CafeLand – Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong năm 2016, sự phục hồi bền vững của thị trường bất động sản có thể bị ảnh hưởng nếu các chính sách tiền tệ - tín dụng không được định hướng đúng.

Hình minh họa

Nhu cầu nguồn vốn tăng cao

Theo VEPR, trong năm 2015, nhu cầu về nguồn vốn trên thị trường tài chính tăng cao và tương đối ổn định ở những tháng cuối năm. Tổng dư nợ tín dụng tính đến nửa cuối tháng 12 tăng hơn 17% so với đầu năm. Tăng trưởng huy động tín dụng trong quý 4 tiếp tục dưới mức tăng trưởng huy động, chênh lệch luôn ở mức 3,5 – 3,7%.

Các chuyên gia của VEPR nhận định, gần đây các chính sách điều hành tỷ giá và tài chính đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại một số tác dụng và hiệu quả nhất định cho thị trường. Trong đó, đáng chú ý là quyết định công bố tỷ giá tham chiếu của đồng Việt Nam với đô la Mỹ hàng ngày thay cho tỷ giá liên ngân hàng cố định trước đây mà không gây ra những biến động lớn.

Nền kinh tế hiện nay đang có nhiều nét tương đồng so với năm 2009. Vào thời điểm đó, nhờ những biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ, lạm phát được đẩy xuống mức thấp và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian suy thoái. Tuy nhiên, kinh nghiệm quá khứ cho thấy, lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát đúng mức.

Trên thực tế, điều này đang tạo ra sức ép không nhỏ lên mặt bằng lãi suất huy động trong nước.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, riêng trong tháng 12 đã có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 0,1 – 0,5%/năm.

Tăng trưởng tín dụng nhanh trong khi GDP danh nghĩa năm 2015 chỉ tăng 6,48%, thấp hơn nhiều so với các năm trước tạo ra những rủi ro mất ổn định cho nền kinh tế. Nhiều khả năng lạm phát năm 2016 sẽ ở mức 4 – 5%.

VEPR cũng cho rằng, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đặt ra cho năm 2016 như hiện nay là quá cao. Thay vào đó, nên ở mức từ 12 – 15%.

Nguy cơ bong bóng tài sản

Những tháng gần đây, thị trường bất động sản đang có xu hướng tăng trưởng tốt hơn. Cả nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ đều tăng cao, nếu việc này tiếp tục được duy trì thì thị trường có thể tương đối cân bằng về quan hệ cung – cầu trong năm 2016. Tuy nhiên, sự bền vững của thị trường bất động sản có thể bị ảnh hưởng nếu chính sách tiền tệ - tín dụng không được định hướng đúng.

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam (quý 4/2015) mới vừa công bố của VEPR chỉ ra rằng, số liệu 3 quý đầu năm 2015 cho thấy tín dụng bất động sản tăng 14,59%, cao hơn đáng kể mức tăng tổng tín dụng và cùng kỳ những năm trước. Điều này gây những lo ngại về khả năng tiềm ẩn hình thành bong bóng tài sản mới trong tương lai.

Bên cạnh đó, do những đặc thù về tài sản đảm bảo và khả năng cho vay theo món lớn một cách thuận lợi nên các ngân hàng thương mại thường có ưu tiên phát triển tín dụng bất động sản hơn cho vay sản xuất kinh doanh thông thường. Do đó, nếu các chính sách nới lỏng tiền tệ không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều rủi ro.

Để sử dụng hiệu quả nguồn tiền, theo nhóm nghiên cứu, nên có các biện pháp phẩn bổ vốn hợp lý vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, nên kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, hạn chế việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài để tránh hình thành bong bóng tài sản trong tương lai.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.