Đã gần cuối quý II, mặc dù có sự hỗ trợ từ hàng loạt chính sách, quan trọng hơn cả là việc hạ lãi suất từ hệ thống ngân hàng, gói tín dụng 30.000 tỷ ưu đãi lãi suất sẽ chính thức được giải ngân từ 1/6/2013, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) đến thời điểm này vẫn “nguội lạnh”. Chỉ riêng phân khúc nhà bình dân với diện tích vừa phải còn được một số giao dịch, ngoài ra các phân khúc khác càng lúc giá càng giảm, tính thanh khoản càng kém, hầu như không có giao dịch.

Hạ lãi suất không kích được cầu bất động sản

Khi thị trường BĐS rơi vào trạng thái “ngủ đông”, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã bàn đến việc lãi suất cao là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc thị trường thanh khoản kém. Tuy nhiên, hiện tại lãi suất ngân hàng đã giảm sâu nhưng dường như không có nhiều tác động đến BĐS

Hiện hàng loạt dự án liên tục chào bán. Có thể kể tới rất nhiều dự án đáng chú ý như: chung cư Phúc Thịnh (nằm trên mặt đường 32, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư đang mở bán với mức giá khoảng 13- 14 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), diện tích căn hộ đa dạng, từ 54m2 tới 95m2, có từ 2- 3 phòng ngủ, 2- 3 nhà vệ sinh; khu vực Gia Lâm có chung cư CT6 Đặng Xá do Viglacera làm chủ đầu tư đang được chào bán với giá khoảng 13,4 triệu đồng/m2. Các căn hộ có diện tích từ 46,9m2 đến 69,6m2.

Dự án dự kiến sẽ bàn giao cho khách hàng vào năm 2014; chung cư Xuân Phương Viglacera nằm trong khu đô thị mới Xuân Phương, trên mặt QL70 và gần đại lộ Thăng Long cũng đang được chào bán với mức giá từ 12,9 - 14,9 triệu đồng/m2. Diện tích các căn hộ từ 57-75m2… Các dự án này đều đang được triển khai đảm bảo tiến độ, thậm chí những dự án như Phúc Thịnh Tower của Hải Phát còn chuẩn bị bước vào giai đoạn hoàn thiện. Tuy mức giá là hợp lý, chính sách bán hàng của chủ đầu tư cũng rất linh hoạt nhưng thị trường vẫn không hấp thụ được nhiều.

Thị trường bất động sản đang trông chờ những hiệu ứng tích cực từ gói 30.000 tỷ đồng.

Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Maxland cho rằng, hiện nay tình hình quá xấu nên dù lãi suất giảm vẫn chưa thể tác động nhiều đến thị trường BĐS. Ông Diễn phân tích, lãi suất về 6% là mốc lý tưởng nhưng cần áp dụng lâu dài mới có tác dụng tích cực đối với thị trường. Theo ông Diễn, vấn đề nan giải của BĐS thời điểm này không phải lãi suất. Điều hóc búa nhất là khả năng hấp thụ sản phẩm của thị trường còn kém do giá chưa chạm đến khả năng chi trả của người dân. "Thanh khoản thấp thì dù lãi suất có kéo xuống thấp hơn nữa cũng khó có tác động vì hàng tồn còn đó, nợ xấu vẫn chất chồng", ông Diễn nhận xét.

Kỳ vọng ở gói 30.000 tỷ đồng

Thời hạn gói 30.000 tỷ chính thức được giải ngân chỉ còn tính bằng ngày. Tuy nhiên, những kỳ vọng về gói hỗ trợ này đã được bàn tán từ rất lâu. Người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp thì hy vọng với gói hỗ trợ này sẽ giúp sức để giải bài toán an cư. Doanh nghiệp hy vọng gói hỗ trợ này sẽ giúp thị trường tăng thanh khoản, phá băng cho thị trường. Tuy nhiên, tác dụng của gói 30.000 tỷ đến đâu thì vẫn phải chờ bởi không phải ai cũng được vay từ gói hỗ trợ này và sản phẩm đáp ứng các tiêu chí như nhà thương mại diện tích dưới 70m2, có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thì rất ít, còn nhà ở xã hội thì hầu hết giờ mới khởi công, còn rất lâu nữa mới có sản phẩm ra lò. Nhiều chuyên gia nhận định, kể cả thời điểm 1/6, gói 30.000 tỷ chính thức được giải ngân, thì năm 2013, thị trường vẫn chưa sáng sủa hơn là mấy.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC băn khoăn, số tiền 30.000 tỷ đồng có thực sự đến tay người nghèo hay không là một câu hỏi lớn. Ông Quyết cho rằng, kể cả 30.000 tỷ này đến đúng tay người nghèo và mức lãi suất này ổn định trên 10 năm thì thị trường cũng chưa tốt lên được vì số tiền này quá nhỏ so với quy mô của thị trường. Lãnh đạo doanh nghiệp này lo ngại tâm lý thị trường còn khá nặng nề, những người có tiền đang do dự, hoài nghi giá nhà chưa xuống đến đáy hoặc chê lãi suất bấp bênh.

Ông Quyết cho rằng thực tế thu nhập của người dân chưa có dấu hiệu khả quan, chi phí kinh doanh lại tăng trong khi sự đi xuống của cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn dần. Tất cả tạo nên những hạn chế đáng kể khiến thị trường vẫn bế tắc, chưa thể tìm thấy đầu ra trong thời gian ngắn tới đây.

Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn Maxland cho rằng, với 30.000 tỷ thì không đủ để có thể giải cứu được cả thị trường với quy mô đồ sộ hiện nay. Gói giải cứu này trước mắt chỉ có thể tác động kích thích tâm lý người mua nhà tin tưởng hơn vào sự điều hành kinh tế của Chính phủ. Đồng thời củng cố niềm tin của khách hàng vào thị trường, đây chính là điểm yếu mà chúng ta đang kêu gọi. Ông Diễn hy vọng rằng, gói 30.000 tỷ này dù rót vào phân khúc nào cũng kích thích được tâm lý người dân và tạo ra hiệu ứng thu hút được lượng tiền trong dân, tăng tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, để có tác động tích cực nhìn thấy thì vẫn phải chờ.

Cả nước cần 700.000 căn nhà ở xã hội

Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng, hiện nay và đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu có chỗ ở ổn định. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Tương tự như vậy, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015). Trong đó, một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn, cụ thể như sau: Hà Nội 111.200 căn; TP Hồ Chí Minh: 134.000 căn; Đà Nẵng: 16.000 căn; Đồng Nai: 95.000 căn; Bình Dương: 104.000 căn… Riêng tổng hợp số nhu cầu của 25 bộ, ngành có nhu cầu nhà ở xã hội tại khu vực Hà Nội đã khoảng 30.000 căn.

P.H.

Phan Hoạt (Công an nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.