Tín dụng tăng nhanh đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kích thích thị trường bất động sản hồi phục, giúp xử lý nợ xấu… là tín hiệu đáng mừng. Song khi vốn được bơm ồ ạt, đổ dồn vào bất động sản sẽ tiềm ẩn rủi ro, gây nguy cơ “bong bóng” bất động sản trở lại.
Ngày 14/3, tại hội thảo Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015, lãnh đạo Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) cảnh báo những tín hiệu tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tài chính và nhiều thách thức lớn.
Vốn tăng “bất thường”…
Đánh giá về thị trường tài chính, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch UBGSTC, chỉ ra những kết quả tích cực, cụ thể: hạ tầng tài chính Việt Nam được củng cố tích cực với việc sắp xếp, sáp nhập, giải thể 11 tổ chức tài chính, nâng cao tính minh bạch, tăng cường quản trị rủi ro.
Năm 2015, nền kinh tế đã thu hút được gần 800.000 tỷ đồng (gần 19% GDP) qua kênh tín dụng ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu… Trong giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế cần khoảng 10 triệu tỷ đồng vốn đầu tư, song mức đầu tư này còn khiêm tốn, chưa tương xứng và việc cân đối đủ nguồn vốn đang là thách thức không nhỏ.
Trong ba cấu phần của thị trường tài chính Việt Nam, năm 2015, thị trường tiền tệ có tăng trưởng cao. Đơn cử, tổng tài sản tăng 12,4%, tín dụng tăng 19-20%, song lại chưa đồng đều. Cơ cấu tài sản nợ bền vững hơn, huy động vốn tăng 16,1% mà chủ yếu là từ nguồn dân cư, doanh nghiệp, giảm sử dụng vốn liên ngân hàng (năm 2015, vốn liên ngân hàng chiếm khoảng 11%).
Do biến động đồng Nhân dân tệ bị phá giá, người dân lại tăng cường tích trữ USD và gửi ngân hàng dù lãi suất bằng 0%, chỉ kỳ vọng tỷ giá tăng. Điều này càng gây áp lực cho nhiệm vụ chống đô la hoá, có hiện tượng “đi đêm” lãi suất USD…
“Hệ thống ngân hàng thu được nhiều nguồn tiền hơn, trong 5 năm tới, cung tín dụng vẫn chủ yếu từ ngân hàng. Các ngân hàng có nguồn thu trong ngắn hạn, song coi chừng dài hạn. Năm 2015, số nợ xấu phát sinh khoảng 45.000 tỷ đồng chưa bộc lộ ngay, cơ cấu tài sản có tích cực nhưng coi chừng nợ xấu lại phát sinh”- ông Phước phân tích.
Cũng theo ông Phước, tín dụng tăng nhanh giúp xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, trong đó có tác động kích hoạt thị trường BĐS, nhưng rủi ro tiềm ẩn… Tín dụng tăng nhanh do sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, sức hấp thụ vốn nền kinh tế tốt hơn.
Trước đây, NHNN ban hành Thông tư 36 cho phép tăng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên 60%, góp phần cơ cấu nợ xấu từ ngắn hạn sang trung dài hạn. Thực tế, tín dụng trung và dài hạn vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp dịch vụ, kinh doanh BĐS (tăng 28,3%).
“Đây là con số khá lớn tạo ra các cảnh báo mà NHNN và các bộ ngành cần lưu ý xem có tạo nên thị trường BĐS “bong bóng” hay không”- ông Phước lo ngại, cho rằng dù không phải quá lo lắng tín dụng BĐS, song NHNN cần điều chỉnh tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn ngân hàng cho vay trung, dài hạn.
Tín dụng tăng nhanh giúp xử lý nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, trong đó có tác động kích hoạt thị trường BĐS, nhưng rủi ro tiềm ẩn.
Chênh vênh tăng trưởng cao
Báo cáo của UBGSTC đưa ra nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2015 khi đạt thành tựu kép, vừa kiểm soát lạm phát (0,63%) và duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Dự báo, năm 2016, kinh tế sẽ có mức tăng trưởng 6,7-6,8%, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3-3,5%…
Tuy nhiên, cơ quan này chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp FDI, nợ công tiếp tục tăng nhanh, bội chi ngân sách nhà nước lớn, thị trường chứng khoán hồi phục yếu, cổ phần hoá DNNN chậm… Rủi ro khác đáng ngại là giá nhiên liệu và hàng hóa chủ chốt vẫn biến động thất thường.
Ông Trương Văn Phước cho rằng Việt Nam còn phụ thuộc bên ngoài nhiều, tái cơ cấu DNNN chuyển biến tốt song còn chậm, thị trường chứng khoán suy giảm, tỷ lệ cổ phần hóa nắm giữ của tư nhân đối với DNNN vẫn thấp…
Tăng trưởng kinh tế cao hơn trước nhưng gia tốc về tăng trưởng có phần chậm lại. Việc cân đối ngân sách khó khăn, nợ công ở mức cao gần như chạm ngưỡng 65% mà Quốc hội cho phép.
Theo nhận định của Ts Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, biến động thế giới đã và đang có tác động mạnh tới Việt Nam trong cả ngắn hạn và lâu dài như: giá dầu giảm sâu gây bất an cho nguồn thu ngân sách, Trung Quốc phá giá đồng CNY, FED tăng lãi suất USD…
“Thế giới kém đi, riêng Việt Nam lại tốt lên, liệu có vấn đề gì không?”- Ông Thiên đặt nghi vấn, chỉ ra nhiều điểm “chênh vênh” trong bức tranh tăng trưởng kinh tế được cho là sáng sủa hơn. Theo ông Thiên, tăng trưởng kinh tế cao vượt dự kiến nhưng chủ yếu là nhờ khối FDI, cho thấy yếu về nội lực. Số DN đóng cửa năm 2015 tăng cao hơn, tái cơ cấu DN cũng chỉ chú trọng một vài lĩnh vực…
“Chừng nào không tái căn bản thì nền kinh tế chỉ phục hồi bất thường, cấu trúc đang không đúng, tăng trưởng cao chứng tỏ càng tốn chi phí nhiều. Về tái cơ cấu thị trường tài chính, giúp phục hồi nền kinh tế nên làm thế nào, quan hệ thị trường tài chính gắn với tài khóa ngân sách không đơn giản”- ông Thiên nói.
Cũng tại hội thảo, UBGSTC đã công bố áp dụng các chỉ số dẫn báo kinh tế mà cơ quan này nghiên cứu, xây dựng theo mô hình của OECD. Bộ chỉ số này sẽ giúp đánh giá tổng quát, đưa ra nhận định và dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Thu Hằng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.