Việc sửa đổi Luật Đất đai là một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Bên lề kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, phóng viên TTXVN đã trao đổi với các đại biểu về một số vấn đề liên quan đến dự án Luật này.

* “Đi bằng cả 2 chân”

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai là khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, quyền sử dụng đất là quyền của cá nhân, tổ chức, cho phép tích tụ quyền sử dụng đất.

Theo đại biểu, điều khiến các nước phát triển trở thành một nước hiện đại về công nghiệp, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, đồng thời nền nông nghiệp cũng phát triển, chính là việc cho phép người dân tích tụ quyền sử dụng đất. Nếu như không cho phép người dân- những người có khả năng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tích tụ ruộng đất (hay là quyền sử dụng đất), họ sẽ không đầu tư để biến đất đai thành hàng hóa. Đại biểu phân tích: khi tích tụ ruộng đất sẽ có một bộ phận nông dân mất đất, không có đất sản xuất nhưng đây là một tiến trình phát triển.

Chiều 6/11/2012, Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Trong ảnh: Ðại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Đinh Thị Bạch Mai phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Vấn đề đặt ra là đồng thời với việc cho phép tích tụ quyền sử dụng đất, Nhà nước phải giải quyết các lĩnh vực kinh tế khác để những người không có đất, những người chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể sinh sống bằng những nghề khác. Theo đại biểu, phải “đi bằng cả 2 chân” nếu không sẽ xảy ra tình trạng như lâu nay là dân mất đất nhưng không có chỗ để làm việc. Bên cạnh việc cho phép tích tụ quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho những người có khả năng đầu tư vào đất đai, phải có những lĩnh vực kinh tế khác phát triển để người dân có việc làm.

Liên quan đến giá đất, đại biểu cho rằng cần có cơ chế xác định như thế nào là giá thị trường. Cơ chế này đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước để thực hiện các dự án, công trình, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người có quyền sử dụng đất khi đất bị thu hồi để thực hiện mục đích khác với giá phù hợp thị trường. Đại biểu dẫn chứng kinh nghiệm một số nước, khi đền bù đất đai, thông thường người có đất chuyển nhượng quyền sử dụng muốn giá cao nhưng nhà nước hay nhà đầu tư phải cân đối với hiệu quả.

Do đó cần một cơ quan, tổ chức trung gian - tư vấn, đánh giá độc lập đưa ra giá đền bù nếu như nhà nước và người dân không thống nhất được giá. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cách làm này đòi hỏi tính công khai, minh bạch cao, nhà tư vấn phải giữ uy tín, chịu trách nhiệm về đánh giá của mình, không chịu sức ép của nhà nước hay nhà đầu tư cũng như người dân.

*Điều chỉnh, sửa đổi về đền bù thu hồi đất

Xung quanh các vấn đề bồi thường, tái định cư, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia là một yêu cầu tất yếu, phù hợp với tiến trình phát triển. Những năm vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có Luật Đất đai để điều chỉnh vấn đề này, đặc biệt ở những công trình lớn, công trình thủy lợi, thủy điện.

Về cơ bản, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện tốt chính sách cho người dân, đặc biệt là về đền bù, tái định cư, tổ chức cuộc sống cho người dân sau khi di dời. Mặc dầu vậy, trên thực tế, kết quả chưa được như mong đợi. Đời sống của nhiều người dân dù đã được cải thiện nhưng so với yêu cầu, tiêu chí của Chính phủ đặt ra là nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì phần lớn là chưa đạt được.

Đại biểu nêu vấn đề có những nơi có đất hoặc không đủ đất đảm bảo cho người dân tái định cư; có những nơi có đất nhưng lại trong điều kiện rất xấu, người dân không thể sản xuất, nhiều nơi người dân đã quay trở lại nơi ở cũ của mình. Điều này gây khó khăn trong vấn đề ổn định đời sống. Cùng với đó, quy hoạch về hạ tầng phục vụ dân sinh chưa được đồng bộ, nhiều nơi khi xây dựng xong, đưa vào sử dụng thì công trình đã xuống cấp...

Đại biểu cho rằng, quy định của pháp luật về chính sách đền bù đất cần phải được điều chỉnh, sửa đổi phù hợp hơn với người dân, đặc biệt là quy định về giá trị bồi thường đất cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác quy hoạch tái định cư cũng rất quan trọng, trong đó phải có quỹ đất dành cho tái định cư, không chỉ đất sản xuất mà quy hoạch không gian sinh tồn ở điểm định cư phải đầy đủ, phù hợp với người dân.

Thời gian qua, nhiều nơi khởi công xây dựng rồi mới tiến hành nghiên cứu quy hoạch tái định cư. Đại biểu nhấn mạnh, đây là một nội dung quan trọng phải được đưa vào sửa đổi Luật Đất đai sắp tới.

Việc áp dụng giá đất theo giá thị trường đến mức độ nào, ở thời điểm nào, khu vực nào theo đại biểu cũng là một vấn đề cần được tính toán, cân nhắc. Việc áp giá trong thời gian vừa qua có một độ chênh rất lớn từ lúc thu hồi đất đến lúc người dân nhận tiền và đến khi nhận công trình có khoảng cách xa, gây bức xúc. Một điểm nữa là do chúng ta thực hiện quá dài và có nhiều văn bản khác nhau nên cùng một nhóm đối tượng nhưng thời điểm thực hiện khác nhau thì mức hưởng lợi khác nhau. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện của người dân.

*Giải quyết 2 điểm nghẽn

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai thời gian qua là do cơ chế chính sách chưa thay đổi kịp với tình hình thực tiễn. Giá đền bù chưa thống nhất trong từng giai đoạn. Việc có quá nhiều văn bàn hướng dẫn cũng dẫn đến tình trạng mỗi nơi thực hiện khác nhau. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác địa chính chưa được đào tạo cơ bản; một bộ phận người dân chưa am hiểu pháp luật.

Theo đại biểu, việc sửa đổi Luật Đất đai phải xử lý được hai điểm nghẽn lớn nhất là tham nhũng về đất đai và giá đền bù mới có thể giải quyết được tình trạng khiếu nại tố cáo kéo dài nhiều năm qua. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã cơ bản giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, việc sửa đổi theo hướng tập trung quyền cho Nhà nước –đại diện chủ sở hữu - là việc đúng đắn. Vì theo cơ chế thỏa thuận như hiện nay, mỗi nơi làm khác nhau dễ sinh ra khiếu kiện. Khi Nhà nước đã quản lý, việc điều phối các loại đất đặc biệt như đất giáp ranh, đất bãi bồi, ven sông… sẽ được quan tâm hơn.

Vấn đề huy động đất để làm công trình quốc gia, an ninh quốc phòng; vấn đề giá đền bù, công tác tái định cư… cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phải lường trước các trường hợp để đảm bảo quyền lợi của người dân; quy định chi tiết về giá đền bù, tạo việc làm cho người dân khi thu hồi đất; hỗ trợ tái định cư. Đồng thời, có chế tài khắt khe khi chuyển đất lúa sang mục đích khác để giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực.

Theo Thanh Hòa (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.