Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013 để thay thế Luật Đất đai (năm 2003). Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014. Theo nội dung của Luật, có 65 điều Quốc hội trực tiếp giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành, trong đó 45 Điều cần được quy định chi tiết trong Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.

Để Luật Đất đai được bảo đảm triển khai thi hành ngay sau khi có hiệu lực, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật là hết sức cần thiết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai được soạn thảo nhằm mục đích tạo điều kiện để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở; đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất một cách dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, đảm bảo tính khả thi và giải quyết được những bất cập, tồn tại trong thực tiễn; bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Với mục đích trên, dự thảo Nghị định được kết cấu thành 11 chương với 140 điều. Trong đó, có một số nội dung đang rất được người dân quan tâm như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; chế độ sử dụng các loại đất; phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai…

Những bảo đảm cho người sử dụng đất

Theo dự thảo, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo các chính sách ruộng đất trước ngày 15/10/1993 trong các trường hợp sau:

a) Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc; chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam;

b) Đất đã hiến tặng cho Nhà nước, cho hợp tác xã và tổ chức khác, cho hộ gia đình, cá nhân;

c) Đất đã góp vào hợp tác xã nông nghiệp theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao;

d) Đất thổ cư mà Nhà nước đã giao cho người khác để làm đất ở; đất ở và đất vườn đã giao lại cho hợp tác xã để đi khai hoang; ruộng đất đã bị thu hồi để giao cho người khác hoặc điều chỉnh cho người khác khi giải quyết tranh chấp ruộng đất;

đ) Đất đã chia cho người khác khi hưởng ứng cuộc vận động san sẻ bớt một phần ruộng đất để chia cho người không có ruộng và thiếu ruộng tại miền Nam sau ngày giải phóng.

Theo dự thảo, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có công trình xây dựng trên đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991 được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Thanh Hoài (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.