Kinh tế chưa hết khó khăn, thị trường vẫn tiếp tục ảm đạm và thua lỗ triền miên được cho là nguyên nhân khiến các cổ đông lớn, doanh nghiệp, quỹ đầu tư theo nhau rút khỏi ngành địa ốc.

Hôm 2/11, cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Bất Động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) - Spinnaker GEMF Ltd - đã bán hết 3,15 triệu cổ phiếu NVT, tương đương 5,21%. Sau khi đẩy đi lượng chứng khoán này, Spinnaker GEMF Ltd không còn là cổ đông lớn của NVT và cũng không còn nắm giữ cổ phiếu này.

Cuối tháng 10, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thoái vốn khỏi dự án tỷ đô - Park City. Theo đó, Vinaconex đã chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển Đô thị Vinaconex Hoàng Thành (Vinaconex Hoàng Thành), chủ đầu tư dự án Park City tại quận Hà Đông (Hà Nội). Việc đổi chủ sở hữu này bắt đầu từ ngày 16/10, Vinaconex không tiết lộ đơn vị mua lại.

Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng kéo dài và thua lỗ triền miên trong năm 2012 kéo theo không ít vụ thoái vốn đình đám. Ảnh: Vũ Lê

Trong khi đó, Công ty địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR) là tâm điểm của nhiều vụ thoái vốn trong năm nay. Đầu tháng 11, Chủ tịch HĐQT Sacomreal, Đặng Hồng Anh đã bán 21,45 triệu cổ phiếu, giảm lượng nắm giữ xuống còn 14,16 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 9,9% vốn điều lệ. Hôm 19/9, Công ty cổ phần Đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát cũng bán hơn 839.000 cổ phiếu SCR.

Trước đó không lâu, ngày 15/6, một cổ đông lớn của Sacomreal đã đẩy đi hơn 7 triệu cổ phiếu. Đồng thời, ngày 9/5, bà Đặng Huỳnh Ức My (em ông Hồng Anh) cũng đã bán xong 500.000 chứng khoán và thoái hết vốn khỏi công ty địa ốc này.

Làn sóng thoái vốn bất động sản còn lan sang quỹ đầu tư. Tại cuộc họp báo hôm 18/10, Tổng giám đốc VinaCapital, Don Lâm cho biết, trong vòng 3 năm tới quỹ phát triển bất động sản Vinaland Limited sẽ không đầu tư mới. Thay vào đó, quỹ này chỉ tập trung thoái vốn và hoàn vốn cho cổ đông. Ngoài ra, quỹ bất động sản của tập đoàn này cũng tiến hành cắt giảm mạnh chi phí.

Theo ông Lâm, tính đến tháng 10/2012, Vinaland Limited đã thoái vốn hoàn toàn khỏi 10 dự án và có 1 dự án thoái vốn một phần trên tổng số 36 dự án trong danh mục đầu tư. Hiện Vinaland Limited nợ 14% theo dự án và 0% theo quỹ, lợi nhuận 17,5% so với năm 2006.

Nhà đầu tư thứ cấp là Công ty Đại Tín Á Châu và An Bình Land đã thoái vốn khỏi dự án Hoàng Anh River View bằng cách bán tháo, đưa giá căn hộ này xuống còn 18,1 triệu đồng mỗi m2, giảm 30% so với năm 2009. Ảnh: Vũ Lê.

Ông lớn thuộc các tập đoàn Dầu khí, Điện lực cũng tìm cách "chia tay" ngành địa ốc. Theo ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - PVC (thuộc Tập đoàn Dầu khí VN - PVN), PVN đã họp, tái cơ cấu và thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp bất động sản. Hiện tổng vốn đầu tư vào bất động sản của PVC khoảng 2.000 tỷ đồng. Vì PVN nắm 30% vốn tại PVC nên thực chất PVN tham gia các dự án bất động sản khoảng 600 tỷ đồng.

Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo yêu cầu của Thủ tướng, đến năm 2015 phải dứt điểm thoái 1.100 tỷ đồng vốn ngoài ngành (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm). Trong đó, vốn ở Công ty bất động sản Sài Gòn khoảng 100 tỷ đồng sẽ được EVN rút về bằng hình thức bán toàn bộ đất đai, tài sản đang sở hữu để trả lại tiền cho cổ đông.

Bà Phạm Thị Phương Liên, Giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Bình phân tích: "Lợi nhuận bất động sản giảm do khủng hoảng kéo dài cộng thêm chi phí vốn cao, rủi ro lớn đã khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp và đơn vị trong nước thoái vốn khỏi ngành này. Đây là phản ứng tích cực để tồn tại".

Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa nhận định, năm 2012 và 2013 là giai đoạn tái cơ cấu nên làn sóng thoái vốn bất động sản diễn ra mạnh mẽ là điều bình thường. Đây cũng là cuộc sàng lọc hữu ích cho thị trường bất động sản vì sau những đợt tháo chạy này địa ốc sẽ có diện mạo mới. "Trong khi địa ốc đóng băng thì một số ngành sản xuất vẫn còn đất sống và vì thế, thoái vốn để tìm cơ hội mới là giải pháp khôn ngoan", ông Nghĩa nhận xét.

Nhiều chuyên gia cho rằng thanh khoản èo uột và tình trạng khát vốn càng kéo dài sẽ đẩy làn sóng tháo chạy càng dâng cao. Mặt tích cực của vấn đề là, khi dòng vốn bị rút khỏi thị trường, giá bất động sản sẽ xuống thấp hơn và đây là cơ hội để săn hàng giá "mềm".

Theo Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.