Chiều 12/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nội dung liên quan đến các vấn đề: Trách nhiệm và giải pháp khắc phục hiện tượng lãng phí thất thoát trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình; giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản; quy hoạch phát triển đô thị.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Từng bước khắc phục lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) , Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Xây dựng trước tình trạng chất lượng nhiều công trình xây dựng kém; lãng phí, thất thoát ... cùng với đó là những bất cập trong quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng đã đạt được những kết quả nhất định, tạo được hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội rất quan trọng góp phần quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Nhiều công trình giao thông, cầu đường, cảng biển, sân bay, thủy điện, nhiệt điện, nhà ở, văn phòng, khách sạn, công trình dịch vụ, trường học, bệnh viện đã tạo ra cơ sở sản xuất rất quan trọng, phục vụ cuộc sống cũng như công việc của người dân. Cùng đó, công tác quản lý đầu tư xây dựng cũng được tăng cường để từng bước khắc phục lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận: Vấn đề lãng phí thất thoát, chất lượng xây dựng công trình không phải là vấn đề mới mà từ lâu vẫn là căn bệnh nan giải, khó khắc phục triệt để và nêu rõ 5 nguyên nhân chính; trong đó, có nguyên nhân do chưa hoàn thiện về thể chế. Ngay cả Luật xây dựng, công tác kiểm soát về chất lượng xây dựng giao chủ yếu tránh nhiệm cho chủ đầu tư nhưng còn không ít chủ đầu tư có chất lượng thấp, nên vấn đề quản lý để đảm bảo chất lượng và hiệu quả gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch còn thấp hoặc, chưa kịp thời cũng là nhân tố gây lãng phí; công tác tiền kiểm trong đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế. Mặt khác, công tác khảo sát thiết kế, thiết kế kỹ thuật, khảo sát thi công, nghiệm thu…đều có nhân tố làm thất thoát, giảm chất lượng công trình.

Công tác thanh tra, kiểm soát chưa hiệu quả; hạn chế về năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức hoặc các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng. Trong khi đó, thiếu cơ chế để xã hội và người dân tham gia kiểm soát phát hiện kịp thời, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý quyết liệt có tính răn đe đối với sai phạm.

Theo Bộ trưởng, hiện nay cả nước có 54.000 công trình đang đầu tư, có thể nói cơ bản kiểm soát được chất lượng công trình, những công trình sau ngày càng có chất lượng tốt hơn như các công trình cầu, công trình dân dụng, công trình dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn có những công trình không đảm bảo, có sự cố, gây thiệt hại tính mạng của người dân, chủ yếu đối với công trình từ cấp 3 trở xuống, do dân tự xây; công trình bằng vốn ngân sách, vốn nhà nước, công trình trọng điểm quốc gia ít có sự cố.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng nêu rõ: Với trách nhiệm quản lý chung về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Hiện, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Theo đó, chịu trách nhiệm chính thẩm định, phê duyệt thiết kế, kỹ thuật là do chủ đầu tư.

Theo Bộ trưởng: “Có nhiều chủ đầu tư càng nhỏ, càng ở dưới địa phương thì chất lượng càng thấp phụ thuộc vào tư vấn, nhà thầu. Do đó, việc quản lý có hiệu quả là rất khó.”

Để khắc phục nhanh chóng lỗ hổng này, các cơ quan quản l ý nhà nước chuyên ngành phải tham gia thẩm tra trước khi chủ đầu tư quyết định. Một giải pháp nữa được Bộ trưởng nêu ra là tăng cường kiểm soát các chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu, từ tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật đến nhà thầu giám sát chất lượng để loại những nhà thầu kém năng lực, thi công, thực hiện công trình kém chất lượng. Cùng đó, công bố thông tin để chủ đầu tư có thể lựa chọn nhà thầu một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng. Mặt khác, nâng cao năng lực của đôi ngũ cán bộ, chủ thể tham gia quá trình quản lý đầu tư xây dựng không chỉ về chuyên môn mà còn về phẩm chất, trách nhiệm để chống thất thoát, lãng phí các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần mở rộng cơ chế để cộng đồng, người dân, xã hội tham gia giám sát và phát hiện, phản biện và tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, gây thất thoát trong đầu tư xây dựng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với các công trình đầu tư bằng ngân sách, nguồn vốn nhà nước nói riêng, công trình bằng vốn xã hội được kiểm soát về mặt chất lượng, sẽ khắc phục được tình trạng thông đồng “bắt tay” giữa nhà thầu, chủ đầu tư với các nhà tư vấn thiết kế khảo sát dẫn đến rút ruột công trình.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về việc Tháp truyền hình tại Nam Định bị đổ trong cơn bão Sơn Tinh vừa qua gây thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng, đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng các công trình dân sinh, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo tập trung kiểm tra tìm rõ nguyên nhân là do thiết kế sai hay quá trình thi công lắp ráp chưa đúng quy định, đặt quá nhiều tải trọng dẫn tới không an toàn...để có giải pháp khắc phục.

Cơ cấu thị trường bất động sản còn bất hợp lý

Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Phùng Văn Hùng (Cao Bằng)... về vấn đề tồn kho bất động sản và phá băng, giải cứu thị trường bất động sản, bảo đảm lợi ích của người mua nhà, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là những vấn đề lớn và có nhiều nguyên nhân. Theo Bộ trưởng, vấn đề tồn kho bất động sản không chỉ theo các số liệu đã báo cáo mà còn có tồn kho ở các sản phẩm dở dang, chủ đầu tư chưa đủ tiền để tiếp tục thực hiện; chưa kể tồn kho nền đất ở các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp...

Theo số liệu báo chưa đầy đủ của Sở Xây dựng 44 tỉnh, thành phố có nhiều bất động sản, đến ngày 31/8/2012, số bất động sản tồn kho theo các tiêu chí gồm: căn hộ chung cư là 16.469; nhà thấp tầng là 5.176 căn; đất nền 1.624.878 m2; văn phòng trung tâm thương mại 25.870 m2. Tổng giá trị tồn kho ước tính 40.750 tỷ đồng.

Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân thị trường bất động sản bị trầm lắng, đóng băng là do quá trình phát triển các dự án bất động sản nói riêng, trong đó có các dự án đô thị phát triển tự phát, theo phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch dẫn đến quá nhiều, vượt xa so với nhu cầu thực của thị trường. Bên cạnh đó, cơ cấu bất động sản rất bất hợp lý, vừa thừa bất động sản cao cấp hoặc trung bình nhưng thiếu bất động sản phục vụ ng ười dân thu nhập thấp. Trong khi đó “vốn cho bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng là chủ yếu, chủ đầu tư đa số là doanh nghiệp vốn chủ sở hữu rất thấp nên khi tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng cao dẫn đến các dự án bất động sản bị đóng băng, không thể thực hiện được” - Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng cũng thừa nhận những tồn tại gây bức xúc mà các đại biểu đã nêu liên quan đến phát triển đô thị như: không đồng bộ cơ sở hạ tầng, thiếu hạ tầng trong khi chủ đầu tư đã bán căn hộ, chuyển quyền sử dụng đất cho người mua nhưng khi ở không đủ điều kiện tối thiểu phục vụ cuộc sống, sinh hoạt. Theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các địa phương tuy nhiên quyết định giao dự án đô thị chủ yếu là Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định, còn những dự án trên 200 ha là do Thủ tướng cho ý kiến (số này rất ít). Để khắc phục hạn chế, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phát triển đô thị, xác định rõ theo quy hoạch và kế hoạch, có lộ trình, Ban quản lý…để khắc phục tình trạng các chủ đầu tư chỉ chú ý đầu tư các hạ tầng cơ bản để bán mà không quan tâm đến hạ tầng dẫn đến thiếu đồng bộ.

Để giải quyết đồng bộ vấn đề hạ tầng ở các công trình, theo Bộ trưởng cần khắc phục từng bước do cần nguồn vốn lớn trong khi thị trường bất động sản đang đóng băng, chủ đầu tư gặp khó khăn. Do đó, đề nghị chính quyền địa phương đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện theo đúng cam kết trong dự án đầu tư, Bộ sẽ kiểm tra, rà soát, xử lý tùy theo vi phạm để tăng cường hiệu quả đầu tư.

Để giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản, theo Bộ trưởng vừa cần có giải pháp dài hạn là hoàn thiện hệ thống pháp luật để khắc phục việc phát triển tự phát các dự án, vượt cầu; vừa có giải pháp ngắn hạn là cơ cấu lại các dự án, thay vì làm cho người giàu thì làm cho ng ười nghèo, tập trung vào đầu tư nhà ở x ã hội, hỗ trợ người nghèo mua nhà. Như vậy, sẽ giải quyết được 2 việc: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản và cho nền kinh tế và người nghèo có điều kiện có nhà ở.

Theo Bộ trưởng, thị trường bất động sản ở Việt Nam còn non trẻ, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế trong khi kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều ngành, ở cả Trung ương và địa phương, liên quan đến người dân, cần có sự vào cuộc đồng bộ các cấp, ngành, đặc biệt là địa phương và các cơ quan chuyên môn tham mưu và quyết tâm của doanh nghiệp. Mong các địa phương cũng vào cuộc quyết liệt cùng Chính phủ, các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn. Tuy chưa dám hứa có giải quyết được triệt để hay không vì còn phụ thuộc vào cung-cầu nhưng Bộ trưởng tin tưởng: “Thị trường bất động sản chắc chắn sẽ ấm lên cùng sự hồi phục của nền kinh tế.”

Tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở

Bộ Xây dựng đã đề nghị và được Chính phủ chỉ đạo trong Chỉ thị số 2196 về khắc phục những khó khăn của thị trường bất động sản, đồng thời trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10/2012. Trong đó tập trung: Rà soát toàn bộ dự án bất động sản để phân loại, dự án nào chưa giải phóng mặt bằng phải dừng lại; dự án nào đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đầu tư hạ tầng thì tạm thời giãn tiến độ; dự án nào đang đầu tư hạ tầng thì tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tập trung phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia đã được phê duyệt. Cùng đó, cơ cấu lại các sản phẩm bất động sản, tùy theo từng vị trí, đô thị, từng dự án cụ thể để cơ cấu lại các căn hộ bất động sản phù hợp với khả năng thanh toán của người dân có thu nhập thấp, khuyến khích chuyển sản phẩm bất động sản thương mại sang nhà ở xã hội.

Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền sử dụng đất, chính sách về thuế theo quy định; đề nghị ngân hàng tiếp tục cho vay với người mua nhà, đề nghị Quốc hội cho phép miễn giảm thuế VAT với người mua nhà ở lần đầu. Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp các cơ quan để hoàn thiện pháp luật liên quan đến phát triển đô thị, bất động sản. Hiện nay đã trình Nghị định về phát triển đô thị, trong đó có vấn đề về phát triển nhà đô thị và nhà xã hội; tăng cường kiểm soát phát triển các dự án đô thị theo quy hoạch, kế hoạch theo đúng quy định.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Châu Thị Thu Nga (Hà Nội) về vấn đề nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho biết theo Chiến lược phát triển nhà xã hội phân ra 8 nhóm đối tượng. Hiện nay nhà xã hội làm rất thành công là nhà xã hội 167 làm cho người nghèo, làm nhà xã hội cho người có công.

Bộ trưởng cho biết làm nhà xã hội cho người nghèo, công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho cán bộ công chức viên chức có khó khăn về nhà đang là những nhóm khó làm nhất. Hiện, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao và đã chủ trì để soạn thảo các nghị định, chương trình cụ thể hóa, trong đó Bộ đã tập trung phân rõ sự hỗ trợ ưu đãi của nhà nước để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia như nhà xã hội có sự đầu tư của nhà nước (nhà sinh viên); loại doanh nghiệp đầu tư, nhà nước hỗ trợ bằng tiền sử dụng đất hoặc bằng cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng; loại nhà ở xã hội do người dân tổ chức (khu công nghiệp hiện nay chủ yếu là do người dân đầu tư nhưng chất lượng thấp).

Bộ trưởng nêu rõ: Muốn phát triển nhà ở cho công nhân mà chỉ có nhà nước đầu tư thì không đủ nên phải khuyến khích người dân tham gia bằng chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất cho người dân được làm những dự án nhà ở cho công nhân thuê trên mảnh đất đúng quy hoạch theo đúng tiêu chuẩn quy định, cho thuê theo giá quy định...

Trong Chiến lược phát triển nhà ở có nói rõ đặt chỉ tiêu nhà ở xã hội là chỉ tiêu cứng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Bộ đã cùng các địa phương có nhiều công nhân, lao động người khó khăn về nhà ở tập trung phối hợp tìm giải pháp. “Chỉ khi có sự vào cuộc của các địa phương mới giải quyết được” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về xây dựng.

Theo Thanh Hòa - Quỳnh Hoa (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.