Quy định giá trần dịch vụ nhà chung cư bị lợi dụng, hiểu sai, khiến tranh chấp giữa người dân và ban quản lý chung cư tại Hà Nội thời gian qua bùng nổ, khó giải quyết. Tuy nhiên, việc Hà Nội kiến nghị bỏ mức trần phí quản lý chung cư có thể lại thổi bùng các vụ tranh chấp.

Trần phí chung cư bị lợi dụng

Sau gần 2 năm tiến hành khảo sát, ngày 29/9/2011, Hà Nội chính thức ban hành Đề án giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn Thành phố. Theo đề án này, mức trần phí quản lý chung cư trên địa bàn Thành phố là 4.000 đồng/m2, áp dụng với những nhà chung cư có thang máy; mức phí thấp nhất là 2.400 đồng/m2, áp dụng với chung cư không có thang máy.

Việc quy định giá trần dịch vụ chung cư được kỳ vọng sẽ chấm dứt tranh chấp về mức phí quản lý giữa người dân và các chủ dự án chung cư. Bởi lẽ, các quy định rất rõ ràng trong Đề án sẽ là cơ sở để giải quyết những tranh chấp vốn căng thẳng và có xu hướng ngày một lan rộng, từ chung cư cao cấp đến chung cư thấp cấp.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã có những quy định về phí cụ thể, thì những tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân vẫn tiếp diễn. Thậm chí, quy định về trần phí quản lý lại trở thành lý do để thổi bùng tranh chấp tại một số dự án, khiến việc giải quyết tranh chấp càng khó khăn hơn.

Chẳng hạn, tại Dự án Keangnam trên đường Phạm Hùng, từ khi Hà Nội ban hành Đề án giá dịch vụ nhà chung cư, quy định mức trần phí quản lý là 4.000 đồng/m2, tranh chấp giữa chủ dự án và người dân bị đẩy lên đỉnh điểm. Bởi người dân chỉ chấp nhận mức trần phí quản lý của UBND Thành phố, trong khi chủ dự án kiên quyết áp mức phí quản lý trên 17.000 đồng/m2. Từ đó, những căng thẳng giữa người dân và chủ đầu tư liên tục “leo thang”. Đỉnh điểm của mâu thuẫn, chủ đầu tư đã cắt thang máy, cắt điện nước với nhiều hộ dân.

Bỏ trần phí: Nguy hiểm!

Tại văn bản kiến nghị lên Bộ Xây dựng bỏ mức trần phí quản lý chung cư mới đây, UBND TP. Hà Nội thừa nhận thực tế, việc áp dụng mức trần đã bị nhiều bên cố tình hiểu sai nội dung. Từ đó, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ tranh chấp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc giải quyết. Mặt khác, UBND TP. Hà Nội cũng thừa nhận, các dịch vụ chung cư rất đa dạng về tần suất, chất lượng và phụ thuộc vào từng dự án, nên không thể xây dựng giá tất cả các loại dịch vụ.

Nếu kiến nghị bỏ trần phí quản lý chung cư được Bộ Xây dựng chấp chuận, quy định này có thể sẽ hết hiệu lực từ tháng 9/2012, sau một năm “thử nghiệm” theo kiến nghị của UBND Thành phố trước đó.

Trao đổi với ĐTCK về việc Hà Nội kiến nghị bỏ trần phí chung cư, luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự), người từng là đại diện trong nhiều vụ tranh chấp phí chung cư cho rằng, việc bỏ trần phí chung cư là rất nguy hiểm, vì nó có thể khiến tranh chấp tại các chung cư diễn ra nhiều hơn.

Luật sư Hưng cho biết, tại Hà Nội, có đến trên 80% chung cư không có quy định mức phí quản lý trong hợp đồng mua bán. Trong khi đó, việc thu phí chung cư được pháp luật quy định: “Trong trường hợp hợp đồng mua bán nhà không có quy định mức phí quản lý, thì việc thu phí quản lý tuân theo quy định của Nhà nước”.

“Nếu quy định về trần phí chung cư không còn, các chủ đầu tư dễ dàng tùy tiện và độc quyền áp mức phí ‘trên trời’. Từ đó, dẫn tới việc bùng nổ các tranh chấp về phí tại các chung cư”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, các chủ đầu tư sau khi bàn giao nhà, hầu hết vẫn muốn khai thác tòa nhà như một con “bò sữa”. Vì thế, các chủ đầu tư đều nhập nhèm mức phí, nhập nhèm phần diện tích chung - riêng để thu lợi. Vì vậy, nếu không thể áp mức trần phí chung cư, thì Hà Nội nên thành lập một Ban chuyên trách, có sự tham gia của UBND Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường để có những quyết sách và giải quyết kịp thời các tranh chấp nhiều khả năng sẽ phát sinh trong nay mai.

Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.