Mặc dù nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, thị trường BĐS nói chung đang đóng băng nhưng thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục thu hút các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.
Thị trường bán lẻ BĐS vẫn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ảnh VGP
Bằng chứng là các nhà đầu tư quốc tế như: Metro Cash & Carry (Đức), Casino Group (Pháp), Circle K (Mỹ), Zen Plaza, Family Mart, Ministop (Nhật), Diamond Plaza, Lotte Mart (Hàn Quốc), Dairy Farm (Hồng Kông), Gouco Group (Hà Lan)… vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội tham gia vào thị trường này, đặc biệt đối với các BĐS tại khu vực trung tâm.

Theo báo cáo thị trường BĐS của Knight Frank quý I/2013, dự án Vincom Mega Mall Royal City (tại Hà Nội) đã có hơn 80% trên tổng diện tích 230.000m2 được khách đăng ký và đặt thuê. Đạt được thành công này có thể do dự án tọa lạc tại vị trí khá tốt, kết nối khu trung tâm Hà Nội và khu vực mở rộng của thủ đô - Hà Đông.
Bên cạnh đó, vẫn có dự án như Mipec Mall, trước đây có tên gọi là Pico Mall, đang trải qua giai đoạn tái lựa chọn thương hiệu và định vị lại dự án chuyên sâu dù nằm trên con đường Tây Sơn sầm uất của Hà Nội.

Thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 1/2013, theo báo cáo của Công ty Savills Việt Nam, phân khúc thị trường bán lẻ và văn phòng vẫn hoạt động tốt, nhất là tại khu vực trung tâm.

Cụ thể, tổng nguồn cung bán lẻ vào khoảng 796.000m2, tăng 4% so với quý trước và 14% so với cùng kỳ năm trước do sự gia nhập của 1 trung tâm mua sắm và 2 siêu thị mới. Hiện Thành phố có 8 trung tâm bách hóa, 8 khối đế bán lẻ, 21 trung tâm mua sắm, 64 siêu thị và 3 trung tâm bán sỉ.

Trung tâm mua sắm Pico Plaza, quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) vừa chính thức đi vào hoạt động cũng đạt được tỷ lệ thuê/cam kết thuê khá cao, khoảng 90%. Hệ thống FPT Shop đã chính thức khai trương cửa hàng thứ 60 trên phạm vi toàn quốc trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 5.

Starbucks Coffee, nhãn hiệu cà phê hàng đầu của Mỹ, cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại khách sạn New World, Quận 1. Starbucks Coffee dự kiến sẽ sớm công bố cửa hàng thứ hai cũng tại quận này.

Giá thuê trung bình của các dự án bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh tăng khoảng 2% so với quý trước. Tuy nhiên, giá thuê trung bình của toàn thị trường lại giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn nhu cầu tìm kiếm mặt bằng là từ các nhà bán lẻ trong lĩnh vực ăn uống (F&B) và siêu thị đang có nhu cầu mở rộng hệ thống chuỗi cửa hàng.

Theo Savills, dự kiến từ năm 2013 trở đi, sẽ có khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bán lẻ mới gia nhập thị trường, trong đó, khu vực nội thành chiếm khoảng 57% tổng diện tích bán lẻ tương lai, tiếp theo là khu vực ngoại thành và khu vực trung tâm. Các quận 1, 2 và 7 có nguồn cung tương lai cao nhất trong tất cả các quận; chiếm hơn 60% tổng nguồn cung tương lai của Thành phố.

Ông Trương An Dương, Trưởng bộ phận nghiên cứu Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định mặc dù nguồn cung gia tăng nhưng công suất thuê cũng như giá thuê vẫn tương đối ổn định, đặc biệt là tại các quận trung tâm, công suất cho thuê vẫn tăng so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhu cầu về mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm và tại các quận nội thành vẫn tương đối cao.
Công Trí (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.