Chuyện diễn ra tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Trong khi chính quyền huyện khẳng định đúng luật thì các luật sư cho rằng huyện đã vi phạm pháp luật.

Dự án khu dân cư số 3 (ảnh lớn) và những văn bản do UBND H.Hiệp Hòa gửi đi (ảnh nhỏ) - Ảnh: Hà An

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, để đáp ứng các tiêu chuẩn đô thị loại 4, ngày 22.1.2011, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án khu dân cư số 3 (thị trấn Thắng, H.Hiệp Hòa). Theo đó, có 124 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ dự án, với mức giá bồi thường là 100 triệu đồng/sào.

“Chỉ được dự đúng một cuộc họp”

Ông Nguyễn Văn Châu (57 tuổi), đại diện hộ gia đình bị thu hồi hơn 6 sào ruộng, cho biết: “Từ khi được nghe thông báo phổ biến về dự án cho tới lúc nhận quyết định thu hồi đất chúng tôi chỉ được dự có đúng một cuộc họp, nhưng cuộc họp đó rất nhiều người bỏ về giữa chừng vì không thống nhất được phương án đền bù. Ấy vậy mà đùng một cái chúng tôi được gọi lên trụ sở xã nhận quyết định và tiền đền bù. Gọi là quyết định, chứ thực tế đó là một mẩu giấy nhỏ, trên đó ghi diện tích lẫn số tiền bồi thường, phía dưới chủ hộ ký tên”.

Anh Dũng, một hộ dân khác có đất ruộng nằm trong dự án, nói: “Giá bồi thường quá rẻ. Chính quyền thu hồi đất của chúng tôi rồi giao lại cho chủ đầu tư là một công ty bất động sản để san nền và sau đó bán phân lô với giá từ 4 đến 5 triệu đồng một mét vuông”.

“Nghỉ phép dài hạn” để thuyết phục gia đình

Theo ông Nguyễn Văn Hợi, sau nhiều lần thuyết phục gia đình ông nhận tiền đền bù 5 sào ruộng không thành, chính quyền huyện đã gửi công văn tới Công ty TNHH MTV phân đạm và hóa chất Hà Bắc - nơi con trai ông là Nguyễn Trọng Nghĩa đang công tác. Lập tức, anh Nghĩa được lãnh đạo mời lên "nghe chỉ đạo". Ít hôm sau, anh Nghĩa được cho “nghỉ phép dài hạn” về nhà thuyết phục gia đình nhận tiền đền bù. “Chẳng biết lãnh đạo nói gì mà nó về nhà với vẻ đầy lo lắng. Nó bảo là gia đình phải nhận tiền đền bù, nếu không thì công việc của nó gặp rất nhiều khó khăn và khi nào nhà nhận tiền đền bù rồi thì nó mới đi làm trở lại”, ông Hợi kể.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Quỳnh cho biết do gia đình anh không đồng ý nhận tiền bồi thường 772 m2 đất, chính quyền huyện đã yêu cầu Phòng Giáo dục gửi công văn về Trường tiểu học Hùng Sơn - nơi vợ anh là chị Nguyễn Thị Hương dạy học. Nội dung công văn chỉ đạo: “Hiệu trưởng trường tiểu học bố trí người dạy thay để chị Hương có thời gian tuyên truyền vận động gia đình nhận tiền bồi thường”. Vì không muốn vợ gặp khó khăn trong công việc, gia đình anh Quỳnh phải miễn cưỡng nhận tiền đền bù.

Một số trường hợp khác cũng bị chính quyền làm khó dễ. Như trường hợp con rể anh Dũng khi đến xin xác nhận lý lịch đảng viên cũng được chính quyền “vận động” nhận tiền đền bù.

“Công chức nhà nước thì phải gương mẫu”

Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch H.Hiệp Hòa, nói “có văn bản họp dân, có quy hoạch chi tiết 1/2.000”. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp thì ông Chính lại nói: “Không biết phòng ban còn lưu hay không”. Theo ông Chính, tổng số đất lúa bị thu hồi để phục vụ dự án là 12 ha và được áp mức giá đền bù năm 2013 của tỉnh.

Ông Chính thừa nhận để dự án đảm bảo đúng tiến độ, chính quyền huyện đã gửi công văn tới một số đơn vị, cơ quan hành chính sự nghiệp. Theo đó, những người tiếp nhận công văn sẽ có trách nhiệm vận động người thân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Ông Chính cho rằng, những người như cô giáo Hương hay anh Nghĩa dù không trực tiếp liên quan tới dự án nhưng là những công chức nhà nước thì phải gương mẫu, đi đầu. Riêng trường hợp con rể anh Dũng, ông Chính nói: “Chính quyền vẫn sẽ nhận xét lý lịch đảng của cậu này, nhưng phải ghi rõ là gia đình không chấp hành nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng”.

Chiều qua PV Thanh Niên đã liên lạc với ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nhưng khi vừa nghe trình bày về những công văn mà chính quyền H.Hiệp Hòa gửi đi thì ông Sơn nói bận và hẹn dịp khác trả lời.

Trái pháp luật

Luật sư Tạ Anh Tuấn, Đoàn luật sư Hà Nội, phân tích: “Về quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng đều đã được quy định rõ tại Nghị định 181, 184, 69. Các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để tạo áp lực lên những người không phải đối tượng bị thu hồi đất là trái pháp luật. Những người bị tạo áp lực, ảnh hưởng tới công việc hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa hành chính”.

Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cũng cho rằng trong vụ việc này quy trình tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường đất của UBND H.Hiệp Hòa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Pháp luật hiện nay khuyến khích sử dụng phương pháp vận động, thuyết phục trong công tác thu hồi, bồi thường về đất, nhưng cách làm của UBND H.Hiệp Hòa lại làm ngược. Không có quy định nào cho phép cơ quan thu hồi, bồi thường đất sử dụng các biện pháp gây sức ép đến việc làm của người thân trong gia đình có đất bị thu hồi”, luật sư Hậu nói.

Hà An - Hoàng Tuấn (ghi)

Hà An (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.