Không chỉ những dự án nội bị ảnh hưởng bởi thị trường khó khăn, ngay cả những dự án hoành tráng “mác nhà đầu tư ngoại” vẫn đắp chiếu, cỏ mọc um tùm… Còn chủ đầu tư thì biến mất, rất khó liên hệ.

Hoành tráng quy mô, nổi tiếng chậm trễ

Rầm rộ đầu tư dự án tại Việt Nam, không ít nhà đầu tư ngoại đã sớm bộc lộ những yếu kém khiến dự án dở dang hay vẫn còn nằm trên giấy. Nhiều dự án bất động sản vốn ngoại hàng trăm triệu USD tại Hà Nội vẫn đắp chiếu sau nhiều năm được cấp phép. Qua đó, đã lộ rõ ý đồ của nhà đầu tư đăng ký dự án nhằm giữ chỗ, trong khi năng lực tài chính hạn chế. Nếu thị trường tốt thì họ bán nhà trên giấy thu tiền, còn khi thị trường đi xuống thì treo lại chờ thời hay tìm cách bán đi kiếm lợi.

Trước đây, với các mác nước ngoài, các tập đoàn lớn, nhiều người vẫn tin rằng, một dự án bất động sản có sự tham gia của phía nước ngoài thì khả năng thành công và mang lại lợi nhuận sẽ rất lớn. Không ít nhà đầu tư trong nước chỉ vì sính ngoại mà đành phải nếm trái đắng.

Dự án đô thị Công viên ParkCity tại Hà Đông, Hà Nội từ ngày khởi công đến nay vẫn cỏ mọc um tùm, cọc sắt hoen gỉ. Cách đây ít lâu, ParkCity được biết đến như một dự án đình đám tại đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông. ParkCity Hà Nội có quy mô 77,45 ha, với quảng cáo là nhà ở trong công viên.

Chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - công ty liên doanh giữa Perdana ParkCity (S) Pte (Singapore) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành. Giai đoạn I và II của khu đô thị ParkCity Hà Nội sẽ hoàn thành vào năm 2014 và toàn bộ dự án khu đô thị sẽ được phát triển và hoàn thiện đồng bộ trong vòng 10 năm.

Cho đến thời điểm này, bên trong những vẻ đẹp hào nhoáng của những biển quảng cáo, những bồn hoa được chăm sóc kỹ lưỡng là công trường cỏ mọc um tùm, các trụ cột bê tông trơ lõi thép hoen gỉ. Theo quan sát của phóng viên, giai đoạn I của dự án mới chỉ xong phần móng, không có bóng dáng một công nhân nào, tiến độ thi công đang giậm chân tại chỗ.

Dự án đô thị Công viên ParkCity tại Hà Đông, Hà Nội từ ngày khởi công đến nay vẫn cỏ mọc um tùm, cọc sắt hoen gỉ.

Bác Nguyễn Lưu An, một người dân kinh doanh ngay trước khu này cho hay: "Lâu lắm rồi tôi không thấy công trường hoạt động. Công nhân cũng bỏ đi hết, chỉ còn lại vài người bảo vệ và chăm sóc cây cảnh ven đường. Ngày trước, dự án thi công rầm rộ, xe tải chạy ra chạy vào suốt ngày, công nhân cũng nườm nượp. Ngày nào quán nước của tôi cũng vài chiếc ô tô sang trọng đỗ cửa ngó nghiêng mua đất. Giờ thì vắng tanh...Dự án quảng cáo hoành tráng thế mà giờ vẫn chưa thấy đâu".

Trước đó, dự án được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư, ngay buổi mở bán đợt đầu, hàng nghìn người mua đã có mặt dù chỉ có 50 suất, đồng thời phải chấp nhận mua lại với giá chênh 1,2-1,5 tỷđồng/căn liền kề, biệt thự lên đến 2 tỷ đồng. Sau đó, mức chênh lệch còn được đẩy lên đến 3 - 5 tỷ đồng/lô, tùy vào diện tích mỗi căn nhà.

Giá bán theo kiểu chìa khóa trao tay đã được chủ đầu tư xác lập khá cao, đơn cử liền kề diện tích 120 m2 có giá 400 nghìn USD, biệt thự có giá 800 nghìn USD, mức giá trên chưa có thuế VAT. Nếu cộng cả tiền thuế và chênh lệch thì giá mỗi m2 đất tại đây lên tới 3.000 USD, tương đương 85 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, với tình cảnh hiện nay, nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi dự án. Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đang chấp nhận cắt lỗ hàng tỷ đồng để rút vốn khỏi dự án này. Anh Nguyễn Thành Nam, giám đốc một sàn bất động sản cho hay, sau khi khảo sát về giá cả trên thị trường, giá của ParkCity là khá cao, lên tới 9 - 10 tỷ/căn. Đầu tư vào dự án này phải bỏ ra lượng vốn tương đối lớn trong tình hình thị trường bất động sản như hiện nay thì khó có thể sinh lời. Chính vì thế, người bán thì nhiều mà người mua không thấy quan tâm. Dự án đình trệ, nhiều nhà đầu tư đã ăn trái đắng bởi dự án mác ngoại.

Dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao đến nay vẫn chỉ là bãi đất, tường rào sắt xây quanh

Cũng trên địa bàn Hà Đông, dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao cũng là đang chung cảnh ngộ. Được bàn giao mặt bằng sạch từ năm 2007, nhưng đến nay, dự án Booyoung Vina tại khu đô thị Mỗ Lao vẫn chỉ là bãi đất, tường rào sắt xây quanh. Dự án có tổng mức đầu tư 171 triệu USD và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2010...

Được biết, chủ đầu tư dự án là Công ty Booyoung Vina, một trong 30 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc chuyên về lĩnh vực bất động sản. Đơn vị này cũng khẳng định đủ tài chính để thực hiện dự án nhưng do điều chỉnh của quy hoạch dẫn tới chậm tiến độ. Qua 5 lần điều chỉnh giấy phép đầu tư, những khu đất hoang chưa biết ngày hoàn thành.

Mác ngoại không có gì đảm bảo?

Ngoài ra, có hàng loạt dự án khác sau nhiều năm vẫn ì ạch như: Dự án khu phức hợp Giảng Võ của Công ty TNHH Pacific Thăng Long được cấp phép từ tháng 12/2007 với quy mô vốn đầu tư 70 triệu USD, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Ở vùng ven, dự án "Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, khu luyện tập thể thao" tại xã Quang Minh huyện Mê Linh của Công ty TNHH Togi Việt Nam (100% vốn Liên bang Nga); dự án "Khu du lịch bốn mùa" của Công ty cổ phần Du lịch Bốn Mùa tại thị xã Sơn Tây được cấp phép từ tháng 9/2007 với quy mô vốn đầu tư 1,5 triệu USD đến nay cũng chưa triển khai...

Thị trường bất động sản gặp cơn sóng gió, đã lộ mặt dự án ngoại không còn đủ sức hấp dẫn trên thị trường, bởi hàng loạt dự án 100% vốn nước ngoài hay liên doanh cũng chậm tiến độ, vướng mắc vào kiện cáo về pháp lý hay bán hàng bằng USD. "Mác" ngoại, vốn nội là thực tế của không ít dự án bất động sản mang danh có vốn đầu tư nước ngoài trị giá hàng tỷ USD nhưng trên thực tế khi triển khai lại huy động và sử dụng vốn trong nước.

Trong báo cáo vừa được UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng cho thấy, Hà Nội có 95 dự án bất động sản vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, số dự án đang triển khai đúng tiến độ rất ít, hầu hết các dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, từng lên tiếng, đã đến lúc cần phải xem xét, đánh giá lại câu chuyện đầu tư nước ngoài bằng vốn trong nước trong lĩnh vực bất động sản. Không thể tiếp tục để xảy ra hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án với số vốn lên tới 3-4 tỷ USD nhưng vốn thực sự họ mang vào Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là chi phí ban đầu, như xây dựng dự án, giải phóng mặt bằng... Sau đó, nhà đầu tư nước ngoài lại huy động vốn trong nước như các nhà đầu tư trong nước, thậm chí còn bán lại dự án. Đây là một thực tế cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo để có biện pháp, chính sách điều chỉnh.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.