tấc Vàng

Thị trường BĐS khó khăn kéo dài nên hầu hết các sàn giao dịch bất động sản đều phải giảm quy mô, một số sàn đã phải đóng cửa. Nhiều sàn giao dịch năng động có xu hướng chuyển lĩnh vực kinh doanh, như chuyển sang dịch vụ ăn uống để duy trì tồn tại.

Với Sàn giao dịch BĐS Tấc Vàng, để duy trì hoạt động lâu dài, Sàn đã phải cắt lương cố định của các nhân viên kinh doanh. Ngoài ra, do hoạt động môi giới mua bán nhà hiện nay không có hiệu quả, vì cung nhiều, cầu ít nên sàn đã chuyển hướng sang môi giới cho thuê nhà trọ; môi giới cho thuê bến bãi để làm dịch vụ trông giữ và rửa xe. Đây là các hoạt động dường như nằm ngoài hoạt động của sàn BĐS nên không được mấy sàn BĐS chú ý. Vì các hoạt động này phục vụ các nhu cầu thiết yếu của rất nhiều đối tượng, nên chúng tôi vẫn có doanh thu và duy trì được hoạt động của sàn và đội ngũ nhân viên.

Nhadat24h chỉ còn khoảng 15% nhân sự so với trước kia

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS nhadat24h.net

Do thị trường BĐS trầm lắng quá lâu, nhiều sàn BĐS làm ăn kiểu thời vụ không trụ được đã chuyển sang nghề khác. Sàn Nhadat24h từng là một sàn khá quy mô, nhưng thời gian qua hoạt động cũng không mấy hiệu quả, thu không đủ bù chi.

Hiện thị trường ít giao dịch, các sàn không thể làm ăn chụp giật. Muốn duy trì hoạt động và thương hiệu, các sàn phải cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ. Thế nhưng, vì giao dịch quá ít khiến thu nhập từ hoạt động môi giới không đáp ứng được cuộc sống của nhiều nhân sự, nên nhiều người đã phải đi tìm công việc khác. Hiện sàn nhadat24h chỉ còn duy trì khoảng 15% nhân sự so với trước kia.

Nếu thị trường không khởi sắc, hoạt động của sàn sẽ hết sức khó khăn

Ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land

Trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài, các sàn giao dịch BĐS có xu hướng co lại các hoạt động để giảm thiểu chi phí. Bản thân Hòa Phát Land, ngay khi thị trường BĐS có dấu hiệu khó khăn, chúng tôi đã tinh giảm đội ngũ nhân sự.

Hiện hoạt động môi giới BĐS gặp nhiều khó khăn do thị trường có ít giao dịch. Thế nhưng, sàn Hòa Phát còn có hoạt động đào tạo môi giới, tư vấn về luật, tư vấn pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán, chuyển nhượng, đầu tư BĐS. Những hoạt động này vẫn có ngay cả khi thị trường không có giao dịch. Nhờ có các hoạt động này mà sàn vẫn duy trì được hoạt động, đội ngũ nhân viên còn lại vẫn có việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, nếu thị trường không khởi sắc thì hoạt động của sàn sẽ hết sức khó khăn.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.