Việc khai trương rầm rộ trở lại nhưng không được thành công như kỳ vọng của Tràng Tiền Plaza có thể coi là hình ảnh điển hình của các trung tâm thương mại (TTTM), mặt bằng bán lẻ hiện nay. Kinh tế khó khăn, người mua không mấy mặn mà với các món hàng xa xỉ đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm đến một phân khúc mới.

Quy mô nhỏ, khách bình dân

Không giống như cách đây vài năm, TTTM chỉ dành cho một phân khúc khách hàng nhỏ hẹp, nhưng sự khó khăn của nền kinh tế đã khiến nhiều TTTM buộc phải chuyển mình hướng đến lượng cầu đông đảo hơn. Tại Hà Nội, Metro khai trương tại TTTM Eurowindow Complex Hà Đông để phục vụ khách bán lẻ.

TTTM Indochina Plaza Hà Nội dù là dự án cao cấp nhưng hướng đến cả đối tượng học sinh, sinh viên và những người dân sống quanh khu vực này. Mipec Tower đã phải nhường sân chơi cho nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte… là những thí dụ điển hình cho trào lưu này.

Còn tại TPHCM, các TTTM, mặt bằng bán lẻ quy mô nhỏ, khách hàng bình dân đã thu được những thành công. Theo bà Dương Dung, quản lý cấp cao của Công ty Nghiên cứu BĐS CBRE Việt Nam, hiện các mô hình và trung tâm bán lẻ như Saigon Square là lựa chọn cho những trung tâm mua sắm hoạt động yếu.

Sự kết hợp giữa mô hình mua sắm tiện nghi và hiện đại của TTTM với hình thức mua sắm mở kiểu chợ truyền thống đã tạo nên ưu thế cho những TTTM nhỏ kiểu này và mở ra một xu hướng mới.

Sau Saigon Square, một số doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào loại hình trung tâm mua sắm này như Kỳ Đồng Square hay Taka Plaza. Quy mô của Kỳ Đồng Square chỉ vỏn vẹn trong khuôn khổ hơn 340m2 (1 trệt, 1 lầu) với khoảng 68 ki-ốt (3-5m2) nhưng cực kỳ thu hút cả khách thuê lẫn người mua.

Tiến gần người tiêu dùng

Trên thực tế, khủng hoảng kinh tế đã khiến thị trường hình thành một “thế hệ” người tiêu dùng mới. Sức mua của người dân giảm sút, không tìm được khách thuê khiến hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa. Tại Hà Nội, bài học của Grand Plaza hay Hàng Da Galleries là sự cảnh báo cho không ít chủ đầu tư.

Grand Plaza đã buộc phải đóng cửa cuối tháng 12-2012 để cải tạo, còn Hàng Da Galleries có tỷ lệ lấp đầy chưa đến 20%. Còn tại TPHCM, nhiều TTTM cũng buộc phải sớm chấm dứt kinh doanh vì quá ế ẩm. Có thể kể đến những cái tên như Thiên Sơn Plaza, Premium Outlet…

Theo nhiều chuyên gia BĐS, đóng khung khái niệm TTTM là nơi bán các mặt hàng xa xỉ dành cho đối tượng thu nhập cao trong xã hội đã khiến loại hình này ở các trung tâm lớn như Hà Nội hay TPHCM thừa nhưng lại thiếu. Và khi thị trường gặp khó khăn khủng hoảng, khách thuê phải tìm những địa điểm rẻ hơn, người mua buộc phải thắt chặt chi tiêu khiến các chủ đầu tư “ngấm đòn”.

Mặc dù tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm không quá cao, nhưng điều này cũng phản ánh sức mua của thị trường đã thực sự đi xuống và các mặt hàng xa xỉ không còn là lựa chọn hàng đầu của người dân. Trong khi đó, nhìn ra một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đều có sự phân cấp rất rõ TTTM. Bên cạnh những TTTM đẳng cấp vẫn có những TTTM chỉ phục vụ cho khách bình dân.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Hà Nội) giờ đây đã bình dân hóa khách hàng.

Theo bà Lê Kim Hoa, Trưởng bộ phận bán lẻ Cushman&Wakefield, đây là thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, vì vậy ngành bán lẻ không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Xu hướng TTTM bình dân ngày càng phát triển do kinh tế khó khăn và sự hạn chế chi tiêu của người dân.

Cũng theo bà Hoa, các chủ đầu tư Việt Nam cần xác định cho dự án của mình mô hình thương mại tốt, tối đa hóa diện tích cho thuê. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có những nghiên cứu sát sao về thị trường, cung cấp một mặt bằng thương mại khả dụng, dễ trang trí nội thất cho khách thuê. Đồng thời, chất lượng quản lý cũng như chiến lược dài hơi của chủ đầu tư sẽ là yếu tố thu hút khách thuê.

Minh Khôi (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.