Phú Quốc về cơ bản đang hoàn chỉnh, cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt,…do đó, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến Phú Quốc.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình phát triển đảo Phú Quốc hiện nay, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Ban quản -lý Phát triển đảo Phú Quốc cho rằng, hiện cơ sở hạ tầng đảo Phú Quốc về cơ bản đang hoàn chỉnh, cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt,…do đó, hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến Phú Quốc. Ông kỳ vọng nhanh nhất đến 2018 Phú Quốc sẽ là điểm đến hấp dẫn.


Ông Nguyễn Thanh Tùng-Phó Ban Quản lý Đầu tư Phát triển đảo Phú Quốc

Ông có thể cho biết tình hình đầu tư các dự án ở Phú Quốc hiện nay ra sao?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chúng tôi vừa qua báo cáo tình hình đầu tư tại Phú Quốc quý 1 năm 2015 và chương trình công tác quý 2/2015 lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ cho chương trình xúc tiến đầu tư vào Phú Quốc tại Singapore.

Kết quả cho thấy, hiện đang có 202 dự án đầu tư tại Phú Quốc, chiếm 7.976ha. Cấp mới cho 11 giấy chứng nhận đầu tư với hơn 90ha. Lũy kế đến nay có 143 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 144.190 tỷ đồng. Trong đó có 21 dự án đã hoạt động và 13 dự án đang triển khai xây dựng với diện tích 553ha. Hiện Phú Quốc có 20 dự án đầu tư vốn FDI.

Ông thấy chuyển biến gì về làn sóng đầu tư vào Phú Quốc gần đây?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tôi thấy có chuyển biến rất tốt kể từ khí có hệ thống hạ tầng giao thông được hoàn thiện như sân bay quốc tế, đường ven đảo, đường An Thới…. Cơ bản là hạ tầng Phú Quốc hoàn chỉnh thì làn sóng đầu tư vào Phú Quốc bắt đầu tốt lên.

Có nhiều dự án của Vingroup, Bim Group, Sun Group, CEO Group.... Những dự án của các tập đoàn này đang triển khai trên đảo Phú Quốc có tiến độ rất tốt.

Với làn sóng đầu tư mạnh mẽ như vậy thì các nhà đầu tư vào Phú Quốc có cơ chế ưu đãi gì?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Có chế ưu đãi ở Phú Quốc là số 1 tại Việt Nam. Thủ tục giải phỏng mặt bằng theo quy định của pháp luật, mình không thể làm khác hơn cả. Ví dụ ở đây, theo luật cũ thì giao đất chủ đầu tư khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đạt 70% dự án, đất sạch bao nhiêu thì bàn giao bấy nhiêu. Cho nên việc giải phóng mặt bằng ở đây cũng tương đối khó.

Vậy, khó ở điểm nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Ở Phú Quốc có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 1,5 đến 5 lần cho người được bồi thường đất, nhưng lại không nói rõ là nghề gì nên người dân chưa chấp nhận đó là điểm thứ nhất.

Thứ hai, ở Phú Quốc khó hơn nơi khác, ngày xưa là đất rừng không ai ở. Có người đến ở rồi lại bỏ đi, một mảnh đất có nhiều người tranh chấp lẫn nhau, để giải quyết đất đó là của ai là cả một vấn đề để xác định người được hưởng.

Thứ ba, chủ sở hữu đất không phải là người dân ở đây, mà là các nơi ở các tỉnh thành phố, và để xác định họ làm nghề gì để giải quyết cho họ cũng là cả vấn đề nữa.

Câu chuyện đầu tư vào Phú Quốc đang “nóng” lên từng ngày, vậy ông có thể cho biết chi phí hay suất đầu tư ở đây như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Ở Phú Quốc suất đầu tư tại dự án khu Bãi Trường trung bình khoảng 50 tỷ đồng cho một ha, tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào từng loại dự án, có dự án thì 30 tỷ đồng cho một ha, có dự án 70 tỷ đồng cho một ha. Dự án nào đẹp, sinh lợi cao, đầu tư hạ tầng tốt thì suất đầu tư có cao hơn.

Chi phí đầu tư đầu tư tại Phú Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn ở đất liền. Nếu như có nhà máy ở đây đi nữa thì chi phí cũng sẽ lớn hơn bởi vì lương công nhân ở đây đã cao hơn đất liền, các nguyên liệu đầu vào cho nhà máy thì cũng sẽ cao hơn. Cho nên giá cả ở Phú Quốc cao hơn đất liền là chuyện bình thường.

Gần đây, định hướng của Chính phủ vào việc phát triển hạ tầng tại Phú Quốc thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Mục tiêu đã có rồi, Phú Quốc được định hướng phát triển các dự án khu nghỉ dưỡng, du lịch thương mại cao cấp của khu vực cũng như trên thế giới. Nhưng thời gian nhanh hay chập còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:

Thứ nhất là về hạ tầng là phải hoàn chính. Thứ hai, cơ chế chính sách phải thông thoáng. Thứ ba, chính quyền địa phương thực sự phải ủng hộ cho chủ đầu tư, thì họ mới triển khai nhanh được.

Hiện nay, ở Phú Quốc về hạ tầng là cơ bản hoàn chỉnh rồi. Cơ chế chính sách hiện này là ưu đãi số một rồi. Nhưng cái khó khăn còn lại đó là giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. Nguyên nhân thứ nhất là do chế độ bồi thường, thứ hai đối tượng bồi thường ở đây cũng khác. Chẳng hạn ở những nơi khác là đất ruộng từ ngàn đời để lại rồi, nhưng còn ở Phú Quốc ngày xưa là đất rừng xen lẫn đất nông nghiệp, cho nên xác định nguồn gốc đất để bồi thường là rất khó khăn. Nếu xác định sai thì mất tiền Nhà nước, và xác định đúng cho Nhà nước thì người dân lại khiếu kiện. Vì vậy, việc khiếu kiện mà kéo dài thì càng đẩy chi phí cho chủ đầu tư.

Vậy Ban Quản lý phát triển đảo Phú Quốc có vai trò gì giải quyết?

Ông Nguyễn Thanh Tùng:Ban quản lý phát triển đảo Phú Quốc hiện nay đang là cánh tay nối dài của UBND tỉnh, thay mặt các sở, ngành của tỉnh để giải quyết ở Phú Quốc. Các sở, ngành của tỉnh không liên quan ở Phú Quốc nữa, mọi công việc giao cho Ban quản lý. Do đó, cơ chế sẽ nhanh hơn.

Vậy ông kỳ vọng bao lâu nữa ở Phú Quốc sẽ trở thành trung tập du lịch cao cấp?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Tôi kỳ vọng đến năm 2020, nếu nhanh là năm 2018 thì Phú Quốc sẽ là điểm đến hấp dẫn.

Xin cám ơn ông đã dành thời gian trao đổi với chúng tôi!

Kiều Thuật (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.