Trải qua bao thăng trầm và biến động của thị trường, giới đầu tư bất động sản (BĐS) nhận ra rằng, BĐS không phải là lĩnh vực dễ kiếm tiền như họ tưởng.

Thương hiệu lớn cũng “chết”

Nói về việc mắc cạn với các dự án BĐS phải kể đến các công ty thuộc dòng “con, cháu” của Tập đoàn Dầu khí. Để lấy tiền trả nợ, PV Land đã phải đại hạ giá căn hộ Dự án Petro Vietnam Landmark (quận 2, TP. HCM) từ mức 21,36 triệu đồng/m2 xuống 15,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do chiến lược không phù hợp, nên đợt bán tháo này của PV Land không thành công và hiện dự án này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Tương tự, CTCP Đầu tư thương mại Dầu khí Nghệ An cũng buộc phải hạ giá căn hộ dự án chung cư có vị trí đắc địa tại TP. Vinh (Nghệ An) từ 15,9 triệu đồng/m2 xuống 12,9 triệu đồng/m2 để lấy tiền trả nợ. Mới đây, khách hàng mua Chung cư Hanoi Time Towers của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) đồng loạt đòi lại tiền, do sau 2 năm khởi công, Dự án chỉ mới xong phần móng.

Như vậy, gắn mác thương hiệu lớn không để giúp các dự án BĐS đứng vững trước khó khăn của thị trường.

Dù thị trường khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chuyên nghiệp vẫn đứng vững

Làm nhỏ cũng ngắc ngoải

Không chỉ các chủ đầu tư dự án căn hộ thương mại gặp khó, những doanh nghiệp đầu tư dự án nhà thu nhập thấp cũng bị mắc cạn. Trên địa bàn Hà Nội có 11 dự án nhà cho người thu nhập thấp với quy mô hơn 11.000 căn hộ. Hiện có 5 dự án đã hoàn thành hoặc đang trong hợp đồng mua bán là Kiến Hưng, Sài Đồng, Đặng Xá, Đại Mỗ và CT1 Ngô Thì Nhậm. Các chủ đầu tư cho hay, họ không được nhiều ưu đãi, trong khi Bộ Xây dựng lại chưa có quy chuẩn cho loại nhà này, nên các doanh nghiệp phải xây dựng như nhà thương mại, làm đội giá thành, khiến giá bán thậm chí cao hơn nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, nếu như nhà ở thương mại có thể giảm giá, huy động tiền của khách hàng dưới dạng hợp đồng góp vốn hay hợp tác đầu tư, thì nhà thu nhập thấp không thể áp dụng hình thức này. Hơn nữa, người mua nhà thu nhập thấp còn phải qua chủ đầu tư xét duyệt hồ sơ, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và cả người mua.

Tại Đồng Nai, dự án nhà ở xã hội do Công ty Sơn An làm chủ đầu tư cũng đang gặp nhiều khó khăn khiến 2 block chung cư cao 17 tầng đang phải thi công cầm chừng. Căn hộ được xây dựng như nhà ở thương mại khiến giá thành bị đẩy lên cao, trong khi đó, giá bán bị khống chế ở mức 7 - 8 triệu đồng/m2 đã khiến Dự án có nguy cơ dừng lại vì thiếu vốn.

Bài học được rút ra mà các chủ đầu tư thấm thía là: khi chưa có cơ chế rõ ràng, không nên vội tham gia.

Dân chuyên nghiệp vẫn sống

Thị trường khó khăn, các chủ đầu tư từ nhỏ đến lớn đều nguy khốn, tuy nhiên, các nhà đầu tư chuyên nghiệp lại khá vững vàng. Những tên tuổi như HUD, Vinaconex hay Handico dường như chỉ gặp chút ít khó khăn, nhưng họ luôn thắng thế và đứng vững qua nhiều đợt biến động của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội (Handico) cho biết, các dự án của Handico thường làm theo hình thức “cuốn chiếu”, nên luôn đảm bảo được nguồn vốn cho dự án. Với các dự án chuẩn bị triển khai, kể cả các dự án nhà tái định cư, Tổng công ty phải thu xếp được nguồn vốn trước mới triển khai. Vì thế, Handico dễ điều chỉnh hoặc thay đổi hình thức đầu tư khi thị trường biến động.

Mặc dù cách làm không giống Handico, nhưng HUD và Vinaconex cũng gần như không bị sa lầy ở các dự án BĐS, bởi từng bước đi đều được tính toán cụ thể dựa trên những rủi ro được phân loại.

Ngoài những “ông lớn” trên, phải kể đến một tên tuổi khác là Tập đoàn Vingroup. Tiến độ các dự án luôn được đảm bảo trong mọi điều kiện của thị trường đã giúp Vingroup và các dự án của tập đoàn này luôn nhận được sự tin tưởng và quan tâm lớn của khách hàng.

Theo Trung Kiên (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.