Lãi suất (LS) cho vay DN đang giảm mạnh vì tình trạng thừa vốn tạm thời buộc các NH phải chuyển hướng kinh doanh vì lợi nhuận sang giữ khách hàng để chờ thời qua cơn bĩ cực... bởi nếu không thể cho vay mà phải gửi nguồn vốn dư thừa ở NHNN thì thiệt hại còn lớn hơn nữa.

Đây cũng là lý do vì sao gần đây trái phiếu KBNN hay tín phiếu của NHNN đều bị mua hết dù giá cả rất rẻ so với chi phí huy động vốn bình quân của NH. Một nền kinh tế với diễn biến LS như vậy với một hệ thống NHTM chấp nhận thực trạng đầu tư tài chính của DN thì vẫn đang chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn lớn chực chờ bùng phát.

Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng vừa được công khai lấy ý kiến đặt ra mục tiêu kéo LS cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm.

Không đợi đến 2020, ngay trong quý II/2016 này nhiều NH đã hạ một số LS cho vay vốn lưu động ngắn hạn VND thậm chí dưới 5%, ban đầu thì được áp dụng với khách hàng lớn và tốt, nhưng đến nay ngay những khách hàng có VĐL dưới 70-80 tỉ cũng đang được áp dụng mức lãi suất này. Mức lãi suất cho vay từ 6-7% đã và đang được áp dụng cho không ít các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cả ở đô thị và vùng nông thôn.

Thông tin về LS cho vay phát ra hàng tuần của NHNN đã không cập nhật khi cơ quan này nói chỉ có nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch được hưởng LS cho vay ngắn hạn từ 5-6%/năm. Trên thực tế nhiều NH đã chào mời khách mức từ 4,3-4,5%/năm. “Ông lớn” Vietinbank là NHTM Nhà nước đầu tiên đang giảm mạnh giá vốn cho vay với các mức thấp hơn các “ông lớn” khác từ 0,2-05%/năm.

Tác động dây chuyền của việc giảm LS cho vay hiện đã lan ra khối bốn NHTM Nhà nước, các NH nước ngoài và cả những NHTMCP thuộc top trên. Như vậy nếu kể cả nhóm DN làm hàng xuất khẩu được vay ngoại tệ lãi suất thấp làm vốn lưu động... thì trên thị trường đã có không ít các DN đang được vay vốn giá rẻ.

Ban đầu sự ưu đãi này chỉ mang tính cá biệt thì đến nay đã và đang trở thành hiện tượng phổ biến. Nếu NH nào không tham gia cuộc đua “hạ lãi suất” họ sẽ mất khách hàng. Chính vì vậy mà mới đây “một ông lớn” trong ngành NH đã phải tổ chức hội nghị toàn ngành về tín dụng vào ngày nghỉ cuối tuần để tìm giải pháp tăng trưởng tín dụng, bởi chỉ trong gần hai tháng, việc chậm trễ hạ LS cho vay khiến họ mất đi hàng chục nghìn tỉ đồng dư nợ.

Để có mức LS cho vay 5% thì LS huy động bình quân phải từ 4%/năm trở lại và tỉ lệ lạm phát danh nghĩa phải từ 3,5% trở xuống. Điều này chỉ xảy ra khi nền kinh tế có mức tăng trưởng ổn định. Chỉ có các nền kinh tế đã phát triển mới có mức LS cho vay bình quân 5%, còn các nước đang phát triển, hoặc chậm phát triển thì khó có mức LS cho vay này.

Có hiện tượng DN “sống trên lưng NH”

Hiện nay, mặt bằng LS huy động VND ở mức 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,6%/năm. Với mức này, DN chỉ cần vay với LS 4,3%/năm ở NH này rồi đi gửi NH khác, hoặc vay ở chi nhánh này và gửi ở chi nhánh khác trong cùng hệ thống (đầu tư tài chính không SX-KD) đã có lãi.

Tình trạng này đã được một NH lớn cảnh báo và ngưng cho vay để tránh tình trạng “cốc mò cò xơi” do NH chuyển lãi của mình sang thành lãi cho DN, thế nhưng DN lại thực hiện bằng cách gửi toàn bộ vốn tự có bằng tiền vào NH, còn toàn bộ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thì đi vay NH mà tài sản thế chấp chính là sổ tiết kiệm.

Các DN được phép vay vốn lưu động bằng ngoại tệ là những DN có ưu thế nhất trong đầu tư tài chính hiện nay. Điều này khiến cho một lượng tín dụng không phải là nhỏ chỉ loanh quanh chuyển tiền từ NH thừa nhiều vốn sang NH thiếu vốn mà không thực chất bổ sung thật sự cho sản xuất kinh doanh, không đi vào nền kinh tế thực.

Vậy trong bối cảnh hiện nay, diễn biến LS như vậy là một điều bất bình thường, không bền vững, chứng tỏ sự ế vốn đồng nghĩa với khả năng phục hồi sản xuất vẫn đang còn rất yếu. Sự luân chuyển vốn (mang tính chất đầu tư tài chính) giữa các NH thông qua trung gian là DN chỉ làm tăng thêm hệ số tạo tiền, gây khó cho việc thực thi chính sách tiền tệ của quốc gia.

Lãi suất giảm không đúng đối tượng

LS cho vay ngắn hạn các DN đang xuống thấp nhưng LS cho vay tiêu dùng vẫn giảm rất chậm và vẫn đứng ở mức cao (ít nhất gấp 3 lần LS cho vay DN).

LS cho vay tiêu dùng khó giảm vì đây là lĩnh vực mà NH có nguồn thu lớn để bù đắp cho lĩnh vực cho vay với LS thấp. Trong khi đó muốn kinh tế phát triển thì phải kích thích được tiêu dùng tăng lên. Nghịch lý LS cho vay như đã nêu trên chứng tỏ rằng khả năng hấp thụ thực về vốn của nền kinh tế vẫn đang rất yếu.

LS cho vay DN giảm mạnh vì tình trạng thừa vốn tạm thời buộc các NH phải chuyển hướng kinh doanh vì lợi nhuận sang giữ khách hàng để chờ thời qua cơn bĩ cực, thà lời ít hay lỗ ít còn hơn là lỗ nhiều... bởi nếu không thể cho vay mà phải gửi nguồn vốn dư thừa ở NHNN thì thiệt hại còn lớn hơn nữa.

Đây cũng là lý do vì sao gần đây trái phiếu KBNN hay tín phiếu của NHNN đều bị mua hết dù giá cả rất rẻ so với chi phí huy động vốn bình quân của NH. Một nền kinh tế với diễn biến LS như hiện nay với một hệ thống NHTM chấp nhận thực trạng đầu tư tài chính của DN thì vẫn đang chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn lớn chực chờ bùng phát nếu không được chỉnh sửa kịp thời. Lợi nhuận của không ít NH sẽ bị giảm mạnh và vì thế khó có thể có đủ nguồn để bù đắp chi phí xử lý nợ xấu hiện đang là cục máu đông cần loại bỏ gấp.

Lan Hương - Tuấn Thành(Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.