Từng được mệnh danh là “nữ hoàng” trên thị trường bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng đã gây nên một cơn sốt đầu tư cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, khi xu hướng này thoái trào, tàn tích nó để lại lại không mấy dễ chịu.

“Mất bò”…

Đà Nẵng có thể coi là một thí dụ điển hình cho thiên đường BĐS nghỉ dưỡng. Từ chỗ chỉ lơ thơ vài dự án, Đà Nẵng giờ đây thậm chí đã có “đường resort” ven biển với những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế như: InterContinental, Hyatt Regency, Crowne Plaza, Furama Villas…và hàng loạt dự án đình đám khác đang hoặc sắp triển khai.

Không thể phủ nhận những dự án này đã góp phần tăng đẳng cấp cho TP du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những dự án đẹp đẽ mang tầm quốc tế, bãi biển tuyệt đẹp của TP Đà Nẵng đã bị băm nát bởi hàng trăm dự án còn bỏ hoang, xơ xác, chưa triển khai.

Có một thực tế phũ phàng là hầu như những dự án đã khởi công trong giai đoạn từ 2007-2010 hiện vẫn là bãi đất trống hoặc triển khai cầm chừng rồi lại hoang tàn cùng cỏ dại, trong đó có không ít dự án đình đám đang bị TP dự kiến thu hồi.

Đà Nẵng không phải là địa phương duy nhất phải đương đầu với thực trạng dự án đăng ký 10 nhưng số lượng triển khai thực tế chỉ 1-2. Dọc ven biển miền Trung, các địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế… đều đang phải đối mặt với tình trạng bội thực dự án, dự án chiếm đất rồi bỏ hoang, chủ đầu tư mất tích hoặc liên tục trì hoãn khởi công với đủ lý do.

Hàng chục km thuộc vùng bờ biển Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang bị băm nát, “chia phần” bởi các dự án thi công dở dang. Tình trạng tương tự cũng có thể thấy ở bãi biển dọc tuyến Ngũ Hành Sơn - Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam). Còn bãi biển Hàm Tiến-Mũi Né hiện đã có đến hàng trăm resort chen kín đặc, khách du lịch không còn cơ hội để tìm một bãi biển hoang sơ. Cơn sốt BĐS nghỉ dưỡng không chỉ dừng lại ở miền Trung mà còn chạy lan ra phía Bắc, thậm chí kể cả những địa phương không có thế mạnh. Bắc Giang có đến 13 dự án được cấp phép, Thanh Hóa có 36 dự án…

Điều đáng bàn là cho đến nay, số dự án thực tế đi vào hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại hoặc tiếp tục xin hoãn giãn đầu tư, hoặc bỏ hoang cho cỏ mọc. Trong khi đó, số đất thu hồi để giao cho các dự án này lên đến hàng ngàn ha.

Vẫn chưa thấy lo?

BĐS nghỉ dưỡng là một phân khúc quan trọng và cần tập trung phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn thiếu một lượng lớn các cơ sở lưu trú mang tầm cỡ quốc tế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu cứ phát triển như giai đoạn từ năm 2006 đến nay chắc chắn sẽ lâm vào tình cảnh lợi bất cập hại. Có một thực tế không mấy sáng sủa, dù số dự án được cấp phép rất lớn, dự án bỏ hoang cũng rất nhiều, các địa phương cũng tỏ ra rất kiên quyết, nhưng cho đến nay số lượng dự án bị thu hồi lại quá ít.

Đà Nẵng “mạnh miệng” tuyên bố sẽ thu hồi giấy phép các dự án không triển khai nhưng mấy năm qua dù dự án “chết” la liệt vẫn không có một giấy phép nào bị thu hồi. Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) đã nhiều lần cảnh báo và thực hiện rút giấy phép vài dự án BĐS để cảnh cáo các nhà đầu tư nhưng xem ra mọi việc không thay đổi được nhiều. Quảng Nam sau một thời gian mạnh tay thu hồi dự án nay gần như cũng không còn nhắc nhở nhiều đến các dự án nghỉ dưỡng…

Theo nhiều chuyên gia BĐS, sự nhẹ tay của các địa phương xuất phát từ rất nhiều lý do. Việc cấp giấy phép đơn giản, nhưng rút giấy phép lại vướng vào khá nhiều vấn đề phức tạp. Một trong số đó là khả năng địa phương sẽ bị chủ đầu tư kiện như đã có tiền lệ hoặc sẽ phải bồi thường một số tiền lớn nếu dự án đã có đầu tư.

Trong nhiều trường hợp, các địa phương sẽ lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” khi chủ đầu tư đã bỏ một số tiền không nhỏ để đầu tư hạ tầng, nhưng khó khăn kinh tế khiến họ không thể tiếp tục rót vốn đầu tư được nữa. Bên cạnh đó, dù đã phát triển từ hơn 10 năm nay, BĐS nghỉ dưỡng vẫn thiếu một quy hoạch đồng bộ, cụ thể.

Ngoại trừ lĩnh vực sân golf, các loại hình BĐS du lịch khác đều chưa có chính sách đặc thù, giải pháp riêng để phát triển bền vững. Điều này dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, số lượng các khu nghỉ dưỡng tăng nhanh nhưng các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn, các công trình dịch vụ đồng bộ còn thiếu, dẫn đến chất lượng nghỉ dưỡng bị giảm sút, các dự án tập trung cục bộ vào vài địa phương dẫn đến tình trạng dư cung hay ngập tràn dự án bỏ hoang.

Đặc biệt, dù gắn liền với du lịch nhưng dường như giữa 2 lĩnh vực lại không có một sự kết nối nào, BĐS nghỉ dưỡng dường như nằm ngoài các chương trình định hướng, phát triển du lịch trong khi cả 2 đáng ra cần phải có sự kết nối chặt chẽ.

Coco Beach Resort Mũi Né, phường Hàm Tiến, Phan Thiết, Việt Nam.

Rõ ràng, BĐS nghỉ dưỡng đã đi một quãng đường khá dài từ điểm khởi đầu. Tuy nhiên, nếu Nhà nước tiếp tục thả nổi, không có một chính sách thực sự căn cơ, chuẩn tắc, không có một quy hoạch cụ thể cùng những chính sách quản lý đầu tư, quản lý xây dựng một cách nghiêm túc, chắc chắn hậu quả của sự phát triển tự phát này sẽ ngày càng tệ hại. Thậm chí, bây giờ cũng đã có thể coi là khá muộn màng.

Khôi Nguyên (Sài Gòn Đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.