Thông qua diễn biến lãi suất, việc giảm gói QE sẽ ảnh hướng đến thị trường tài chính toàn cầu.

Bất kỳ quyết định nào được đưa ra bởi Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào hôm nay (đêm nay theo giờ Việt Nam) tại Washington, về việc bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE), cũng sẽ có ảnh hưởng rất xa khỏi trụ sở của ngân hàng trung ương này.

Gói QE đã giúp ngăn chặn một đợt suy giảm lớn cho nền kinh tế toàn cầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Những đồng đô la rẻ, dồi dào cũng đã giữ và tăng giá các tài sản trên toàn thế giới.

Ngay cả trong những khoảng thời gian ảm đạm, chính sách tiền tệ của Fed cũng ảnh hưởng đến toàn thế giới, bởi đồng đô la Mỹ có vai trò như một đồng tiền dự trữ toàn cầu và thường được sử dụng trong giao dịch thương mại. Trên thực tế, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và điều này tác động đến kỳ vọng về chi phí vay ở những nơi khác - nếu kinh tế Mỹ phục hồi đồng nghĩa với lãi suất tăng lên ở các thị trường khác.

Tuy nhiên, trong khi FOMC có thể cho là nền kinh tế Mỹ đã đủ khỏe để kết thúc chương trình kích thích, việc này có thể gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia khác.

“Mọi sự tăng lên của lãi suất ở Mỹ đều không mong đợi. Phần còn lại của nền kinh tế thế giới, vào lúc này, không sẵn sàng với chi phí vay cao hơn”, Carl Weinberg, nhà kinh tế của High Frequency Economics nói.

Với NHTW châu Âu, Anh

Câu chuyện cắt giảm gói QE của Fed làm rắc rối thêm nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương khác do nó làm tăng lãi suất. Gói nới lỏng định lượng đóng vai trò quan trọng nhất trong thị trường trái phiếu trị giá 13,6 nghìn tỷ đô của Mỹ - cơ sở cốt yếu của hệ thống tài chính toàn cầu. Nó đã được thể hiện qua việc: chỉ một thông điệp từ Chủ tịch Fed Ben Bernanke về việc sẽ thu lại gói QE đã khiến lợi suất tăng lên với không chỉ nợ chính phủ Mỹ mà còn với lợi suất trái phiếu chỉnh phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Để chống lại điều này, trong mùa Hè qua, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cùng trấn an công chúng rằng, họ sẽ giữ lãi suất thấp kỷ lục cho đến khi nào cảm thấy tin tưởng vào sức khỏe của nền kinh tế.

Đến giờ, thông điệp đó đã không còn nhiều tác dụng khi chi phí đi vay dài hạn vẫn tiếp tục tăng. Đó một phần là bởi dữ liệu tốt hơn ở cả hai nền kinh tế này: khu vực đồng euro đã tăng trưởng quý đầu tiên sau liên tục 6 quý suy giảm trước đó, trong khi kinh tế Anh cũng phục hồi tốt hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, không nền kinh tế nào trong hai nền kinh tế này đạt tới trạng thái sức khỏe tốt như kinh tế Mỹ và sẽ gặp khó khăn trở lại nếu lãi suất tăng lên.

Với các chính phủ

Các chính phủ ngoài Mỹ có hai vấn đề chính liên quan đến việc giảm gói QE của Fed. Đầu tiên, quyết định của Fed làm tăng chi phí đi vay của họ. Thứ hai, họ cũng là những người nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ.

Lợi suất trái phiếu 10 năm của khu vực đồng euro và của chính phủ Anh đã tăng cùng lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, bất chấp thông điệp giữ lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương. Nathan Sheets, một nhà kinh tế của CitiGroup, viết trong một báo cáo gần đây rằng, ông nghi ngờ các thông điệp đó, cũng như các công cụ chính sách khác, có thể ngăn chặn được xu hướng tăng của lãi suất.

“Chúng tôi cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và xu hướng tăng lãi suất dài hạn của nước này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu”, ông Sheets nói.

Hiện tại, Fed đang mua 45 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mỗi tháng. Những dấu hiệu về việc giảm tốc độ mua đang gây áp lực lên giá trái phiếu. 40% lượng trái phiếu Mỹ, tương đương 5,6 nghìn tỷ USD, được sở hữu bởi bên ngoài nước Mỹ mà phần lớn thuộc về khu vực chính thức. Các ngân hàng trung ương nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng có kho dự trữ ngoại tệ lớn, như Trung Quốc và Nhật Bản, là những nhà nắm giữ trái phiếu Mỹ lớn và có thể chịu mất mát đáng kể khi Fed rút khỏi thị trường.

Các thị trường mới nổi

Người đi vay ở các thị trường mới nổi đã và đang là đối tượng hưởng lợi chính từ các chương trình nới lỏng định lượng của Fed và ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển khác.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế cho thấy, tín dụng xuyên biên giới của các thị trường mới nổi đã tăng 267 tỷ USD lên khoảng 3,4 nghìn tỷ USD trong quý đầu năm 2013, mức tăng theo quý lớn nhất từ trước tới nay. Các công ty lớn ở các thị trường mới nổi cũng tận dụng đồng đô la rẻ để vay mở rộng kinh doanh.

Lợi suất trái phiếu hạng nông đã giảm xuống dưới 6%/năm và khối lượng nợ phát hành đã đạt mức kỷ lục trong năm qua. Nhưng giống như các chính phủ, chi phí đi vay của doanh nghiệp đã tăng lên trong mùa Hè qua do kỳ vọng Fed có thể sớm thu lại gói QE và một khi lãi suất tăng, xu hướng sử dụng đòn bẩy của doanh nghiệp có thể sẽ không còn.

Quang Huy (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.