"Khi tôi hỏi lãnh đạo quận huyện có đọc được đồ án không thì ai cũng lắc đầu", Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín bày tỏ lo lắng tại phiên chất vấn của HĐND TP chiều 10/12.

Nhiều lần, các đại biểu chất vấn và chất vấn lại UBND TP HCM về việc xử lý, thu hồi các quy hoạch treo và quyền lợi liên quan của người dân.

Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Đông phản ánh có những dự án TP đã dừng chủ trương đầu tư, thế nhưng suốt 6 tháng vẫn án binh bất động. Quyền lợi của người dân không được đền bù thỏa đáng. Theo đại biểu này, quyền lợi của dân lại bị treo lần thứ 2.

Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn tại phiên chất vấn HĐND TP sáng 10/12. Ảnh: Hải An.

Sở nói chấm dứt dự án treo, dân nói không

Trong khi đó, cả giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đào Anh Kiệt và giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn đều mạnh mẽ khẳng định: đến nay TP cơ bản chấm dứt tình trạng dự án treo.

Về quyền lợi của dân, theo ông Kiệt, TP cũng đã ra hàng loạt văn bản chỉ đạo, xử lý theo hướng đảm bảo quyền lợi tối đa cho dân.

Tuy nhiên, ngay sau khi lãnh đạo Sở nói quy hoạch treo đã được xử lý xong, Chủ tịch HĐND TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đã cung cấp thông tin gây bất ngờ. Không chỉ đại biểu phản ánh mà người dân cũng trực tiếp nhắn tin, gửi thông tin với địa chỉ cụ thể về dự án treo chưa được giải quyết.

Thời gian qua, với việc quy hoạch, TP đã thấy cán bộ “bò ra làm”, không còn làm việc trên giấy tờ, bà Tâm ghi nhận. Trong quy hoạch cũng đã thấy bóng dáng của tổng chỉ huy.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn thấy sự lỏng lẻo trong phối hợp dọc ngang. Có việc UBND TP ra văn bản vài tháng mà không triển khai thực hiện được. Bà Tâm đề nghị lãnh đạo các sở và thành phố làm rõ tình trạng.

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín khẳng định TP đã xong việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu chi tiết với 300 đề án. Đây là lần đầu tiên TP làm được việc này.

Nhưng ông cũng thừa nhận, khi đi tiếp xúc cử tri, dân vẫn kêu nhiều.

Địa phương chỉ đóng tập bản đồ với đầy đủ đồ án

“Chủ trương của TP khi làm đề án quy hoạch phân khu phải công khai, minh bạch cho dân biết. Các quận huyện có làm không?”, ông Tín đặt vấn đề.

Thực tế đi giám sát, ông cho hay, các địa phương có làm, nhưng “chưa đến nơi đên chốn”.

“Địa phương chỉ đóng tập bản đồ với đầy đủ đồ án. Nhưng khi tôi hỏi lãnh đạo quận huyện có đọc được đồ án không thì ai cũng lắc đầu”, ông Tín nói. “Tìm cả văn phòng quận có một cán bộ duy nhất đọc được đồ án, thì thử hỏi, dân làm sao hiểu”, Phó Chủ tịch TP trăn trở.

Theo ông Tín, đáng ra các địa phương phải bóc tách những vấn đề thiết yếu, giải thích cho dân.

Khâu tổ chức “thực hiện có vấn đề” chính là căn nguyên gây khó cho dân, ông Tín nói. Phó Chủ tịch UBND TP cũng thừa nhận còn “bộ phận cán bộ xuống cấp, quan liêu, khiến dân kêu”.

Ông chỉ đạo: “Dự án thu hồi, không cho dân chuyển đổi mua bán, chính là chúng ta đang vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng của TP cùng quận huyện cần rà soát, xử lý cho bà con”.

Ông cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương phải đeo bám thực tiễn, dựa vào nguyện vọng của dân mà triển khai thực hiện.

“Đừng đùn đẩy lên cấp trên... UBND TP chỉ ra chính sách để các sở ngành, quận huyện lo cho dân thôi”, ông Tín nói.

Vị lãnh đạo TP đề nghị đại biểu HĐND nếu phát hiện vụ việc nào thì thông tin cho lãnh đạo UBND TP, để kịp thời chấn chỉnh bộ máy, xử lý cán bộ.

Chống ngập: Tốn nhưng phải làm

Trước đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cũng thông tin cụ thể về việc ngập trên địa bàn TP mà như ông thừa nhận “đã làm nhiều năm nhưng hiệu quả chưa rõ”. Có người còn nói TP chống đầu này thì ngập đầu kia. Tình trạng ngập nước ngày càng trầm trọng.

Theo ông Tín, để trả lời câu hỏi căn cơ, có luận cứ, và quan trọng hơn, để tìm ra lời giải, lãnh đạo TP qua nhiều nhiệm kỳ, đã tập trung đưa vấn đề là một chương trình trọng điểm.

“Vấn đề không phải không có giải pháp hay có mà không làm mà là việc làm nhưng chưa tập trung, làm nhưng chưa đủ sức”, ông Tín nói.

UBND TP đã giao cơ quan chức năng của TP phối hợp TƯ, nhà khoa học, trong nước và quốc tế, để đánh giá, phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp điều kiện, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Thành phố cũng đã phải xin trợ lực từ trung ương, Thủ tướng đã triệu tập phiên họp, cùng TP ngồi bàn giải pháp, từ đó ra quyết sách giúp TP xử lý vấn đề ngập.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Hiền chất vấn các sở, ngành TP HCM. Ảnh: Hải An.

88.000 tỷ đồng nạo vét kênh rạch

Theo đó, trong 5 năm tới TP sẽ xử lý đồng bộ, tập trung nguồn lực của cả nước. Ở khu vực nội thành, TP có kế hoạch cụ thể để nạo vét kênh rạch, với tổng chi phí cần 88.000 tỷ đồng.

TP đã làm việc với TƯ, làm việc với các nhà tài trợ, hiện đang trong đàm phán để huy động vốn.

Ông Tín phân trần, TP có 6 lưu vực có hàng trăm kênh rạch, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Hệ thống kênh rạch nào đầu tư cũng không dưới 200-300 triệu USD. Nhà máy nước thải cũng không dưới 100 triệu USD nữa.

Hiện nay đã có 3-4 nhà tài trợ đồng ý cùng với TP tìm nguồn vốn để xử lý vấn đề thoát nước thải đô thị và nước mưa.

Liên quan đến triều cường, ông Tín cho biết, Thủ tướng có quyết sách: sử dụng cơ chế tín dụng đặc biệt cho TP vay 10.000 tỷ đồng, đồng thời xuất từ nguồn quỹ đặc biệt của TƯ cũng 10.000 tỷ đồng nữa. Chương trình này cũng tốn 68-70.000 tỷ đồng theo tính toán sơ bộ.

“Các dự án tốn kém nhưng không thể không làm”, ông Tín nói. Theo lãnh đạo UBND TP, về nguồn lực hiện nay tuy chưa đủ nhưng có thể bắt đầu triển khai thực hiện trong 5 năm tới.

Trong quá trình làm, TP tiếp tục triển khai các giải pháp tình thể, giúp giảm thiểu tình trạng ngập.TP cũng kêu gọi bà con hiến kế giải pháp, kêu gọi chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.

Phương Loan (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.