Bất động sản nên giảm giá bán để thị trường điều tiết, thay vì bơm tiền như một hành động “thổi bong bóng”.
Kêu để được cứu

Sau khi bài “Sự thật đằng sau số lỗ của doanh nghiệp địa ốc”,nhiều độc giả cho rằng vấn đề của thị trường hiện nay là giảm giá bán để người thu nhập thấp có thể mua nhà, chứ không phải là “bơm tiền” để giải cứu các doanh nghiệp bất động sản.

Độc giả tên Anh bình luận: “Tôi thấy lúc này cần giảm mạnh giá bán nhà đất hơn nữa vì như vậy thì những người có thu nhập trung bình - khá (10 triệu/tháng) mới mua được nhà sau khi họ đã tích cóp 20 năm, chỉ nuôi một đứa con và không có ốm đau gì để mua được căn nhà 500 triệu đồng cho mình”.

Độc giả Thanh Tùng cũng thẳng thắn, đã kinh doanh thì việc lãi - lỗ là tất nhiên không thể tránh khỏi. Ai giỏi tính toán, giỏi quản lý, giỏi giải pháp kinh doanh thì ắt có lãi, còn chỉ chờ “ngồi mát ăn bát vàng”, chờ cứu, chờ cơ chế nhất định có ngày sẽ chết....

“Nhà Nước theo tôi cứ để cho thị trường điều tiết, có tính cạnh tranh lành mạnh cao...”, độc giả Thanh Tùng nhấn mạnh.

Còn độc giả Trần Tuấn thì phân tích, việc nhiều doanh nghiệp bất động sản không lỗ theo tôi là chính xác, các doanh nghiệp bất động sản đã xây dựng và bán nhà từ cả chục năm nay với giá cao ngất ngưởng. Thậm chí họ còn không kịp xây để bán. Biết bao doanh nghiệp đã thắng đậm, nhiều người giàu lên vì nhà đất.

"Còn tình trạng khó bán là mới 2 năm nay thôi. Tuy nhiên, cũng chỉ rơi vào môt số doanh ngiệp có khả năng tài chính yếu, mới ra đời. Còn hầu như nhà các doanh nghiệp bất động sản đều đã bán cho khách hàng hết rồi hoặc nhiều doanh nghiệp đã thu tiền của khách hàng, nay họ lấy lý do khó khăn không trả tiền, chứ chẳng phải họ khó khăn gì. Mỗi doanh nghiệp còn vài chục căn đối nội chưa bán thì vốn vẫn còn đó, kêu là phản xạ để được cứu mà thôi”, độc giả này phân tích.

Đồng quan điểm “kêu để được cứu”, một độc giả khác bình luận: “Kêu để được cứu nên mới "chìm dần" lại kêu nữa và chìm tiếp, không tự giảm mạnh giá đất giá nhà thì chẳng ai mua, giá cung không gặp cầu, khủng hoảng sẽ lâu hơn do có gói cứu đó.

Muốn chính sách gì thì rồi bất động sản cũng vẫn về giá trị thực theo quy luật bình quân hóa lợi nhuận, nhưng thời gian lâu lại càng thiệt hại, lợi bất cập hại”.

Để thị trường tự quyết

Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng cho rằng, để giải quyết được bài toán bất động sản hiện nay thì lời giải nên là để thị trường tự quyết.

Trả lời trên báo chí, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Cứu địa ốc lúc này không thể dùng cách bơm thuốc tăng lực. Bởi lẽ thuốc trợ lực chỉ trị bệnh từ ngọn, ít hôm khối u ở gốc rễ lại phình ra. Chữa không khéo lại thành nan y".

Theo ông Nghĩa, thị trường nhà đất đã lún sâu trong khủng hoảng, đề kháng kém nên không thể chỉ trông cậy vào thần dược vì sẽ gây tác dụng phụ. Bất động sản cần sự hỗ trợ dài hơi trong 3 năm nữa mới lại sức. Vì vậy, cần có 2 pháp đồ điều trị song song.

Một là điều trị ngắn hạn, giao nhiệm vụ và chọn mục tiêu khả thi trong 12 tháng. Cơ sở để bước vào đợt điều trị đầu tiên là phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trước khi cứu địa ốc. Theo đó, đơn vị nào yếu kém phải khai tử. Doanh nghiệp còn nội lực mới được đi tiếp.

Các dự án có ảnh hưởng xã hội lớn được ưu tiên trước. Chỉ có dự án khả thi mới được rà soát hỗ trợ đầu ra bằng công cụ hạ lãi suất, giảm thuế cho người mua. Điều trị bước một có thể xem là liệu pháp xoa dịu thị trường.

Bước điều trị thứ hai là chọn giải pháp dài hơi để áp dụng tối thiểu 3-5 năm, đảm bảo tính ổn định cho bất động sản. Cách này lệ thuộc vào các quyết sách vĩ mô. Để đạt được hiệu quả, doanh nghiệp và Nhà nước cùng bắt tay nhau tạo điều kiện, hỗ trợ người dân mua nhà. Giá phải hợp lý, lãi suất lùi về mức thấp nhất có thể và ổn định lâu dài thậm chí phải giảm giá thêm.

"Gói giải cứu bất động sản của Chính phủ phải truyền đi bức thông điệp không bơm thuốc tăng lực cho bất cứ ngành nào mà chỉ phục vụ lợi ích chung của nền kinh tế", ông Nghĩa góp ý.

Luật sư Bùi Quang Hưng thì ví von, việc “bơm tiền” vào bất động sản không khác gì việc “thổi bong bóng bất động sản”.

Theo ông Hưng, vấn đề của thị trường hiện nay là cung phải gặp cầu, tức là mức giá phải phù hợp với đại đa số người dân – những người có nhu cầu nhà thực sự.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cũng từng trả lời thẳng thắn trên báo chí, cần chứng minh được giá bất động sản đã giảm về ở mức hợp lý hay chưa, nếu giá đã giảm kịch không thể thấp hơn được nữa, thì chắc chắn lúc đó người dân sẽ bỏ tiền mua nhà.

“Với lượng hàng tồn kho hiện nay, người dân có mua nhà thì ngân hàng mới cho vay được. Mà điều kiện để người dân mua nhà chính là giá bán, lãi suất, thời hạn vay vốn phải hợp lý,” ông Bình nói.

Châu Anh (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.