Không đất sản xuất, không việc làm mới, nhiều hộ dân nhường đất cho Dự án Formosa chỉ biết tiêu dần số tiền đền bù. Trong lúc đó, tình trạng ô nhiễm khói bụi, cơ sở hạ tầng xuống cấp đe dọa cuộc sống người dân vùng dự án.

Người dân bức xúc tố cáo nhiều vấn đề liên quan khu tái định cư

Không điện, nước, đất sản xuất

Để có được mặt bằng hơn 3.000 ha cho dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu của Tập đoàn Formosa, Hà Tĩnh đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo việc làm cho người dân bị giải tỏa.

Hà Tĩnh đã di dời hơn 2.000 hộ dân, 58 nhà thờ và hơn 15.000 ngôi mộ về các khu tái định cư. Các khu tái định cư được đầu tư khá quy mô, đồng bộ cho cả người sống, người chết và tâm linh, tín ngưỡng. Tuy nhiên, một thực tế khiến các nhà chức trách Hà Tĩnh đau đầu là công tác tạo việc làm mới cho người dân ở vùng tái định cư.

Đã có người giàu lên trông thấy nhờ bắt nhịp nhanh với cuộc sống mới, mở mang kinh doanh, dịch vụ, con em được nhận vào các cơ sở sản xuất... Nhưng cũng không ít người vì quỹ đất chật hẹp mà không có đất sản xuất, không còn ngư trường để đánh bắt hải sản... Không nghề, không nghiệp, họ đành bó gối nhìn ngày tháng trôi qua.

Chúng tôi về thôn Phúc Lập, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh - nơi người dân bị giải tỏa để dành đất cho hồ chứa nước Rào Trổ, phục vụ cấp nước cho Dự án Formosa. Nhìn từ xa, một khu tái định cư mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng, điện, đường...

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với người dân thì mới biết họ đang sống cơ cực, không lối thoát. Anh Nguyễn Văn Lý, cư dân thuộc diện giải tỏa, nhiệt tình dẫn chúng tôi vào làng mới. Anh Lý nói: “Các anh coi, được đền bù chỉ 22.100 đồng cho một mét vuông đất ruộng, 16.700 đồng cho một mét vuông đất trồng cây lâu năm, thử hỏi có đủ một bát phở ở thành phố không các anh?”.

Theo anh Lý, ngoài chuyện giá đất đền bù rẻ mạt, người dân còn bức xúc chuyện đền bù không công bằng, đặc biệt là chất lượng cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.

“Nhìn thì thấy quy mô đó, nhưng đường sá, cầu cống, điện đóm đều là đồ chất lượng kém, chưa kịp sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp. Các anh biết vì sao không, cha mời thầu, còn con thì trúng thầu đó”, anh Lý nói.

Theo anh Lý, một nguy cơ chết người đang đe dọa người dân là chính quyền đã bố trí khu tái định cư quá gần chân đập, cách chừng 300m.

Trong lúc đó, cống xả xuyên qua giữa làng, đập tràn thì ở cuối làng. “Quả bom nước này mà trở chứng thì cả làng coi như toi”, anh nói. Bên cạnh đó, ngay sau hồi nhà của người dân là một con khe đang bị sạt lở sâu hơn chục mét.

Đi sâu vào trong làng, nghe có nhà báo đến, người dân tập trung lại rất đông, tranh nhau “tố” các cơ quan chức năng. “Chú coi, cột điện họ dựng lên rứa chứ có điện, có nước chi mô, dân chúng tôi về đây cả năm trời rồi, toàn chịu cảnh đèn dầu leo lét như thời chiến tranh”, bà Nguyễn Thị Luật nói.

Bà Nguyễn Thị Tuyết thì nằng nặc đòi về lại nhà cũ: “Ở đây chỉ có nước bốc đất mà ăn. Đất đai thì họ lấy hết, tiền đền bù không đủ hoàn thiện ngôi nhà, nghề nghiệp thì không có. Nghe nói có khoản chi đó hỗ trợ ban đầu họ cũng cắt mất. Họ nói muốn có đất sản xuất thì phải bỏ tiền đền bù cho người khác mà lấy đất, tiền mô mà bỏ ra đền bù đây”.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, ông Vũ Trung Tiến, cho biết, để xây dựng đập Rào Trổ, 51 hộ dân thôn Phúc Lập phải di dời về khu tái định cư mới. Đập Rào Trổ có chức năng tích nước, một dạng như kho chứa nước để phục vụ Dự án Formosa và Khu kinh tế Vũng Áng.

“Giá đất rẻ thì có rẻ thật nhưng phải theo quy định của Nhà nước, có muốn cũng không thể đền bù hơn được. Việc tạo đất cho dân, tỉnh đã có chủ trương cắt hơn 60 ha thuộc rừng phòng hộ để chia cho dân rồi, nhưng không thấy có ai đến đăng ký. Về nguyên tắc, Nhà nước đã đền bù cây cối hoa màu trên đất cho dân di dời, thì nay dân cũng phải tự bỏ tiền ra mà đền bù tài sản trên đất cho chủ rừng thôi. Về chất lượng cơ sở hạ tầng, cái này do huyện làm chủ đầu tư. Vừa rồi, dân có phản ánh, huyện đã chỉ đạo khắc phục rồi. Việc chậm có điện là do trục trặc chi đó. Còn việc dân lo ở dưới chân đập không an toàn, thì cái này đã có các nhà chuyên môn nghiên cứu rồi. Có an toàn họ mới đưa dân vào đó”, ông Tiến nói.

Ô nhiễm môi trường

Với hàng nghìn lượt xe tải chở vật liệu vào ra Dự án Formosa mỗi ngày, đường sá gần như bị phá nát, khói bụi đen đặc thường xuyên bao phủ cả một vùng rộng lớn. Người dân sống dọc các tuyến đường nếu không có việc thì gần như đóng kín cửa cả ngày để tránh bụi. Cánh lái xe đường dài, khi nhắc đến địa phận Kỳ Anh ai cũng nổi da gà, vì không bị ách tắc thì cũng bò từng mét vì mặt đường toàn ổ gà.

Cả huyện Kỳ Anh chìm trong khói bụi
Một người dân Kỳ Anh tâm sự: “Nói thật, cực chẳng đã mới ra khỏi nhà, chứ cứ ra đến đường là bụi mù trời, xe cộ thì ách tắc phun khói đen kịt thở không nổi. Cây cối thì xác xơ, bạc trắng vì bụi. Bát cơm ăn hằng ngày cũng chan đầy bụi. Tình trạng này mà cứ kéo dài chắc là sống không nổi”.

Một lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh đã nghỉ hưu than thở, Kỳ Anh nay như một đại công trường, ngày ngày, hàng nghìn xe tải hạng nặng chở đất, đá vào ra Khu kinh tế Vũng Áng khiến cho đường sá ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Quốc lộ 1A đoạn qua Kỳ Anh trồi sụt, lồi lõm là điểm nóng về tai nạn giao thông cả nước. Từ thị trấn Kỳ Anh vào tận chân Đèo Ngang, khói, bụi mù trời. Thậm chí, đêm ngủ giật mình thon thót vì tiếng mìn nổ đinh tai, nhức óc. Núi đồi bị san phẳng vì nạn khai thác đá. “Có lẽ khi dự án này đi vào hoạt động, cũng là lúc cơ sở hạ tầng của Kỳ Anh xuống cấp nặng. Giàu sang đâu chưa thấy nhưng người dân nơi đây khổ cực muôn phần”, vị cựu lãnh đạo nói.

Một cán bộ Mặt trận Tổ quốc huyện Kỳ Anh cho rằng, tình hình ở Kỳ Anh giờ “căng như dây đàn”, do đền bù giải phóng mặt bằng, cuộc sống cực khổ nơi vùng đất mới, nạn ô nhiễm môi trường khiến người dân bất bình. “Hôm 29/3, người dân mấy làng xung quanh Dự án Formosa đã tụ tập hàng nghìn người để ngăn không cho lực lượng cưỡng chế của huyện vào dỡ nhà dân. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, ông Nguyễn Văn Bổng, còn bị người dân quây lại đánh, sau đó phải nhập viện”, vị cán bộ cho biết.

Cả huyện Kỳ Anh chìm trong khói bụi

Trao đổi về những vấn nạn trên với Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư huyện Kỳ Anh, Dương Thanh Hòa nói, ông không nắm rõ lắm vì mới nhậm chức được 4 tháng.

Nhóm PV (Báo Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.