Thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang cho thấy một sự ổn định đáng kể. Sau sự bùng nổ ở khu vực ven biển thì BĐS nghỉ dưỡng trên núi đã được mở ra. Các dự án này thường nằm trong tổng thể phát triển của các khu du lịch nên sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng và gia tăng giá trị chung nhưng ngược lại, dự án sẽ được hưởng lợi từ những tiềm năng của khu du lịch. Bài toán nhân đôi giá trị, tìm kiếm lợi ích riêng trong cái chung của BĐS nghỉ dưỡng là một lý do cho BĐS nghỉ dưỡng giữ được sự hấp dẫn.

Thành công từ biển

Dọc biển miền Trung với những khu vực có tiềm năng như Hội An, Đà Nẵng, Phan Thiết... đã nổi tiếng từ lâu không chỉ vì cảnh sắc tự nhiên mà còn có nhiều giá trị văn hóa. Thế nhưng, những giá trị đó vẫn mãi là tiềm năng, các địa danh này vẫn thất bại trong việc biến nơi đây thành thiên đường du lịch.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là thiếu hạ tầng du lịch. Vì thế, các câu hỏi như: khách đến thì ở đâu, hưởng thụ dịch vụ gì...?; Vì sao chúng ta thất bại trong việc hút khách, nhất là khách cho tiền và kích thích khách du lịch tiêu tiền nhiều hơn?... luôn được lặp đi, lặp lại. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi nhanh chóng khi các nhà đầu tư BĐS du lịch, nhất là nghỉ dưỡng cao cấp phát triển mạnh các dự án ở đây.


Chúng ta đã chứng kiến một làn sóng đầu tư BĐS nghỉ dưỡng ở ven biển miền Trung mà trọng điểm là Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết... Hiệu quả đã đến, các địa danh này đã nhanh chóng thiết lập được một hệ thống hạ tầng du lịch, nhất là các khu nghỉ dưỡng cao cấp... biến những tiềm năng một thời thành thiên đường du lịch thực sự.

Đà Nẵng bây giờ đã nổi tiếng là điểm du lịch hấp dẫn, trong đó phần quyết định mang đến thành công chính là sự phát triển của các BĐS nghỉ dưỡng cao cấp biến các bờ biển hoang vắng thành những khu du lịch, biệt thự sang trọng và đẳng cấp... Thậm chí, sự thành công này còn đưa danh tiếng Đà Nẵng vượt ra khỏi Việt Nam.

Cách Đà Nẵng không xa, giá trị di sản của Hội An cũng đã được khai thác hiệu quả hơn khi nơi đây phát triển hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng. Nếu như trước đây, đến với Hội An, khách chỉ có ngắm cảnh và chụp ảnh thì ngày nay, Hội An đã hội đủ một điểm du lịch văn hóa - sinh thái cao cấp. Giá trị có được nhờ một phần lớn từ các dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp nơi đây.

Một câu chuyện khác đang được nhắc đến là Cát Bà ở Hải Phòng. Hòn đảo xinh đẹp này ẩn chứa trong mình nhiều giá trị từ tự nhiên như biển, rừng, văn hóa gắn liền với vịnh Hạ Long... Nhưng chừng ấy dường như vẫn chưa đủ nâng tầm nơi đây thành một điểm đến quốc tế.


Chính vì thế, Cát Bà đang đặt hy vọng lớn vào dự án đô thị sinh thái du lịch Anita Cat Ba đang được triển khai. Sau khi hoàn thành, nơi đây được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trấn du lịch mới cho đảo, biến Cát Bà thành điểm trung chuyển quốc tế nối Hồng Kông - Việt Nam - Singapore - Thái Lan. Được biết, hiện dự án đã mở bán những đợt đầu tiên và khá đắt khách. Trong khi đó, những nhà đầu tư lớn cũng đã có mặt để đón đầu những cơ hội.

Chuyên gia từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ở đây có một mối quan hệ hỗ trợ phát triển rất rõ. Do cần những nhà đầu tư, những dự án để tạo hạ tầng phát triển nhưng ngược lại những dự án BĐS nghỉ dưởng ở đây cũng được hưởng lợi từ lợi thế của các khu du lịch. Và một khi giá trị chung được gia tăng thì người được hưởng lợi cuối cùng chính là khách hàng sở hữu các BĐS.

Bây giờ, những biệt thự triệu USD ở Đà Nẵng, Hội An không hiếm và không khi nào thiếu khách. Người ta sẵn sàng bỏ tiền để được có một BĐS tốt nhưng cũng được hưởng những lợi thế du lịch. Đó chính là cộng hưởng, nhân đôi giá trị đầu tư mà không dễ gì có được.

Hướng lên núi

Trong khi ở biển thành công thì giới đầu tư bắt đầu chuyển hướng lên núi. Những dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn đã được manh nha ở Đà Nẵng, Đà Lạt và Sapa.

Tại Đà Nẵng, không thể không nhắc đến Bà Nà với những dự án BĐS du lịch đã được đưa vào sử dụng, góp phần tạo nên thương hiệu mới cho địa danh này. Ở Đà Lạt cũng đã bùng nổ BĐS du lịch, nghỉ dưỡng mà trọng điểm là ở Hồ Tuyền Lâm với hàng chục dự án lớn nhỏ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thậm chí một thành phố nghỉ dưỡng hàng tỷ USD cũng đã được đề cập đến tại khu vực Suối Vàng -Dankia.

Dù có chậm hơn, nhưng Sapa cũng đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Mới đây, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Cầu Mây - Mecure Sapa đã được phê duyệt đầu tư và sẽ được chính thức khởi động vào cuối tháng này như đánh dấu mở đầu cho xu thế này.

Đây được cho là một dự án có nhiều lợi thế khi nằm trong tổng thể khu du lịch Sapa, cách trung tâm thị trấn Sapa 2.5km nên tận dụng được mọi lợi thế của trung tâm du lịch này. Dự án được quy hoạch khá quy mô và tổng thể với nhiều phân khu riêng biệt nhưng tạo nên sự tổng thể như: biệt thự cao cấp, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, khu phố thương mại (phố núi).

Sapa là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và ngày càng có nhiều lợi thế khi sự cách trở về giao thông được hạn chế bớt. Ngoài tuyến đường sắt đường nâng cấp thì đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng đang được xây dựng, sân bay Lào Cao được quy hoạch phát triển.

Sapa đang thu hút lượng khách ngày càng lớn từ 2.000 khách vào năm 1991 đến 60.000 khách năm 2002 và càng ngày càng tăng. Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, năm 2010, Sa Pa đã đón gần 450.000 lượt khách, trong đó có hơn 70% là du khách nước ngoài.

Tuy nhiên, song hành với sự gia tăng khách du lịch thì Sapa cũng đang đối mặt với thực tế thiếu hụt hệ thống khách sạn, nhất là các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Nơi đây chủ yếu trông chờ vào hệ thống khách sạn tư nhân thấp cấp và nhà nghỉ nhỏ lẻ. Trung tâm Thông tin du lịch Lào Cai cho biết, nơi đây có 126 đơn vị kinh doanh lưu trú với khoảng 1.950 phòng, 3.660 giường. Tuy nhiên, trong đó, hơn một nửa là nhà nghỉ tư nhân loại nhỏ; chỉ có khoảng 50 nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng A, thiếu hẳn những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Có lẽ vì thế mà Sapa vẫn đang chịu cảnh là một điểm ghé thăm ngắn ngày hơn là một địa chỉ nghỉ dưỡng có tiếng.

Chuyên gia từ Hiệp hội Du lịch so sánh, loại hình nghỉ dưỡng, nghỉ mát này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam cách đây khoảng hơn 10 năm, tuy nhiên các resort đều tập trung nhiều ở các vùng ven biển, nhất là các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ. Khu vực miền núi Việt Nam chưa hề có một resort nào được đầu tư xây dựng. Đây là một bất lợi cho phát triển du lịch mà dự án này có thể sẽ mở ra những hướng đi mới cho nhiều khu du lịch vùng núi cao phía Bắc như Sapa, Tam Đảo, Mộc Châu...

Theo các hãng du lịch lớn, biệt thự nghỉ dưỡng trên núi là một lợi thế mà Việt Nam gần như chưa khai thác nhiều. Đây sẽ là một lĩnh vực hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới và nếu khai khác tốt sẽ không thiếu khách. Sự hấp dẫn của phân khúc này ngoài các lợi thế về tự nhiên, văn hóa lịch sử còn được gia tăng hơn khi các dự án như Mecure Sapa đã tìm cách đa dạng hóa sản phẩm, tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý rõ ràng và cung cấp những dịch vụ quản lý, gia tăng giá trị. Bước đi khởi đầu có thể sẽ khó khăn nhưng sẽ mở ra một thị trường tiềm năng mới.

Theo Ngọc Sơn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.