Trần lãi suất huy động tiếp tục có hiệu lực và dự kiến sẽ chỉ được gỡ bỏ vào cuối quí 2-2012 đang trở thành vấn đề nhức nhối bởi biện pháp hành chính này đã được sử dụng quá lâu. Trần lãi suất càng thu hút sự chú ý của dư luận khi mà gần đây thanh khoản ngân hàng dồi dào, lãi suất tín phiếu, trái phiếu, liên ngân hàng tụt dốc nhưng vốn vẫn chưa đến được doanh nghiệp.

Ảnh: Thanh Tao.

Trăm dâu đổ đầu tằm

Vào tháng 2-2012, khi những kiến nghị bỏ trần lãi suất bắt đầu dày đặc, một quan chức ngân hàng đã giải thích rằng trần chưa thể tháo gỡ ngay vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công bố rõ ràng việc xếp hạng các tổ chức tín dụng. Người dân chưa có đủ thông tin về sự mạnh yếu của từng ngân hàng, nên nếu bỏ trần dễ xảy ra hiện tượng tiền được rút nơi này gửi vào nơi khác, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Hiển nhiên, vì thiếu thông tin chính xác, trong khi thông tin NHNN không bỏ rơi tổ chức tín dụng nào ai ai cũng biết, tiền tiết kiệm sẽ chảy từ nơi lãi suất thấp về nơi lãi suất cao.

Bởi thế, người ta yêu cầu NHNN công khai các ngân hàng yếu kém theo các tiêu chí phân loại đã có, để trên cơ sở đó bỏ trần lãi suất huy động. NHNN đã cân nhắc khả năng công khai danh tính 9-10 ngân hàng yếu kém, nhưng cuối cùng sự lưỡng lự đã thắng thế. Dư luận chỉ còn biết đoán già đoán non ngân hàng nào không được tăng trưởng tín dụng tức là yếu kém.

Cái sự một nghi mười ngờ ấy đã không giải quyết được gốc rễ vấn đề là bỏ trần huy động. Đã đành các ngân hàng yếu sẵn sàng giữ lãi suất tiền gửi cao, thậm chí nâng cao hơn nếu bỏ trần, để đảm bảo thanh khoản đang trong tình trạng nguy ngập. Tuy nhiên, dồn mọi tội lỗi lên đầu ngân hàng yếu kém liệu đã tìm đúng bệnh để chữa? NHNN từng tuyên bố các ngân hàng yếu kém chỉ chiếm 10% thị phần và cơ quan quản lý đủ sức “quây” các đơn vị này lại, khám bệnh kê đơn cho họ bằng các liệu pháp như tái cấp vốn, tái cơ cấu nhằm tránh “lây nhiễm” cho cả hệ thống.

Ở đây nảy sinh vấn đề. NHNN không công khai tên tuổi các ngân hàng yếu kém vì e ngại khách hàng đến rút tiền gây phản ứng dây chuyền. Điều này là sự đề phòng cần thiết nhưng không hẳn hợp lý. Nếu NHNN chuẩn bị tốt mọi điều kiện, đứng sau hỗ trợ thanh khoản tức thì, đầy đủ, thì việc công khai ngân hàng yếu vẫn có thể thực hiện. Việc không thực hiện khiến dư luận băn khoăn: phải chăng thị phần của các ngân hàng yếu không phải chỉ 10% như công bố? Phải chăng những ngân hàng được đánh giá “đã có tiến bộ, thanh khoản dần cải thiện” thực chất vẫn đang yếu? Những ngân hàng đã hợp nhất cho đến nay đã đủ năng lực thực hiện nghĩa vụ của các ngân hàng cũ chưa? Đã hợp nhất bảng cân đối chưa hay vẫn mỗi ngân hàng một bảng cân đối riêng biệt? Không thấy NHNN công khai cho dư luận biết như kết quả bước đầu của tiến trình tái cơ cấu.

Lại chuyện nhóm lợi ích

Những ngân hàng lớn là người được hưởng lợi nhiều nhất từ trần lãi suất. Khi lãi suất tiết kiệm mọi nơi như nhau, người dân sẽ chọn ngân hàng lớn, uy tín mà gửi. Nhờ vậy, vốn huy động của các “ông lớn” tăng mạnh.
Không những thế, một số ngân hàng lớn còn được NHNN cho vay tái cấp vốn nhằm mục đích giải ngân vào lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp-nông thôn, chế biến hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Con số 30.000 tỉ đồng tái cấp vốn mà NHNN vừa công bố chắc chắn không chỉ để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng yếu kém, mà còn dành cho một số ngân hàng lớn.

Lẽ ra vốn huy động tăng, lại được tái cấp vốn, các ngân hàng lớn phải giảm nhanh lãi suất cho vay, đưa tăng trưởng tín dụng quí 1 lên ít nhất cũng 3-4% so với cuối năm ngoái nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Nhưng không! Tăng trưởng tín dụng quí 1 của các tổ chức tín dụng lớn âm và âm nặng, khiến cho tín dụng toàn ngành âm tới 1,96%, mức âm lần đầu tiên trong suốt thập kỷ qua. Vốn đang ứ đọng, nhưng ngân hàng lớn chỉ tìm cửa kinh doanh an toàn cho họ trước đã, nên mới cạnh tranh mua trái phiếu, tín phiếu, buôn bán liên ngân hàng. Cho doanh nghiệp vay lãi suất vẫn cao.
Lập luận của ngân hàng là không tìm được doanh nghiệp hiệu quả để rót vốn. Xin thưa, khi mà hàng tồn kho chất đống, chi phí trả lãi vay tăng gấp đôi, gấp ba năm ngoái, thử hỏi còn bao nhiêu doanh nghiệp lợi nhuận cao để ngân hàng “kết bạn”? Doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể...cứ việc! Doanh nghiệp lãi ít đi, cứ việc! Nhưng các ngân hàng lớn thì không. Năm 2011 ghi nhận là năm tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc của nhóm G-12 bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế. Quí 1 tăng trưởng GDP 4%, thấp nhất trong năm năm qua, liệu đã có ai tính toán nhóm G-12 lợi nhuận tăng trưởng bao nhiêu so với cùng kỳ? Con số trung bình chắc không dưới 10%. Liệu có ngành nghề nào so sánh được với mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của nhóm G-12 ngân hàng?

Sự mất cân đối giữa các nhóm lợi ích và cả nền kinh tế phải nhìn từ đây và cần bỏ ngay trần lãi suất để xóa bỏ bất hợp lý. Trần lãi suất đã hết vai trò. Bây giờ nó tồn tại ngày nào, nền kinh tế thiệt hại ngày đó. Muốn giải phóng hàng tồn kho, vực sản xuất dậy, trước hết phải kích thích sức mua. Nếu kích cầu bằng bơm tiền sẽ khiến lạm phát bùng lên. Phương thức nên tiến hành là giảm giá bán. Doanh nghiệp đã và đang chấp nhận lỗ cho vòng quay này, nhưng nếu vẫn lỗ những vòng quay sau, họ sẽ phá sản. Trong khi thanh khoản ngân hàng dồi dào, hà cớ gì không giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có cơ hội hạ giá bán sản phẩm? Chỉ có thể hiểu là hạ lãi suất đầu ra, rút ngắn chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay, lợi nhuận ngân hàng sẽ ít đi. Điều này chẳng ngân hàng nào muốn.

Những ngân hàng lớn là người được hưởng lợi nhiều nhất từ trần lãi suất. Khi lãi suất tiết kiệm mọi nơi như nhau, người dân sẽ chọn ngân hàng lớn, uy tín mà gửi. Nhờ vậy, vốn huy động của các “ông lớn” tăng mạnh.
Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.