CafeLand - Thời gian gần đây, các ngân hàng đang ồ ạt giảm lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc hạ lãi suất vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra hiệu ứng lên thị trường bất động sản.

Việc hạ lãi suất không tác động nhiều đến các doanh nghiệp bất động sản vì sản phẩm không có đầu ra. Ảnh: Nguyên Khôi

"Ông lớn" ồ ạt hạ lãi suất

Việc hạ lãi suất huy động bắt đầu từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Theo biểu niêm yết lãi suất vừa điều chỉnh, kể từ ngày 6/5, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tại các kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm. Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng lãi suất trần là 8%/năm.

Sau 3 ngày Vietcombank hạ lãi suất, BIDV và Vietinbank cũng đã vào cuộc. Theo thông cáo báo chí từ VietinBank kể từ ngày 9/5, các mức lãi suất huy động tiền đồng có kỳ hạn dưới 12 tháng của VietinBank cao nhất chỉ là 7%/năm.

Cùng thời điểm, BIDV đã thông báo biểu lãi suất huy động mới. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6%/năm; 2 tháng là 6,5%/năm; từ 3 đến 11 tháng là 7%/năm và trên 12 tháng chỉ còn 8%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm mạnh so với trần 7,5%/năm áp dụng trước đó với các kỳ hạn dưới 12 tháng và 9%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.

Mới đây, Agribank đã bất ngờ hạ lãi suất tiết kiệm khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm, mức thấp nhất thị trường, kỳ hạn 2 tháng là 7%/năm, các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng là 7,5%/năm, mức huy động cao nhất là 9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng.

Song song với việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động, các ngân hàng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Hiện, Vietcombank đã điều chỉnh giảm với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường hiện còn khoảng 10,5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất còn khoảng 11,6%/năm.

BIDV cũng thực hiện việc hạ lãi suất cho vay VND. Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn 06 đối tượng ưu tiên áp dụng giảm 1 điểm phần trăm về mức 10%năm; Đối với cho vay ngắn hạn thông thường áp dụng ở mức 11 - 11,5%/năm; Đối với cho vay trung dài hạn áp dụng ở mức 11 - 12 %/năm.

Vietinbank cũng đang triển khai nhiều gói tín dụng ngắn hạn ưu đãi lãi suất với hạn mức lên tới 80 nghìn tỷ đồng và mức lãi suất cho vay thấp nhất là 7%/năm đối với các đối tượng khách hàng thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Lý do được các ngân hàng đưa ra cho việc giảm lãi suất hầu hết là để chia sẻ khó khăn, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp bất động sản?

Việc lãi suất huy động giảm làm dấy lên kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm theo. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn thua lỗ, đầu ra không có nên vốn đầu tư chôn chân trong dự án không thu hồi được, nếu được vay thêm vốn với lãi suất thấp nhưng vẫn không bán được hàng thì doanh nghiệp không có đủ khả năng trả nợ gốc chứ chưa tính đến lãi.

Phát biểu trên báo chí, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng lãi suất không phải là khó khăn với một số doanh nghiệp. "Đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tôi nghĩ lãi suất có 0% thì vẫn cao. Khi đầu ra không có, cho vay 0% thì họ cũng không vay nổi vì không trả được khoản gốc”.

Để tạo điều kiện cho các ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc cho vay tín chấp có thể là lối thoát cho tăng trưởng tín dụng hiện nay. "Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cạn tài sản đảm bảo, họ đến ngân hàng vay nhưng cứ đòi hỏi thế chấp thì lấy ở đâu ra".

Có thể thấy, việc hạ lãi suất ít nhiều có tác động tích cực đến tâm lý trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu hy vọng hạ lãi suất sẽ khiến người dân chuyển dòng tiền vào bất động sản thì vẫn là chuyện khó khăn vì còn có những kênh đầu tư khác để người dân và các nhà đầu tư lựa chọn. Trong khi đó, điểm yếu nhất của thị trường bất động sản là đánh mất niềm tin nơi người mua thì vẫn chưa lấy lại được.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.