Theo các chuyên gia của Bộ Xây dựng, để không làm tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản (BĐS) nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư, cần nghiên cứu thêm hình thức "chuyển nợ" từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách thay đổi lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà.
Theo số liệu Bộ Xây dựng thống kê tại Đề án phát triển thị trường BĐS, TP.Hồ Chí Minh có tỷ trọng dư nợ tín dụng bình quân qua các năm đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS lớn nhất trong toàn quốc (47%), tiếp đến là Hà Nội (20%), còn lại là các địa phương khác.
Tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS có xu hướng tăng dần từ năm 2010 đến nay. Nếu tại thời điểm 31/12/2010 là 2%, thời điểm 31/12/2011 là 4%, thời điểm 31/12/2012 là 5,39% thì thời điểm 30/6/2013 là 6,7%. Tuy nhiên, đến thời điểm 31/11/2013 đã giảm còn 4,93%.
Nguyên nhân chủ yếu khiến nợ xấu đầu tư, kinh doanh BĐS có xu hướng tăng là do nợ đọng trong xây dựng cơ bản lớn do chủ đầu tư không có vốn dẫn đến nhiều công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp.
Do thiếu vốn thanh toán trong xây dựng cơ bản, các nhà thầu không có đủ nguồn thu để trả các khoản nợ đã vay ngân hàng để chi trả tiền nguyên vật liệu, thiết bị, chi phí nhân công, quản lý… dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau, dây dưa, kéo dài.
Hầu hết các địa phương thời gian qua có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, do đó đã triển khai nhiều dự án, công trình đầu tư, xây dựng trong khi nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế.
Nợ xấu lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS tăng cũng phản ánh tình hình khó khăn của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh tồn kho BĐS lớn.
Trong cơ cấu nợ, cho vay đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, văn phòng, trung tâm thương mại tăng, cho vay mua nhà để bán cũng tăng cao (tới 59,68%), trong khi cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở lại giảm nhiều (giảm 19,92%). Điều đó cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng cho phía cung và cầu BĐS chưa cân đối.
Để tăng tính thanh khoản cho các khoản vay BĐS, giảm độ rủi ro cho hệ thống ngân hàng nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu của Chính phủ không tăng tỷ trọng tín dụng BĐS thì trong giai đoạn hiện nay, cần phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng BĐS.
Bộ Xây dựng cho rằng, trong khi phải giảm tỷ trọng đối với một số khoản mục như vay xây dựng khu đô thị, văn phòng (cao ốc) cho thuê, trung tâm thương mại, nhà để bán..., thì cần phải tăng tỷ trọng cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, đưa ra thị trường kinh doanh và thu hồi vốn đầu tư.
“Cần nghiên cứu thêm hình thức "chuyển nợ" từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách thay đổi lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà. Bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư” - Bộ Xây dựng đề xuất./.
Lan Hương (Pháp luật Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.