BĐS đóng băng kéo theo nhiều ngành khác cũng rơi vào cảnh điêu đứng, trong đó có ngành VLXD. Chưa thấy có nhiều dấu hiệu khả quan cho năm 2013, tuy nhiên, các DN, đơn vị VLXD vẫn đang cố gắng chống chọi với khó khăn, vượt qua cơn khủng hoảng.

Điệp khúc “giảm, tồn, phá sản…”

Rất dễ nhận thấy ngành VLXD nói riêng và nhiều ngành kinh tế khác của chúng ta đang gặp vô vàn khó khăn trong năm 2012. Những con số thống kê DN phá sản, nợ xấu, ngừng sản xuất… ngày một nhiều. Tại hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai kế hoạch công tác năm 2013 của Hội VLXD diễn ra ngày 30/1, đại diện Hội VLXD, Chủ tịch -TS. Trần Văn Huynh cho biết: Do gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu tiêu thụ VLXD năm 2012 giảm đáng kể, sức mua thị trường trong nước thấp, thị trường nhiều loại VLXD “cung” vượt cao so với “cầu” nên cạnh tranh càng quyết liệt. DN khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, vốn lưu động thiếu khiến cho các DN VLXD giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, nhiều DN có dấu hiệu phá sản…


Tại hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai kế hoạch công tác năm 2013 của Hội VLXD, nhiều ý kiến mong muốn Bộ, ngành nhanh chóng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh VLXD.

Đại diện Hội VLXD dẫn chứng, đối với ngành xi măng, mức tiêu thụ nội địa thấp, khoảng 45,5 triệu tấn (năm 2012), giảm 3,8 triệu tấn vằng 7,1% so với năm 2011. Xuất khẩu xi măng và clanke khoảng 8,1 triệu tấn, tăng gần 30% so với năm 2011. Không chỉ khai thác chưa hết công suất thiết kế, mà tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy cũng diễn ra làm thiệt hại lớn cho DN và cho Nhà nước. Giá bán xi măng nội địa và XK đều giảm, hiệu quả thấp.Nhiều nhà máy xi măng rơi vào cảnh nợ nần, dừng sản xuất hoặc phải bán cho nước ngoài…

Ngành gốm sứ xây dựng, trong đó có gạch ốp lát khai thác công suất trung bình dưới 70%, ước tính dưới 300 triệu m2; hàng tồn kho trung bình khoảng 50 ngày sản xuất (40 triệu m2 bằng 2.400 tỷ đồng). Sứ vệ sinh khai thác dưới 70% công suất, ước tính 8,4 triệu sản phẩm, hàng tồn kho trung bình khoảng 50-60 ngày sản xuất là 1,2 triệu sản phẩm, ước tính 600 tỷ đồng. Gạch ngói đất sét nung cũng chỉ khai thác 70% công suất.

Ngành sản xuất thủy tinh xây dựng, đá ốp lát thì gặp khó khăn vì bị hàng ngoại cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, ngành VLXD mới, là vật liệu xây không nung cũng gặp nhiều vấn đề như chất lượng chưa ổn định, thiếu giải pháp đồng bộ do đó chưa đặt được niềm tin cho người sử dụng. Do đó, việc tiêu thụ VLXD không nung nhẹ còn hạn chế, chỉ tiêu thụ 60-80% sản lượng, khiến nhiều nhà máy vừa mới ra đời đã có nguy cơ ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.

Có đoàn kết mới vượt qua sóng gió

Trong khi khó khăn bao vây, các DN sản xuất, kinh doanh VLXD trong nước cần phải đoàn kết với nhau, thì mới có thể tồn tại được. Đây cũng là điều mà Ban lãnh đạo Hội VLXD đang nỗ lực tìm lối ra cho các hội viên của mình. Theo nhận định của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tiêu thụ xi măng nội địa năm 2013 chỉ có thể tăng khoảng từ 5-8%, vào khoảng 48-49 triệu tấn. Nếu đạt được mức này thì mới chỉ quay lại mức tiêu thụ của năm 2011. Để có thể tồn tại, một trong những giải pháp được Hiệp hội đưa ra là các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải thống nhất với nhau để giữ giá xuất khẩu clanhke, xi măng ngang bằng giá khu vực. Kiên quyết không phá giá nhau trong xuất khẩu. Còn Hội VLXD kiến nghị Chính phủ có chính sách, chủ trương cơ cấu lại các DN sản xuất xi măng, cần sớm hình thành các tổ hợp sản xuất xi măng Việt Nam lớn, đủ mạnh để làm chủ thị trường.


DN cần đổi mới mình

Đối với ngành VLXD mới như vật liệu xây không nung, dù Chính phủ đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển như Chỉ thị số 10 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng… nhưng hiện tại, vật liệu này chưa được thị trường đón nhận. Cũng bởi nguyên nhân từ chất lượng sản phẩm và phương pháp, công nghệ thi công chưa hoàn thiện. Xét theo khía cạnh khác, các DN còn chưa đoàn kết trao đổi kinh nghiệm để cùng khắc phục khó khăn, tìm kiếm thị trường. Do đó, để khắc phục điều này, trong kế hoạch năm 2013, Hội VLXD cho biết, sẽ tìm kiếm cơ hội hỗ trợ DN thành viên hợp tác với các tổ chức và Cty nước ngoài về nâng cao chất lượng và làm chủ công nghệ sản xuất VLXD nói chung và bê tông khí chưng áp nói riêng…

Trong ngành VLXD, các đơn vị khác như kính thủy tinh, gốm sứ vệ sinh, đá vôi, gạch ốp lát… đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại. Cần tiến tới trong tương lai, công trình Việt Namchỉ dùng hàng Việt Nam. Muốn vậy, các DN cũng cần đoàn kết học hỏi công nghệ mới, thay đổi phương thức sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng, không tạo cơ hội cho hàng ngoại “lấn sân” như hiện nay.

Với bối cảnh khó khăn chung này, Hội VLXD sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, các Hội viên để đề xuất các giải pháp báo các các Bộ và Chính phủ để xử lý thúc đẩy phát triển sản xuất, ngăn chặn hàng nhập khẩu tràn lan, chất lượng kém, tổ chức phát triển sản xuất hàng xuất khẩu nhất là đá ốp lát.

Bảo Anh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.