CafeLand - Hiện nay, hầu hết các sàn giao dịch cũng như công ty dịch vụ bất động sản chỉ tập trung vào bất động sản dân sự như nhà ở, đất nền mà gần như “bỏ rơi” một phân khúc hiện hữu đó là bất động sản doanh nghiệp.

Đây là nhận định của ông Huỳnh Anh Dũng, giảng viên cao cấp của Hội đồng chuyên gia bất động sản Hoa Kỳ. Ông cho biết phân khúc bất động sản doanh nhiệp liên quan đến tài sản của công ty bao gồm nhà xưởng, nhà máy, xí nghiệp, thương hiệu…gần như đã bị các công ty môi giới bất động sản “bỏ rơi”. Trong khi đó, đây là một trong những phân khúc rất có tiềm năng tại Việt Nam.

Phân khúc bất động sản doanh nghiệp đang bị lãng quên. Ảnh: Tường Vy.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, thị trường bất động sản trong nước và thế giới đã liên tục tuột dốc và dòng vốn đua nhau tháo chạy ra khỏi thị trường dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thậm chí phá sản bởi sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.

Đến nay, không chỉ riêng doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đứng trên bờ vực phá sản mà đến nay hầu như mọi ngành, nghề đều cùng chung cảnh ngộ bởi nguồn vốn chủ sỡ hữu có hạn trong khi chi phí đầu vào gia tăng và đầu ra hạn hẹp. Theo thống kê, nửa đầu năm 2011 đã có 30% doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Trước tình hình khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải đi đến quyết định chuyển nhượng dự án, tìm đối tác đầu tư hoặc bán doanh nghiệp của mình cho các công ty khác.

Trong khoảng cuối năm 2011 đến đầu năm 2012, hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án diễn ra khá mạnh mẽ. Điển hình, Công ty GS Engineering & Construction đã chuyển nhượng dự án sân golf Củ Chi cho Tập đoàn C.T Group thông qua việc bán cổ phần với trị giá 24 triệu USD, Vinaconex – ITC đang tìm đối tác để chuyển nhượng chuyển nhượng khách sạn Holiday View,…Và mới đây, Coma 18 cho biết sẽ chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm hoặc tòa nhà Coma Tower trong năm 2012 để sớm thu hồi vốn và cải thiện tình hình tài chính của Công ty.

Thế nhưng, mô hình sàn giao dịch để các doanh nghiệp có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng công ty hoặc dự án hay thương hiệu có thể tham gia giao dịch trực tuyến hay thông qua nhà môi giới chưa được phổ biến tại Việt Nam.

Theo ghi nhận, một sốt doanh nghiệp tham gia khai thác thị trường tiềm năng này tại Việt Nam hiện nay như: Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BFC), Công ty Đầu tư và Phát triển Đô thị Quốc tế (IDJ), Công ty Cổ phần Tư vấn bất động sản Soho Việt Nam và mới thành lập gần đây là Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Nam (TigerInvest).

Đại diện TigerInvest cho biết trong số các các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đăng ký tham gia trên sàn giao dịch, nhu cầu đầu tư vào nhà máy nhiệt điện, bất động sản cao cấp, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, căn hộ để bán và cho thuê, bệnh viện cao cấp, khu nghỉ dưỡng cao cấp… chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Tư vấn bất động sản Soho Việt Nam, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 80 dự án đang chuyển nhượng và chủ yếu tại các khu vực như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Từ Liêm.

Có thể thấy rằng nhu cầu mua bán hay chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp ngày càng phổ biến. Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển ban đầu của thị trường này và sẽ phát triển với tốc độ rất nhanh trong thời gian tới. Vì thế, dịch vụ mua bán bất động sản doanh nghiệp sẽ có rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay.

Thanh Trúc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.