Sau khi nhận được không ít lời phàn nàn về tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản, thông tư khác nhau để thúc các ngân hàng và chủ đầu tư phải giải ngân và xây dựng nhanh nhà ở xã hội.
Cụ thể, ngày 11/7, để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị các Ngân hàng được giao cho vay hỗ trợ nhà ở báo cáo kết quả cho vay đối với tổ chức và hộ gia đình, cá nhân theo Nghị quyết 02 của Chính phủ

Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản, thông tư để thúc các ngân hàng và chủ đầu tư phải giải ngân, xây dựng nhanh NOXH.

Theo đó, các ngân hàng TMCP Nhà nước báo cáo tình hình tiếp nhận hồ sơ xin vay, số tiền đề nghị được vay của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; kết quả xem xét giải quyết, số hồ sơ đã ký hợp đồng nguyên tắc, số hồ sơ đã ký hợp đồng tín dụng, số tiền đã giải ngân đối với các tổ chức, các hộ gia đình, cá nhân vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích sàn nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Tổng hợp báo cáo tình hình triển khai cho vay đối với tổ chức, cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân mua, thuê nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 sàn.
Báo cáo gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 25 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp đó, đến ngày 12/8, Bộ Xây dựng đưa ra dự thảo Thông tư 11 về Quy định chế độ báo cáo về tình hình triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh các dự án bất động sản.
Theo đó, chủ đầu tư các dự án BĐS phải thực hiện các báo cáo về giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tình hình triển khai, kinh doanh tại dự án định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm về Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng.
Nếu chủ đầu tư không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn, nội dung không chính xác, không đầy đủ lần thứ nhất sẽ bị Sở Xây dựng nhắc nhở. Vi phạm lần thứ hai sẽ công khai thông tin về hành vi vi phạm lên website của Bộ Xây dựng, của UBND tỉnh (TP), của Sở Xây dựng địa phương, đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Thông tư 11 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2013.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Xây dựng đã chính thức ban hành 2 văn bản và các cuộc họp, buổi hội thảo xoay quanh vấn đề giải ngân 30.000 tỷ. Có thể thấy, Bộ Xây dựng đang nỗ lực thực hiện lời "nhắn nhủ" của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Chúng ta khởi động chậm thì giai đoạn sau phải chạy nhanh. Bây giờ khởi động chậm mà chạy cũng chậm thì bao giờ mới đến đích".
Tuy nhiên, mặc dù NHNN, Bộ Xây dựng là các đơn vị đưa ra điều kiện xét duyệt vay vốn 30.000 tỷ, nhưng các ngân hàng thương mại thực chất mới là nơi nắm quyền quyết định có cho khách hàng là người dân hay doanh nghiệp vay hay không.
Ngân hàng đóng vai trò là nơi hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, ký hợp đồng vay vốn và quan trọng nhất, ngân hàng thương mại chính là đơn vị thực hiện giải ngân gói tín dụng này.
Cũng bởi vậy mà tốc độ nhanh hay chậm, muốn giải ngân hay không muốn giải ngân, quy trình thực hiện như thế nào... đều phụ thuộc vào 5 ngân hàng đã được chỉ định.
Đã không ít lần người dân lên tiếng kêu ca về các thủ tục phức tạp. Cũng không ít lần NHNN và Bộ Xây dựng ra văn bản yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhưng thực chất, tốc độ vẫn "như rùa".
Theo báo cáo của 3 ngân hàng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, với khách hàng là doanh nghiệp, ngân hàng BIDV đã cho vay 23 dự án, Vietinbank cho vay 20 dự án. Chỉ riêng Vietcombank là chưa cho dự án nào vay cả.
Với khách hàng là cá nhân, Vietinbank đã ký hợp đồng với 66 khách hàng, Vietcombank ký hợp đồng với 50 khách hàng, BIDV, Agribank, MHB đã ký tổng cộng 34 hợp đồng.
"Cần phải có một sự minh bạch trong chính sách. Cho đến hiện nay không rõ ràng nên người ta mới đặt câu hỏi. Tôi nói ví dụ như tại sao lại là 5 ngân hàng? Tại sao lại là 5 ngân hàng ấy mà không phải là ngân hàng khác? Chỉ cần lên một danh sách cần vay, có 1 hội đồng và 1 người nào đó có đủ độ tin cậy thì đến 5 ngân hàng hay 7 ngân hàng không quan trọng.
Nhưng tôi chạy ngân hàng này không được, chạy qua ngân hàng kia cũng không được. Tôi chạy tít mù 5 ngân hàng chỉ để hầu hạ các vị để các vị cho vay, thì không rõ ràng gì cả.
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương, chính sách và cũng không mong nhanh. Bởi vì đây là những việc cần phải có thủ tục nhất định, vì nó có ưu đãi. Chính vì có ưu đãi nên dễ bị lên án, dễ bị lợi dụng.
Dễ bị lợi dụng thì phải tăng cường kiểm soát. Cho nên tôi nghĩ nhanh thì không thể nhanh nhưng vấn đề là phải minh bạch. Kể cả cho các DN vay hay cho người dân vay" - TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho biết.
Duyên Duyên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.