CafeLand - Đến hẹn lại lên, cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bất động sản bung hàng rầm rộ nhằm đón dòng kiều hối chuyển về nước, năm nay cũng không ngoại lệ. Nhiều dự án từ cao cấp đến bình dân được chào bán từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, có vẻ như đây là một năm “thất thu” kiều hối của doanh nghiệp bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp tung dự án ra thị trường với chính sách khuyến mãi đa dạng để thu hút khách hàng dịp cuối năm. Ảnh:TK

Tung “chiêu” khuyến mãi

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong 10 nước nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới với khoảng 10,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm ngoái. Riêng Tp.HCM lượng kiều hối chuyển về trong năm nay dự báo ở khoảng 4,8 tỷ USD.

Đón cơ hội này, nhiều chủ dự án quyết định tung hàng để “vét” khách vào dịp cuối năm.

Thông tin từ Công ty Cp Đầu tư Nam Long cho biết, dự kiến vào trung tuần tháng 12 này sẽ giới thiệu ra thị trường dự án căn hộ Ehome 5 với nhiều ưu đãi như cho vay với lãi suất thấp hoặc 0% cho đến khi nhận nhà.

Công ty CP Bất động sản CPR cũng đang mở bán căn hộ Sunny Plaza nằm trên Đại lộ Phạm Văn Đồng với cam kết chịu phạt lãi suất là 25% /năm trên tổng số tiền mà khách hàng đã thanh toán theo tiến độ của hợp đồng mua - bán, nếu dự án chậm bàn giao. Không những vậy khách hàng còn được Ngân hàng OCB hỗ trợ đến 70% giá trị căn hộ với lãi suất ưu đãi.

Trước đó, Tổng Công ty Viglacera đã mở bán những căn nhà liền kề đã hoàn thành thuộc dự án vừa Khu đô thị Xuân Phương với giá từ 3,5 - 3,9 tỷ đồng/căn. Khách hàng sẽ được tặng TV 50” hoặc phiếu mua hàng sắm Tết trị giá 15 triệu đồng, chiết khấu 2,5% cho khách hàng thanh toán 97% giá trị hợp đồng.

Đẩy “hàng” không dễ

Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, kiều hối 10 tháng năm 2013 chỉ có 21% là đổ vào bất động sản, phần chủ yếu vẫn chảy mạnh vào hoạt động sản xuất kinh doanh với 69% trong tổng giá trị kiều hối trên địa bàn.

Trong một báo cáo mới đây, Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, lượng kiều hối cho năm 2014 sẽ gia tăng thêm khoảng 10% so với năm nay. Tuy nhiên kiều hối vẫn dịch chuyển vào hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường bất động sản.

Trước đó, vào năm 2012 có khoảng 10 tỷ USD kiều hối chuyển về Việt Nam. Tuy nhiên, số tiền chảy vào bất động sản chỉ chiếm 23%, trong khi trước đó vào năm 2011 có đến 52% lượng kiều hối đổ vào lĩnh vực này. Có thể thấy, dù lượng kiều hối hàng năm tăng nhưng lượng đầu tư vào kênh bất động sản đang ngày càng giảm.

Chị T.V, nhân viên một công ty môi giới bất động sản tại quận Bình Thạnh cho biết, cứ đến thời điểm cuối năm là công ty chị triển khai các chương trình bán hàng với nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng. Mọi chiêu thức tiếp cận đều được sử dụng từ phát tờ rơi ngoài đường, trong siêu thị đến khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi lãi suất. Theo chị V, tất cả những việc trên không chỉ để “vét” khách cuối năm mà còn để “săn” những khách hàng có người nhà ở nước ngoài gửi tiền về cuối năm. Dù làm nhiều cách nhưng việc bán hàng của chị vẫn không mấy thuận lợi.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sở dĩ nguồn kiều hối “lơ là” với bất động sản là vì kênh đầu tư này chưa tạo được niềm tin để đầu tư. Trong khi đó, kênh đầu tư sản xuất kinh doanh lại có đang có những lợi thế rõ ràng hơn nên nhiều người đã chọn giải pháp gửi tiền về để người thân tự mở cửa hàng kinh doanh thậm chí cho vay lại.

Dù vậy, nhưng với hơn 2 tỷ USD đổ vào bất động sản cũng là tin vui trong thời điểm cuối năm của nhiều chủ đầu tư dù không thể làm thay đổi diện mạo chung của toàn thị trường. Nhất là khi giá bất động sản ngày càng giảm sâu, thị trường đang nghiêng về phía người mua.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.