Dù thị trường còn ảm đạm nhưng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Hòa Bình đã bắt đầu bán và khá đắt khách, thường là hết ngay trong đợt chào hàng đầu tiên.

Là một trong hai đô thị và trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, cùng với TP.HCM, Hà Nội có nhu cầu lớn về bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng ở gần nội đô thành phố. Sự phát triển nhanh chóng của loại hình BĐS nghĩ dưỡng đã nhanh chóng biến các khu vực nghỉ dưỡng nổi tiếng và gần với trung tâm như: Sóc Sơn, Đại Lải và nhất là Sơn Tây rồi cả Ba Vì đã nhanh chóng chật chội.

Vì thế, các nhà đầu tư đã buộc phải tính đến việc mở rộng vùng phát triển và Hòa Bình đang có vẻ là hướng được ưa thích khi có nhiều chủ đầu tư đang tràn lên vùng rừng núi sát thủ đô này.

Chuyện ở Lương Sơn

Lương Sơn là một huyện của Hòa Bình, giáp với Hà Nội mở rộng và nằm bám theo quốc lộ 6 đã cải tạo nên không còn cảm giác một đất vùng núi xa xôi như trước. Thế nhưng, từ hơn chục năm về trước, một "làn sóng ngầm" về BĐS đã xuất hiện ở đây dù thời đó người ta chưa thể gọi nó là bất động sản nghỉ dưỡng.

Đầu tiên phải nói đến sự xuất hiện cá biệt của những văn nghệ sỹ, người Hà Nội có điều kiện nhu cầu tìm một điểm xây dựng nghỉ ngơi về già dã lên đây chọn mua những mảnh đất đẹp để xây nhà ở.

Thời đó, "những căn nhà ở Lương Sơn" được nói đến như một thú lạ, một cách chơi hơi khó hiểu của một vài người. Lương Sơn đối với đa số dân đô thị vẫn là một vùng núi xa, một điểm dừng chân trên quốc lộ 6 nhỏ hẹp và xuống cấp để mua sản vật núi rừng khi đi công tác Tây Bắc hay đi thăm Thủy điện Hòa Bình.

BĐS nghỉ dưỡng 'dàn quân' lên Hòa Bình
Sân gofl có thể nói là đẹp nhất miền Bắc đang nằm ở Lương Sơn (Hòa Bình)

Nhưng rồi Lương Sơn đột ngột trở thành điểm nóng trong làn sóng tìm mua, buôn bán và lập trang trại ở của dân Hà Nội. Cách đây chừng 7-8 năm - khi Hòa Lạc là tâm điểm của làn sóng tìm đất lập trang trại nhưng không phải ai cũng dễ chen chân - thì Lương Sơn đã được nhiều dân buôn tự do chọn làm điểm đến.

Lùng mua, rao bán và cả nhưng trang trại rầm rộ được tạo dựng... đã biến Lương Sơn là một điểm nóng về BĐS có hơi hướng nghỉ dưỡng, trang trại hay biệt thự ngoại thành của dân giàu Hà Nội.

Đỉnh điểm của thời đó ngoài những trang trại đẹp có đồi dựng nhà, rừng cây, chân ruộng được đầu tư tiền tỷ, những khu đất dựa núi, bám suối, hướng ra đường được rao bán với giá cao thì người ta còn nhắc đến những "đại gia" với dự án trang trại, sản xuất nông nghiệp sạch có diện tích cả trăm ha như của SanNam... mà tương lai dù có muốn không phải ai có tiền cũng mua được. Và cho đến tận bây giờ, dù không còn là điểm nóng, không dễ kiếm những lô lớn nhưng đất trang trại và biệt thự ở Lương Sơn vẫn là một thị trường âm thầm hoạt động. Đó như một mạch riêng không bị ảnh hưởng nhiều trong những thăng trầm của BĐS ở Hà Nội.

Khi cơn sốt trang trại ở đây tạm lắng, thì người ta chợt bất ngờ khi có những chủ đầu tư lớn cả trong và ngoài nước lên đây làm dự án BĐS du lịch và BĐS nghỉ dưỡng. Trong số này, không thể không nhắc đến sân Phoenix Golf Resort của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Cho đến nay, đây vẫn là sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp lớn nhất ở miền Bắc. Khi sân golf này được ra mắt ở xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình người ta mơi giật mình khi vùng đất núi đồi và thung lũng này đẹp ví như "vịnh Hạ Long trên đất" mà chỉ cách Hà Nội có khoảng 50 km.

Ngay sau đó là sự âm thâm xuất hiện là các dự án BĐS nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư Việt Nam. Lớn nhất trong số đó là Lâm Sơn resort cũng ở xã Lâm Sơn. Dự án rộng 66ha được đầu tư 12 triệu USD này đang được kỳ vọng là khu resort lớn của loại hình nghỉ dưỡng này ở miền Bắc.

Bên cạnh đó, chỉ liên quan đến hai huyện gần Hà Nội là Kỳ Sơn và Lương Sơn, UBND tỉnh Hoà Bình đã liệt kê được một số dự án như: Khu du lịch làng văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình (Lâm Sơn - Cẩm Tú) đất rộng 140ha; Dự án Melody Villas rộng 36 ha với mức đầu tư 579; The First villas; Sunset villas and resorts; Field villas; Dự án Viên Nam...

BĐS nghỉ dưỡng 'dàn quân' lên Hòa Bình
Các villas tại đây cũng dang hút khách.

Điểm chung của các dự án là xây dựng các khu nghĩ dưỡng thân thiện với môi trường, dự án thường được phát triển theo một chuỗi các biệt thự với hạ tầng, dịch vụ hoàn chỉnh, ngoài ra chủ đầu tư còn cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị như ủy thác đầu tư cho khách hàng. Đền thời điểm này, dù thị trường còn ảm đạm nhưng các dự án đều triển khai khá đều. Nhiều dự án bắt đầu chào hàng và khá đắt khách khi thường bán hết ngay trong đợt chào hàng đầu tiên. Điều này càng khiến các chủ đầu tư tự tin vào khả năng thu lợi của dự án.

Hướng mới

Từ những làn sóng tự do ban đầu, đến những dự án thăm dò thành công nhanh chóng của các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã khẳng định một hướng phát triển mới cho cả các DN và tỉnh Hòa Bình. Đối với các DN, sau khi đã cạn quỹ đất ở các vùng ven Hà Nội họ đã tìm thấy một vùng phát triển mới có nhiều tiềm năng. Còn Hòa Bình cũng như chợt nhận ra một thế mạnh mới để phát triển mà trước ít được đề cập đến.

Trong định hướng phát triển của Hòa Bình đã coi trọng du lịch là một hướng mở đầy tiền năng. Trong đó, với lợi thế vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hoá, môi trường sinh thái... Hòa Bình đã hướng đến việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch chất lượng cao. Phát triển du lịch phải gắn để tăng trưởng kinh tế và hát triển bền vững, trong đó coi trọng dịch vụ du lịch sinh thái, văn hoá, tâm linh...

Ngoài tuyến du lịch trọng điểm đang được đầu tư thành khu du lịch trọng điểm quốc gia thì nơi đây còn có nhiều giá trị văn hóa, tự nhiên khác trở thành một lợi thế cho kêu gọi các nhà đầu tư du lịch như các cảnh quan tự nhiên và nhân tạo đẹp và hùng vĩ như hồ thủy điện Hòa Bình, các khu vực núi non hang động, sông suối nước nóng... Ngoài ra còn có các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa, các di tích lịch sử và lễ hội khá phòng phú...

Trước đến nay, nói đến Hòa Bình luôn mang lại một cảm giác xa xôi và du lịch Hòa Bình đơn điệu với hồ thủy điện, bản Mai Châu hay nước khoáng nóng Kim Bôi... Tuy nhiên, với sự xuất hiện của BĐS du lịch thì tiềm năng của Hòa Bình đã được mở rộng và tỉnh này trở nên hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, theo giới đầu tư, sau khi mở rộng Hà Nội và vùng phụ cận mới ngày càng phát triển, Hòa Bình trở thành một điểm đáng chú ý trong tiểu vùng du lịch trung tâm bao gồm Thủ đô và 14 tỉnh thành phố - và là một trong những vùng trung tâm du lịch quan trọng nhất của cả nước.

Trong khi đó, sự phát triển của hạ tầng giao thông đã kéo gần Hòa Bình với các đô thị phía dưới. Từ Hà Nội, theo quốc lộ 6 đang được cải tạo chỉ hơn 70 km mất hơn 1 tiếng đồng hồ là đến được thị xã, trung tâm du lịch long hồ thủy điện.

Tuy nhiên, nếu đến các vùng phát triển BĐS nghỉ dưỡng đang sôi động hiện nay thì chỉ khoảng 50 cây. Dường như ra khỏi địa giới Hà Nội đã đến một vùng nghỉ dưỡng mới. Trong khi Ba Vì đang dần chật chội và đắt đỏ hơn thì Hòa Bình càng có điều kiện nổi liên khi hạ tầng giao thông, xã hội càng đươc nâng cấp.

Bên cạnh đó, khi phía tây Hà Nội được đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt khiến việc lưu thông với trung tâm ngày càng thuận tiện hơn, nhờ đó Hòa Bình cũng gần hơn và các tiềm năng BĐS du lịch càng có điều kiện phát lộ.

Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 20,3km đã rút ngắn và tạo thuận tiện lớn cho lưu thông với Hòa Bình. Sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình sẽ là huyết mạch quan trọng nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, giảm tải cho Quốc lộ 6.

Hơn thế, sự phát triển của tuyến đường sẽ kéo theo sự hình thành và phát triển của các khu công nghiệp và đô thị sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nơi đây, từ đó, tạo ra nhu cầu thúc đẩy sự phát triển của bất động sản du lịch như một dịch vụ cần thiết của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế.

Vì thế, sau thời kỳ phát triển của trang trại cá nhân, những dự án thử nghiệm đơn lẻ sẽ một làn sóng BĐS nghỉ dưỡng tràn lên Hòa Bình nơi cơ hội lựa chọn còn nhiều.

Theo Minh Sơn (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0