Trong khi khách hàng bị "khủng bố" từ những tin nhắn rác rao bán, giới thiệu dự án bất động sản thì nhiều chủ đầu tư khẳng định họ không biết việc tên doanh nghiệp cũng như dự án của họ xuất hiện trên các tin nhắn.

Vô can?

Chào mời bất động sản bằng tin nhắn điện thoại không còn là “chiêu trò” quảng cáo xa lạ. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng tin nhắn rao bán nhà đất có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ. Trong những tin nhắn được “phát tán” hàng loạt không chỉ những dự án bình dân, giá rẻ mà ngay cả những sản phẩm mang thương hiệu cao cấp của nhiều doanh nghiệp lớn cũng được chào mời.

Nhiều thuê bao di động phản ánh nhận được cả chục tin mỗi ngày, thời gian cao điểm có khi chỉ khoảng 10 phút lại có một tin nhắn đến. Trong khi khách hàng bị “khủng bố” thì nhiều chủ đầu tư khẳng định họ không biết việc tên doanh nghiệp cũng như dự án của họ xuất hiện trên các tin nhắn.

Như dự án Hồ Gươm Plaza cũng đã “đổ bộ” trên hệ thống tin nhắn tuy nhiên trao đổi với ông Nguyễn Xuân Bằng – Chánh Văn phòng Cty Cổ phần may Hồ Gươm, chủ đầu tư dự án, ông Bằng cho biết: “Chủ đầu tư không biết vì chúng tôi không trực tiếp bán hàng. Chúng tôi có hợp đồng với 2 bên khác bán hàng là công ty Savills Việt Nam và Đất Xanh miền Bắc”.

“Trong hợp đồng có những nguyên tắc nhất định. Tinh thần là 2 nhà phân phối sản phẩm còn việc người ta tiếp thị như thế nào là hoàn toàn do 2 nhà bán hàng đó chịu trách nhiệm. Còn chủ đầu tư không can thiệp cũng không có bất cứ một số điện thoại nào của chủ đầu tư gửi tới cho khách hàng cả. Tôi nghĩ có thể là do đơn vị phân phối họ sử dụng gửi đi bởi đó là một kênh bán hàng. ” – ông Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, ông chưa trao đổi với Savills nhưng hỏi Đất Xanh thì họ nói có sử dụng tin nhắn cũng là một kênh để tiếp thị sản phẩm đến khách hàng.

tin nhắn rác, doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, nạn nhân, tin nhắn, spam

Dù xuất hiện trên tin nhắn là thương hiệu và dự án của doanh nghiệp nhưng xem ra chủ đầu tư cũng chỉ là nạn nhân?

Cũng là doanh nghiệp có sản phẩm được “điểm danh” trên tin nhắn, ông Vũ Văn Hậu – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco khẳng định: “Tin nhắn thì tôi không bảo ai nhắn tin”.

Là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện dự án, chịu trách nhiệm kinh doanh, với sự hợp tác của Geleximco tại dự án Gemek Tower, ông Kiều Xuân Nam – Tổng giám đốc Mekong Land khẳng định, chắc chắn việc này không phải do chủ đầu tư làm. Đại đa số chủ đầu tư không phân phối. Mạng lưới phân phối là các sàn giao dịch đã được nhà nước công nhận. Doanh nghiệp không biết vì trong gói sản phẩm PR không có trả tiền cho việc gửi tin nhắn.

Vẫn được nhắc đến là thương hiệu gắn với những dự án siêu sang, cao cấp việc sử dụng tin nhắn để quảng cáo, rao bán sản phẩm của Tân Hoàng Minh được một cán bộ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thừa nhận nhân viên kinh doanh có gửi tin nhắn đến với khách hàng.

Theo vị cán bộ này hệ thống quản lý của tập đoàn có dữ liệu khách hàng được thu thập qua những bản đăng ký cũng như tiếp xúc giữa khách hàng với doanh nghiệp. Từ đó bên kinh doanh gửi những tin nhắn từ thông tin mở bán, đến thông tin về căn hộ...

Cũng theo vị này, hiện nay Tân Hoàng Minh bán hàng trực tiếp qua sàn của tập đoàn nên việc sử dụng nhà mạng để bỏ bom tin nhắn là hoàn toàn không có.

Nhưng vị này lại thừa nhận, thực ra cũng rất khó để kiểm soát hết được tin nhắn mà nhân viên gửi đến khách hàng. Nói như vậy, cũng không thể loại trừ việc nhân viên của Tân Hoàng Minh có thể nhắn tin “khủng bố” khách hàng.

Mới đây, trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng số lượng tin nhắn rác liên quan đến bất động sản chiếm tỷ lệ áp đảo gần đây. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề về tin nhắn rác bất động sản không ít chủ đầu tư từ chối nêu ý kiến.

Nhân viên truyền thông dự án của Tổng Cty Viglacera cho rằng: Những vấn đề liên quan đến thị trường như thế nên làm việc với bên phân phối.

Chúng tôi có thể biết hoặc không biết về tin nhắn đó. Rất nhiều các thể loại gửi các tin nhắn từ bất động sản, mỹ phẩm đến Ocen Mart đều quảng cáo hết nên không thể đưa ra một nhận định nào về vấn đề này cả. Nói về thương hiệu thì ngay cả R.City họ cũng quảng cáo ầm ầm – nhân viên truyền thông cho biết.

Ghi nhận ý kiến của nhiều chủ đầu tư địa ốc cũng cho biết chuyện spam tin nhắn bán nhà đất không phải là chủ trương của họ, mà đa phần là của các đại lí môi giới, ở dưới là các nhân viên môi giới, và cấp “tự do” là các cộng tác viên môi giới.

Dù xuất hiện trên tin nhắn là thương hiệu và dự án của doanh nghiệp nhưng xem ra chủ đầu tư cũng chỉ là nạn nhân?

Không văn minh, khó chịu, làm phiền

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết chính họ cũng nhận được vô số những tin nhắn rác trong đó có tin nhắn liên quan đến các dự án bất động sản.

Ông Nguyễn Xuân Bằng – Chánh Văn phòng Cty Cổ phần may Hồ Gươm chia sẻ: “Các dự án khác tôi cũng nhận được nhưng tin nhắn về dự án Hồ Gươm Plaza thì tôi không nhận được. Thực ra bản thân tôi nhiều khi cũng cảm thấy rất bực mình. Nhưng cũng có người cần những thông tin ấy.

tin nhắn rác, doanh nghiệp, chủ đầu tư, sàn giao dịch, nạn nhân, tin nhắn, spam
Khách hàng còn phải vướng trong "ma trận" tin nhắn rác đến bao giờ?

Đối với những người có nhu cầu thì người ta cho đó là tốt. Những người ở tỉnh xa người ta không tiếp cận được với dự án người ta muốn khoanh vùng khu vực để mua thì lại tốt. Nhưng tỷ lệ làm phiền vẫn là khá lớn”.

Ông Vũ Văn Hậu – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco cũng cho rằng, mình đang bán hàng thì có thể mình thích. Người có nhu cầu có thể họ cần nhưng người không có nhu cầu thì thực sự họ rất khó chịu.

Trong khi đó, ông Kiều Xuân Nam – Tổng giám đốc Mekong Land nhìn nhận, có thể chính nhờ tin nhắn này người dân lại tránh được sự lừa đảo. Nếu dự án của tôi chưa được phép bán mà đã có tin nhắn đầy trên thị trường thì chắc chắn bên chủ đầu tư phải ra tay trước.

Nhận định về hình thức quảng cáo này, bà Bùi Thị Châu – Ban truyền thông – Quản trị thương hiệu Tập đoàn Tân Hoàng Minh nêu ý kiến, nếu là doanh nghiệp những tin nhắn như thế là một hình thức không văn minh, không có lợi cho phát triển thương hiệu.

Tát nước ăn theo tin nhắn?

Trao đổi về vấn đề thương hiệu của doanh nghiệp khi tên doanh nghiệp cùng dự án xuất hiện tràn lan trên các tin nhắn, ông Nguyễn Xuân Bằng cho rằng, nói đúng thì người ta không làm gì mất thương hiệu của mình cả. Thương hiệu của tôi là có thật, dự án là đang bán thật. Có những dự án tôi không quan tâm thì tôi không kiểm tra còn có dự án tôi quan tâm có kiểm tra thì thấy những thông tin trên đó là đúng. Vấn đề là kênh tiếp thị của người ta như thế nào.

Chúng tôi không thể ký hợp đồng chi tiết là phải tiếp thị với khách hàng bằng cách nào. Cái cốt lõi là anh không được quảng cáo sai sự thật, sử dụng thương hiệu của chủ đầu tư để bôi xấu.

“Bây giờ bảo cấm người ta tiếp thị thì người ta lại chẳng bán được cho mình. Người ta bán như thế nào cũng đều trên cơ sở luật pháp cho phép còn nếu cách họ sử dụng sai pháp luật thì chúng tôi sẽ truy tận cùng” – ông Bằng nêu quan điểm.

Trong khi đó, một nhà quản lý dự án đặt vấn đề: Tin nhắn chỉ là một cách tiếp thị sản phẩm đến với khách hàng. Kênh này pháp luật mà cấm thì hoàn toàn người ta không thể sử dụng được. Luật pháp có cấm việc nhắn tin để tiếp thị bán hàng không?

Rõ ràng trong kinh doanh luôn tồn tại mối quan hệ lợi ích hợp tác.Về vấn đề này, ông Kiều Xuân Nam cũng cho hay, chủ đầu tư không chủ động nhưng nếu chủ đầu tư thấy có lợi cho mình thì hiển nhiên là chủ đầu tư không bàn. Cái gì bất lợi thì chủ đầu tư sẽ ra tay. Nếu những tin nhắn này là hợp pháp thì tôi cũng không có ý kiến.

Hồng Khanh (VLand)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.