CafeLand - Với sự thuận lợi về vị trí, hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, khu Đông TP.HCM đã và đang trở mình thành một vùng đất đầy tiềm năng cho sự phát triển.

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã thông xe giai đoạn 1, giúp cho việc di chuyển từ TP.HCM đi Long Thành chỉ khoảng 15 phút

Cú hích từ hạ tầng

Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện với những tuyến đường cao tốc, đường vành đai, tàu điện ngầm, hầm vượt được triển khai xây dựng đã tạo thuận lợi không nhỏ khiến khu Đông trở thành tâm điểm của sự kết nối.

Cụ thể, hầm Thủ Thiêm và đường Võ Văn Kiệt, cầu Sài Gòn 2 hiện đã hoàn chỉnh, nối liền khu vực quận 2, quận 9 với trung tâm TP.HCM. Tại quận Thủ Đức, Dự án đường Phạm Văn Đồng giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng, dự kiến cuối năm nay, toàn tuyến đường này sẽ chính thức hoàn thành, nối khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức. Một loạt tuyến đường từ quận 2, quận 9 nối với quận 7 bằng cầu Phú Mỹ, nối với trung tâm TP.HCM qua Đại lộ Võ Văn Kiệt cũng đã đi vào sử dụng.

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đã thông xe giai đoạn 1, giúp cho việc di chuyển từ TP.HCM đi Long Thành chỉ khoảng 15 phút. Hiện tại, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tuyến metro đầu tiên được xây dựng tại TP.HCM mặc dù chỉ mới là hình hài nhưng cũng đã có tác động nhất định đến thị trường bất động sản khu vực này.

Không ít công trình hạ tầng khác cũng được thành phố chuẩn bị xây dựng theo định hướng quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 là phát triển thành “thành phố mở”, tập trung nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, công trình đầu mối giao thông liên vùng để gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 25/8, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải một số nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2014, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các công trình trọng điểm. Đây sẽ là chất “xúc tác” cho các công trình hạ tầng giao thông sớm hoàn thiện.

Cụ thể, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, những tuyến đường khác gồm TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài 69 km, 6-8 làn xe); TP.HCM - Mộc Bài (dài 55 km, 4-6 làn xe); Bến Lức - Long Thành (dài 58 km, 6-8 làn xe); Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 76 km, 6-8 làn xe) đang được quy hoạch. Riêng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng quy mô 8 làn xe trong thời gian tới.

Trong khi đó, ở nội thành, ngoài hầm Thủ Thiêm, Chính phủ cũng đã đồng ý việc xây hầm Thủ Thiêm 2 băng qua sông Sài Gòn cùng 14 cây cầu mới sẽ được xây dựng vượt sông Sài Gòn gồm cầu Bình Quới (bán đảo Thanh Đa - Thủ Đức), Thủ Thiêm 2 (đường Tôn Đức Thắng), Thủ Thiêm 3 (quận 4 - quận 2), Thủ Thiêm 4 (quận 7 - quận 2)...; trên sông Nhà Bè sẽ xây cầu mới Bình Khánh; cầu Phước Khánh cũng được xây dựng trên sông Lòng Tàu...

Ngoài ra, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, thành phố cũng ưu tiên hai hướng là Đông và Nam. Để phát triển không gian đô thị theo định hướng này, thành phố sẽ phải hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông nhằm kết nối các khu đô thị. Và đó chính là cơ sở đề tin tưởng hạ tầng chắc chắn sẽ ngày một hoàn thiện chứ không chỉ là “nói suông”.

Bất động sản ăn ké hạ tầng

Với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông ở TP.HCM được khẩn trương đầu tư xây dựng. Giới kinh doanh địa ốc kỳ vọng, sự bứt phá của cơ sở hạ tầng sẽ mở lối cho thị trường bất động sản phát triển.

Theo khảo sát của Công ty Savills, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường bất động sản TP.HCM gần đây và trong thời gian tới là sự phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông. Trong đó, nổi bật nhất ở khu vực phía Đông thành phố với nhiều công trình hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ được đưa vào hoạt động.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, một trong những điểm nhấn của thị trường bất động sản năm 2014 là sự bứt phá của hạ tầng. Những nơi nào có chính sách phát triển hạ tầng tốt sẽ kéo theo điểm nhấn của thị trường, trong đó khu Đông TP.HCM là một trong những điểm nhấn.

Trên thực tế, sự bứt phá của hạ tầng đã khiến không ít doanh nghiệp địa ốc mạnh dạn bơm vốn vào các dự án. Mới đây, Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Vinhomes Tân Cảng, tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, nhằm biến khu đất trên diện tích gần 43 ha trải dài theo bờ sông Sài Gòn thành một khu đô thị hiện đại và cao cấp bậc nhất Việt Nam. Công ty Đại Quang Minh cũng đang tích cực triển khai các hạng mục trong khu đô thị Đại Quang Minh nằm trên đại lộ Mai Chí Thọ. Công ty Khang Điền cũng liên tục mở bán các dự án trong khu vực này. Và trong tháng 10 tới, Khang Điền sẽ tiếp tục mở bán dự án Mega Residence gần đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Khang Điền tiết lộ, ngay trong năm nay sẽ có ít nhất hai dự án nữa ở khu vực cao tốc Long Thành – Dầu Giây ra đời.

Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Nguyễn Văn Đực cũng tin rằng, trong tương lai không xa, việc hình thành những tuyến đường mới sẽ mở ra những cơ hội mới trên thị trường BĐS, đương nhiên điều này chỉ đúng với những chủ đầu tư có tiềm lực và có tâm. “Rõ ràng trước những lợi thế về mặt hạ tầng giao thông, chí ít các nhà đầu tư cũng đã nhìn thấy điều đó. Và trên thực tế, họ đã và đang tiếp tục dồn tiền để triển khai các dự án ở khu Đông thành phố”, ông Đực cho biết.

Nguyễn Loan – Thu Thủy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.