Phải quản lý thêm 3 lĩnh vực nên thay vì con số 600 cán bộ, nay Bộ TNMT có tới 1000 cán bộ-con số quá lớn so với trụ sở mới xây.

Đây chính là lý do khiến Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) giữ lại trụ sở cũ tại 83 Nguyễn Chí Thanh dù đã xây trụ sở mới tại số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy Hà Nội.

Thông tin này được ông Chánh văn phòng Bộ TNMT Tăng Thế Cường xác nhận với báo chí trước dư luận cho rằng cơ quan này đã có trụ sở mới khá “hoành tráng” trên đường Tôn Thất Thuyết, song vẫn giữ lại trụ sở cũ tại 83 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Trụ sở cũ của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 83 Nguyễn Chí Thanh

Tờ Vneconomy dẫn lời đại diện Bộ TNMT cho biết khi mới thành lập, cơ quan này được giao quản lý 5 lĩnh vực về tài nguyên môi trường, khi đó Bộ không có trụ sở và được giao 83 Nguyễn Chí Thanh.

Do nhu cầu quản lý nhà nước của ngành tăng mạnh nên Bộ đã được Chính phủ chấp thuận xây dựng trụ sở mới tại số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy với công năng thiết kế cho 600 người.

Sau đó, Bộ được giao quản lý thêm 3 lĩnh vực là biển - hải đảo, biến đổi khí hậu và viễn thám nên trụ sở mới có hơn 1.000 người làm việc.

Theo ông Cường, đây là con số quá lớn nên cần phải giãn trụ sở. Do đó, Tổng cục Biển và Hải đảo được bố trí về làm việc tại trụ sở cũ 83 Nguyễn Chí Thanh.

Ông Cường khẳng định, việc giữ lại trụ sở cũ đã được Bộ báo cáo Chính Phủ.

Việc xây trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ không phải là trường hợp hiếm gặp. Trước đó Hà Nội đã dành gần 100 ha đất để sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở mới cho những cơ quan Bộ, ngành cần di dời. Tất cả vì mục tiêu giải phóng không gian để quy hoạch lại Thủ đô đồng thời giảm tải sức ép giao thông ở các quận nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên sau đó nhiều bộ ngành đã tìm đủ lý do để trì hoãn việc di dời cũng như giữ lại luôn trụ sở cũ dù rằng trụ sở mới rất hoành tráng.

Cụ thể Bộ Nội vụ có công trình với tổng diện tích đất là 1,63ha (trong đó, diện tích sàn là 30.628m2, quy mô 17 tầng) nằm tại Lô D24 - Khu đô thị mới Cầu Giấy. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2009 và khánh thành, đưa vào sử dụng ngày 14/12/2010.

Bộ Khoa học&Công nghệ (tại số 93 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) có quy mô 0,15ha sẽ được chuyển sang làm bảo tàng, viện nghiên cứu hoặc trụ sở văn phòng, khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại.

Trụ sở cũ Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại số 83 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, có quy mô 0,36ha) được đề xuất chuyển thành trụ sở làm việc của sở, ngành của Thành phố hoặc ưu tiên cho công trình hạ tầng, kĩ thuật phục vụ đường sắt đô thị.

Trụ sở cũ của Bộ Nội vụ (tại số 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, có quy mô 0,3ha) có 3 phương án chuyển đổi: Để làm trường học; làm trung tâm hành chính cấp quận hoặc để xây dựng chỗ để xe và trồng cây xanh.

Tuy nhiên, hầu như các bộ ngành vẫn 'nuối tiếc' trụ sở cũ nên vẫn chưa được trả lại cho thành phố Hà Nội.

Việc dây dưa kéo dài đến mức cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã phải có công văn yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chấn chỉnh công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nghiêm cấm và yêu cầu các cơ quan chức năng Kiên quyết xử lý thu hồi đối với các trường hợp cho thuê, cho mượn, để trống không sử dụng hoặc sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc cũ để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác, kể cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Phương Nguyên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.