Giá nhà đất đang có chiều hướng ấm trở lại được kỳ vọng sẽ là điều kiện tốt cho việc xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, bất động sản chỉ mới ấm ở phân khúc căn hộ giá thấp, cộng với việc thủ tục phát mãi tài sản thế chấp là nhà đất để thu hồi nợ rất nhiêu khê nên tiến độ xử lý nợ xấu vẫn chậm.

Xử lý nợ xấu vẫn chậm do thị trường bất động sản vẫn mới chỉ ấm lên ở phân khúc giá thấp

Các ngân hàng cho rằng, thị trường bất động sản dù ấm lên, nhưng vẫn chưa có tác động đáng kể đến quá trình xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, các khoản nợ xấu NHTM bán cho VAMC là những khoản nợ xấu có giá trị lớn. VAMC không mua những khoản nợ xấu giá trị dưới 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường bất động sản hiện chỉ mới ấm lên ở phân khúc căn hộ giá thấp, còn dòng sản phẩm cao cấp vẫn khó bán hàng.

Mặt khác, bất động sản có ấm lên, song quyền giải quyết tài sản thế chấp là bất động sản hiện cũng không thuộc về ngân hàng, cho dù trong hợp đồng tín dụng có điều khoản cam kết: một khi khoản vay rơi vào nợ xấu, ngân hàng đương nhiên sẽ được thanh lý tài sản đảm bảo. Khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, ngân hàng không thể đơn phương xử lý tài sản.

Để xử lý được một tài sản đảm bảo khi khoản nợ rơi vào nợ xấu là vấn đề hết sức nhiêu khê. Một lãnh đạo Agribank trên địa bàn TP. HCM cho rằng, khách hàng thường không hợp tác với ngân hàng, tìm mọi cách trì hoãn việc phát mãi tài sản khi không còn khả năng trả nợ, vì không muốn bán tài sản dưới mức định giá trước đây. Và một khi ngân hàng - khách hàng không tìm được tiếng nói chung sẽ phải kiện ra tòa, thời gian theo đuổi một vụ kiện kéo dài hàng năm. Đó cũng chính là lý do vì sao việc xử lý nợ xấu chậm trễ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cũng cho hay, tình hình xử lý nợ xấu của Ngân hàng hiện vẫn còn khó khăn nhất định. Một phần do thị trường bất động sản chỉ ấm lên ở một số dự án có đầu ra và phân khúc nhà ở vừa túi tiền, các phân khúc khác chưa thể kỳ vọng sớm tan băng.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho hay, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu không dễ, cho dù Ngân hàng phải chấp nhận giảm, thậm chí miễn lãi suất cho khách hàng, do thị trường khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Vì thế, trong năm nay, DongA Bank dự kiến sẽ bán tiếp 7.000 tỷ đồng nợ xấu, song việc xử lý thu hồi nợ cũng chỉ ở mức thấp. Bởi tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, việc phát mãi tài sản không dễ khi thị trường bất động sản còn khó khăn.

Chính ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cũng thừa nhận, cái khó nhất trong xử lý nợ xấu là xử lý tài sản đảm bảo. Thời gian xử lý tài sản đảm bảo nhanh nhất cũng mất 2-3 năm.

“Vấn đề này, chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm và đề nghị đẩy nhanh tiến trình này để hỗ trợ giải quyết nhanh cho việc xử lý tài sản thế chấp để giải quyết khó khăn về tài chính cho ngân hàng, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Thời gian qua, NHNN, Bộ Tư pháp, tòa án cũng đã phối hợp tốt để giải quyết vấn đề này”, ông Minh nói.

Trên địa bàn Thành phố, nợ xấu của ngân hàng và các TCTD đến cuối tháng 6 là hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng dư nợ, tăng 0,29 điểm phần trăm so với cuối năm 2014. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, đến cuối tháng 9 tới, TP. HCM phải kéo giảm nợ xấu xuống dưới 3%.

Để thực hiện được mục tiêu này, NHNN TP. HCM đã giao cho ngân hàng trên địa bàn từ nay đến cuối tháng 9 phải xử lý hơn 25.300 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, 3.100 tỷ đồng sẽ do các ngân hàng tự xử lý, 22.200 tỷ đồng phải bán nợ cho VAMC. Bên cạnh đó, ngân hàng phải bán tài sản thế chấp để xử lý nợ.

Việc phối hợp với khách hàng để thu nợ cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Đến nay, các ngân hàng đã xử lý được hơn 2.800 tỷ đồng nợ xấu, đạt 85% kế hoạch cả năm và mục tiêu từ nay đến cuối tháng 9 sẽ hoàn thành.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng nhận định, việc xử lý nợ xấu vẫn chậm, do thị trường bất động sản có ấm lên nhưng thực chất chỉ ở phân khúc căn hộ có mức giá trên dưới 1,2 tỷ đồng/căn. Đồng thời, TS. Lịch cho rằng, để xử lý được nợ xấu, đòi hỏi cơ chế trong việc xử lý tài sản đảm bảo phải thông thoáng hơn để có thể phát mãi thu hồi nợ nhanh.

Mặt khác, Việt Nam cần phải hình thành thị trường mua-bán nợ, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua-bán nợ theo cơ chế thị trường, không thể chỉ trông chờ vào bất động sản hồi phục. Việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường cũng đã được đề cập đến tại Nghị định số 34/2015/NĐ-CP, nhưng để thực hiện được cơ chế này cần một thời gian đủ dài.

Vân Linh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.